Học tập đạo đức HCM

Khám chữa bệnh từ xa – Xu thế tất yếu của nền y tế 4.0

Thứ năm - 25/06/2020 22:33
Sau hơn 2 tháng được Bộ Y tế lựa chọn thí điểm triển khai, mô hình khám, chữa bệnh (KCB) từ xa của BV Đại học Y Hà Nội đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực về chuyên môn và công tác điều trị cho bệnh nhân ở cơ sở tuyến dưới. Mô hình này được nhận định là xu thế tất yếu của nền y tế 4.0. Để triển khai mô hình này hiệu quả, Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện chính sách và nguồn kinh phí theo Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025 mà Bộ vừa phê duyệt.
Các bác sĩ thuộc nhiều chuyên khoa của BV Đại học Y Hà Nội tham gia khám chữa bệnh từ xa để hỗ trợ chấn đoán, đưa ra phương hướng điều trị bệnh nhân cho các bác sĩ tuyến dưới. Ảnh: VGP/Hiền Minh 

Nhiều bệnh nhân nặng được hội chẩn trực tuyến hiệu quả

Tham gia mô hình khám chữa bệnh từ xa với BV Đại học Y Hà Nội từ tháng 4 đến nay, nhiều bệnh nhân nặng điều trị tại BVĐK tỉnh Hà Tĩnh được điều trị hiệu quả mà không phải chuyển lên tuyến trên, các bác sĩ tại cơ sở thì có cơ hội được nâng cao tay nghề chuyên môn.

BS. Hoàng Quang Trung, Giám đốc BVĐK tỉnh Hà Tĩnh cho biết, qua 9 lần triển khai hội chẩn trực tuyến với BV Đại học Y Hà Nội, 15 bệnh nhân nặng của BVĐK tỉnh Hà Tĩnh đã được các chuyên gia đầu ngành phân tích kỹ lưỡng, đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp nhất cho mỗi bệnh nhân. Nhờ đó, các bệnh nhân được điều trị tốt nhất ngay tại chỗ, hạn chế việc chuyển tuyến, tiết kiệm chi phí và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

“Các thầy của BV Đại học Y Hà Nội triển khai rất bài bản và tâm huyết, có kiểm tra kết quả sau mỗi buổi hội chẩn nên bắt buộc các bệnh viện sau khi hội chẩn xong, phải tập trung vào điều trị bệnh nhân. Sau một tuần, các thầy sẽ hỏi lại kết quả thực hiện. Việc triển khai khám chữa bệnh từ xa với BV Đại học Y Hà Nội không chỉ mang lại lợi ích lớn cho người bệnh mà còn tạo điều kiện cho các bác sĩ tại BVĐK tỉnh Hà Tĩnh cơ hội để học hỏi và nâng cao chuyên môn”, BS. Hoàng Quang Trung chia sẻ.

Là một trong những bệnh viện tuyến huyện tham gia khám chữa bệnh từ xa với BV Đại học Y Hà Nội, BS. Vi Hồng Kỳ, Giám đốc BVĐK huyện Mộc Châu cũng nhận định, mô hình này triển khai từ BV Đại học Y Hà Nội tới BVĐK huyện Mộc Châu rất hiệu quả. Bệnh nhân được các chuyên gia đầu ngành hội chẩn và có ngay phương hướng điều trị phù hợp nhất, các bác sĩ ở cơ sở được cập nhật kiến thức, thậm chí được “cọ xát” với những bệnh mà trước đó các bác sĩ rất ít gặp hoặc khó phát hiện. Đặc biệt, bệnh nhân cũng được tham gia nghe hội chẩn trực tuyến nên rất yên tâm khi ở lại bệnh viện điều trị.

“Có ca bệnh khó, sau khi hội chẩn, các thầy ở BV Đại học Y Hà Nội sẵn sàng cử người về tận BV để hỗ trợ, cầm tay chỉ việc cho các bác sĩ tuyến dưới”, BS. Vi Hồng Kỳ nói.

Mới đây, ngày 2/6, các bác sĩ tại BV Đại học Y Hà Nội cũng đã phối hợp, hỗ trợ các bác sĩ của BVĐK khu vực Bắc Quang, tỉnh Hà Giang hội chẩn và mổ chuyển vạt da che phủ ngón II tay trái/ bỏng điện độ III  cho bệnh nhi 4 tuổi…

Tính từ khi triển khai thí điểm mô hình khám chữa bệnh từ xa (ngày 18/4) đến nay, sau hơn 2 tháng, BV Đại học Y tế Hà Nội đã tổ chức được 12 buổi khám chữa bệnh từ xa với 29 cơ sở y tế, trong đó có 5 BV tỉnh tuyến tỉnh, 5 BVĐK khu vực, 17 cơ sở y tế tuyến huyện, 1 phòng khám đa khoa tư nhân, đặc biệt, có 1 phòng khám tại Campuchia. Có 85 ca bệnh nặng từ các cơ sở y tế này đã được hội chẩn, từ đó quyết định chuyển viện 20 ca, các ca bệnh còn lại đa số được điều trị thành công.

Theo PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, nền tảng hỗ trợ tư vấn, khám chữa bệnh từ xa sẽ xóa nhòa ranh giới trình độ của các đơn vị chưa được nâng cao về chuyên môn. Hiện nay, chúng ta đang khám chữa bệnh theo phương pháp truyền thống và vẫn cần tiếp tục duy trì phát huy. Khám chữa bệnh từ xa không thể thay thế tuyệt đối phương pháp truyền thống, nhưng sẽ là một công cụ hỗ trợ hữu ích cho hệ thống y tế. Hiệu quả rõ nhất là giảm tỉ lệ bệnh nhân đi từ nhà đến BV, giảm tỉ lệ chuyển tuyến từ BV cơ sở đến BV Trung ương, đặc biệt là giảm tỉ lệ tái khám của người bệnh.

 

Các bác sĩ ở điểm cầu BVĐK tỉnh Hà Tĩnh tham gia khám chữa bệnh từ xa với BV Đại học Y Hà Nội. Ảnh: VGP/Hào Hoàng

Thành lập mạng lưới BV tuyến trên tham gia KCB từ xa

Mô hình thí điểm khám chữa bệnh từ xa tại BV Đại học Y Hà Nội trong thời gian qua sẽ được nhân rộng trên cả nước. Ngày 22/6, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 - 2025. Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Đề án này hướng tới mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới.

Các cơ sở y tế sẽ được hỗ trợ chuyên môn từ các bệnh viện tuyến trên dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng, chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.

Theo Đề án, sẽ có 24 bệnh viện tuyến trên tham gia vào mạng lưới khám, chữa bệnh từ xa. Các bệnh viện sẽ thực hiện các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ chuyên môn khám chữa bệnh từ xa… Những bệnh viện tuyến huyện có đủ điều kiện, năng lực sẽ được nhận sự hỗ trợ trực tiếp, đồng thời của bệnh viện tuyến Trung ương và bệnh viện tuyến tỉnh. Việc này giúp bệnh viện tuyến huyện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và người dân có thể sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng chuyên môn tốt của tuyến trên ngay tại tuyến huyện.

Trong giai đoạn đầu 2020-2021, Đề án tập trung đầu tư vào các chuyên khoa có người bệnh sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa, đặc biệt các chuyên khoa có tình trạng quá tải trên cơ sở thống kê mô hình bệnh tật như tim mạch, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm, ung bướu, huyết học truyền máu, các bệnh không lây nhiễm và các bệnh khác trong cộng đồng ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Dự kiến đầu tư các bệnh viện tuyến trên và ít nhất 400 bệnh viện tuyến dưới bao gồm bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện và bệnh viện tư nhân.

Giai đoạn 2021-2025, Đề án tiếp tục đầu tư bệnh viện tuyến trên có các chuyên khoa như hồi sức cấp cứu, hô hấp, tiết niệu, thần kinh, nội tiết, da liễu, răng hàm mặt… và các chuyên khoa khác có nhu cầu. Các bệnh viện tuyến dưới được mở rộng tương ứng với các chuyên khoa và số lượng bệnh viện tuyến trên.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, việc thực hiện Đề án chính là tạo ra mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến. Các mạng lưới này được hỗ trợ chuyên môn như nhau.

Để thực hiện được điều này, các bệnh viện phải dành một thời gian nhất định trong ngày để hỗ trợ một bệnh viện về chuyên môn và các bệnh viện khác có thể đăng nhập vào ứng dụng để tham khảo nội dung đó.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng khuyến khích các bác sĩ tuyến trên kết bạn và thành lập nhóm với các bác sĩ tuyến dưới để thuận tiện trong trao đổi nghiệp vụ, hỗ trợ chuyên môn.

Thứ trưởng cũng kỳ vọng, Đề án này sẽ làm thay đổi chất lượng của y tế cơ sở trong thời gian tới. Tuy nhiên, để triển khai đồng bộ và hiệu quả, Bộ Y tế sẽ cần phải tiếp tục hoàn thiện về chính sách và nguồn kinh phí theo Đề án này.

Thúy Hà/chinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập178
  • Hôm nay33,036
  • Tháng hiện tại874,237
  • Tổng lượt truy cập93,251,901
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây