Học tập đạo đức HCM

Chống hạn trên cây chè ở Kỳ Trung

Thứ hai - 22/06/2020 09:37
Trước tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, những đồi chè tại Kỳ Trung (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đang đứng trước nguy cơ chịu hạn nặng, nếu không có những biện pháp phòng chống kịp thời thì sẽ gây thiệt hại lớn đến đời sống kinh tế của người dân nơi đây.

Mới sáng sớm, ông Nguyễn Xuân Trình (Thôn Bắc Sơn, Kỳ Trung) đã đưa máy nổ ra lắp để bơm nước tưới cho vùng chè mới trồng đang bị héo dần vì nắng hạn. Vừa hì hục lắp ống nối và thử máy ông vừa nói: “Năm ni (năm nay) nắng quá, đợt nắng vừa rồi kéo dài nên chè xấu hẳn, không có nước tưới, gia đình tôi phải thuê máy múc đất tạo hồ để trữ nước, rồi tự đầu tư máy móc để tưới tạm cái đã. Nhìn đơn giản như ri (thế này) nhưng đã hết hơn 15 triệu đồng rồi đây. Thế nhưng cũng chỉ tưới được phần diện tích chè mới trồng này cho nó bén cái đã”.

Gia đình ông Trình có 1,3 ha chè kinh doanh, nguồn thu chính của gia đình nhờ vào cây chè. Năm nay, gia đình ông  trồng mới thêm được 0,2 ha, có một số diện tích đã cho hái lứa đầu tiên. Thế nhưng, những ngày nắng nóng kéo dài, một số có biểu hiện héo lá rồi chết dần.

 

Cũng vì còn khó khăn nên không chỉ ông Trình mà còn nhiều hộ dân khác trong vùng cũng đang chắt chiu, vay mượn để giải quyết khâu trước mắt, mong cho cây chè được tươi tốt trở lại. Thế nhưng, việc tưới tiêu cũng rất bất cập, hộ nào có điều kiện thì đầu tư máy và cả hệ thống tưới bằng loại béc nhỏ, vừa đỡ mất công lại tiết kiệm được nguồn nước, nhưng hộ nào khó khăn thì chỉ đầu tư được một béc lớn, rồi bằng cách tưới xong chỗ này lại phải di giời chỗ khác. Vì thế, có những dãy nước tưới không tới nơi làm chè khô héo dần.

 

Được anh Nguyễn Văn Kiên – Phó giám đốc Xí nghiệp chè 12/9 dẫn đường. Là người gắn bó với cây chè hơn chục năm nay, trước những khó khăn của người dân, anh Kiên cũng rất trăn trở và đang cùng xí nghiệp, chính quyền tìm mọi biện pháp để giúp cây chè phát triển bền vững hơn. Anh cho biết: Trước mắt, Xí nghiệp chè đã kịp thời tư vấn cho bà con về công tác chống hạn cho cây chè. Tùy thuộc vào đặc điểm và khả năng nguồn kinh tế của từng gia đình mà xí nghiệp tư vấn cho mỗi hộ sử dừng bằng hình thức bơm nước từ các khe suối, hồ đập hoặc bằng cách khoan giếng để lấy nước tưới cho cây chè đồng thời hướng dẫn bà con về cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để đảm bảo cây chè sinh trưởng tốt nhất trong thời gian này. Nhờ đó, đến nay đã có hơn 40 hộ đã đầu tư lắp hệ thống tưới cho chè. Xí nghiệp chè cũng sẽ tiếp tục nổ lực huy động mọi nguồn lực để đồng hành cùng người dân trong giai đoạn khó khăn này”.

Đi theo con đường liên thôn, hai bên toàn chè. Dưới cái nắng gay gắt của miền đất đỏ này làm chúng tôi càng cảm thấy sức sống của cây chè như cạn dần vì khô hạn. Đặt chân đến thôn Đất Đỏ, nhà ở thì thưa thớt, thay vào đó là những vườn chè đang gồng mình chống hạn. Ngay bên con đường chính của thôn, chúng tôi bắt gặp một vườn chè được trang bị hệ thống tưới bài bản. Hỏi ra thì mới biết đó là vườn chè của gia đình anh Nguyễn Văn Tiến. Đây cũng là một trong những hộ dân lắp đặt hệ thống tưới cho cây chè từ đầu mùa nắng, vì vậy, vườn chè gia đình anh vẫn đảm bảo xanh tốt hơn hẳn các vùng khác.

Anh Tiến chia sẽ: “Gia đình tôi có 5 sào chè nhưng chỉ mới đầu tư được hệ thống tưới cho 2 sào. Vì có sẵn hồ trữ nước gần vườn nhà nên cũng đỡ phải khoan giếng. Tuy vậy, nếu đầu tư để tưới hết diện tích thì cũng rất tốn kém. Vì thế, tôi cũng như những gia đình khác rất mong được nhà nước quan tâm hỗ trợ thêm để người dân đỡ vất vả”.

da046dca 4f4f 93ad 33e3 fd4d39a4aaa2

Một số gia đình đã đầu tư hệ thống tưới cho chè

Là xã miền núi của huyện Kỳ Anh, Kỳ Trung có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi cho sự phát triển của cây công nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Song với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền xã Kỳ Trung đó là xây dựng các cây con chủ lực vừa tạo việc làm, vừa nâng cao nguồn thu nhập cho bà con nông dân. Xuất phát từ những tiềm năng về vùng đất đỏ và đồi núi, xã Kỳ Trung- huyện Kỳ Anh xem cây chè là cây phát triển chủ lực, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm hộ dân. Vì thế, nhiều năm qua, diện tích trồng chè tại xã Kỳ Trung đã dần được mở rộng. Đến thời điểm này, xã Kỳ Trung đã phát triển được hơn 200 ha chè nguyên liệu với 70% hộ gia đình tham gia trồng chè với sản lượng bình quân từ 15 – 17 tấn/ha, sản lượng chè tươi hàng năm ước đạt 1.200 tấn. Tính đến nay, chè vẫn là một trong những cây trồng giải quyết việc làm cho lực lượng lớn và đem lại thu nhập khá cho người dân của huyện. Bình quân thu nhập người dân nơi đây đạt 15-20 triệu đồng/ha. Không chỉ góp phần cải thiện chất lượng kinh tế, bộ mặt kinh tế nông thôn, cây chè còn giúp phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Văn Dương– Chủ tịch UBND xã Kỳ Trung - huyện Kỳ Anh cho biết: “Với giá trị mang lại, cây chè thực sự là cây xóa đói giảm nghèo của địa phương, vừa mang lại giá trị kinh tế, cây chè còn giải quyết việc làm cho nông dân. Hàng năm, diện tích chè đều được tăng lên, hiện nay đã có  hơn 20 ha được cải tạo trồng mới và dự kiến đến cuối năm sẽ trồng thêm 20 ha. Tuy nhiên, việc phát triển cây chè bền vững cũng còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là những diện tích chè trồng mới đang đứng trước nguy cơ hư hỏng nặng do nắng hạn kéo dài. Chính quyền địa phương đã vận động người dân vừa trồng mới vừa lắp đặt các hệ thống tưới đảm bảo cho cây chè phát triển và bàn các giải pháp để đưa ra các chính sách hỗ trợ cùng người dân chống hạn cho cây chè. Tuy nhiên, với nguồn kinh phí còn hạn hẹp và những khó khăn nhất định của địa phương thì rất mong các cấp, các ngành quan tâm đồng hành cùng địa phương để giúp đỡ người dân trong việc lắp đặt hệ thống tưới cũng như về lâu dài có những chính sách hỗ trợ để năng suất chất lượng của cây chè được đảm bảo”.

Theo Nguyễn Hoàn/sonongnghieo.hatinh.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập210
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm11
  • Khách viếng thăm198
  • Hôm nay45,722
  • Tháng hiện tại974,986
  • Tổng lượt truy cập92,148,715
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây