Khái niệm
Là bệnh truyền nhiễm cấp tính, bệnh do virus gây viêm đường hô hấp, chủ yếu xảy ra ở trên gà. Gây xáo trộn hô hấp: Âm ran khí quản, hắt hơi, chảy nước mũi. Gà giảm đẻ, chất lượng trứng kém, tỷ lệ chết cao. Bệnh xảy ra mọi lứa tuổi và ở hầu hết các nước trên thế giới. Nơi nào nuôi gà theo hướng công nghiệp bệnh càng có xu hướng phát triển cao. Gà con thường bị mắc bệnh nặng hơn.
Cơ chế gây bệnh IB trên gà Ảnh: Vietdvm
Tác nhân gây bệnh
Virus gây bệnh thuộc họ coronavirus, chi coronaviraidae là một ARN virus sợi đơn. Bệnh IB do một virus corona gây ra với các kháng nguyên đa dạng. Vì thế, có rất nhiều chủng được xác định như: Massachusetts, Arkansas 99, Connecticut… Bệnh có thể có những triệu trứng và bệnh tích khác nhau giữa các chủng. Virus có khả năng biến chủng rất cao vì vậy đây là bệnh đang rất được quan tâm trên toàn thế giới. Virus tồn tại lên đến 1 năm trong phân và chất độn chuồng, tồn tại 4 tuần trong chuồng nuôi, bị bất hoạt sau 15 phút ở 56°C và sau 90 phút ở 45°C.
Phương thức lây bệnh
Bệnh lây nhiễm qua hô hấp do con vật hít phải không khí trong chuồng nuôi đã nhiễm mầm bệnh. Lây qua thức ăn nước uống do những con vật thải mầm bệnh vào thức ăn nước uống từ dịch nước miếng và thanh dịch ở mũi. Qua những dụng cụ chăn nuôi và người chăn nuôi đã nhiễm mầm bệnh. Gần đây, theo báo cáo ở một số nước cho biết virus có khả năng truyền lây qua trứng.
Triệu chứng
Thời gian nung bệnh 18 - 36 giờ, tùy theo độc lực virus và đường xâm nhập. Gà ở mọi lứa tuổi dễ bị mắc bệnh nhưng các dấu hiệu lâm sàng có thể thay đổi. Các dấu hiệu đầu tiên công nhận và dễ thấy nhất là những dấu hiệu về đường hô hấp, do đó bệnh có tên là viêm phế quản truyền nhiễm. Tuy nhiên, virus còn có khả năng gây ra bệnh tích trên thận và ống dẫn trứng ở gà đẻ. Bệnh lây lan rất nhanh trong đàn, tỷ lệ mắc bệnh có thể lên đến 100%, tỷ lệ chết thường là 5%. Gà con ho, chảy nước mũi, thở ran trong 10 - 14 ngày, tỷ lệ chết có thể lên đến 30%, đặc biệt là những đàn không có kháng thể mẹ truyền. Trường hợp chủng virus gây viêm thận hoặc bội nhiễm vi khuẩn, tỷ lệ chết cao hơn (tới 60%). Bệnh ở gà đẻ, giảm đẻ trứng 5 - 50%, trứng dị hình, vỏ trứng mỏng, lòng trắng lỏng như nước. Trên những gà lớn hơn 6 tuần tuổi thì triệu chứng nhẹ hơn và thường không xuất dịch ở mũi.
Ðối với gà con trên 1 tháng tuổi, bệnh xảy ra rất nhanh trong toàn đàn với các triệu chứng: Sốt, ủ rũ, xù lông, kém ăn, thở khó, thở bằng miệng và luôn kèm theo tiếng khò khè, chảy nước mũi, nước mắt.
Gà lớn: Giảm ăn nhẹ. Dấu hiệu hô hấp thở hổn hển, ho, xuất huyết khí quản và chảy nước mũi. Giảm sản lượng trứng 5 - 10% nếu bệnh kéo dài có thể lên tới 50 -70%. Trứng méo mó dị hình, vỏ mỏng hoặc nhăn gợn sóng, nhạt màu. Lòng trắng trứng mất tính nhớt, lòng đỏ trôi nổi tự do. Nếu gà bị nhiễm bệnh từ lúc còn rất nhỏ thì ống dẫn trứng sẽ bị ảnh hưởng và nó phát triển không bình thường. Thể viêm thận cũng có thể thấy trên gà đẻ.
Biểu hiện khi mổ khám: Túi khí mờ, chứa nhiều dịch nhày và đục. Xuất huyết nặng nề đường hô hấp. Có mủ ở khí quản, nếu để lâu và nặng có hiện tượng đóng kén, phổi viêm, hóa mủ. Xuất huyết ống dẫn trứng, gây tổn thương vĩnh viễn ở đường dẫn trứng, với gà giai đoạn hậu bị nhiễm IB ống dẫn trứng bị teo ngắn.
Chẩn đoán
Cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác. Chẩn đoán dựa vào triệu chứng và bệnh tích như bệnh lây lan rất nhanh với các triệu chứng hô hấp, năng suất và chất lượng trứng giảm. Ðể chẩn đoán chính xác bệnh cần phải sử dụng các xét nghiệm phòng thí nghiệm như phản ứng ELISA, phản ứng ngăn trở ngưng kết hồng cầu (HI), trung hòa virus, phản ứng RT- PCR, phân lập virus với các mẫu bệnh phẩm: Huyết thanh, phế quản, phổi, chất tiết đường hô hấp, thận, ống dẫn trứng.
Phòng và điều trị
Ðây là bệnh do virus, chưa có thuốc đặc trị do đó phòng bệnh là chủ yếu. Có thể dùng kháng sinh để tránh phụ nhiễm. Cung cấp các chất điện giải trong trường hợp gà bệnh thể viêm thận. Cần áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng một cách nghiêm ngặt chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, lò ấp trứng… bằng các chế phẩm như Navetkon-S, dung dịch Benkocid chuồng trại, BKA chuồng trại...
Gà giống phải được mua từ các cơ sở không mắc bệnh, phải được cách ly theo dõi ít nhất 1 tuần. Xử lý tốt xác chết, phân và chất độn chuồng. Nên loại thải gà đẻ bị mắc bệnh.
Quản lý chăm sóc đàn tốt, chuồng trại thông thoáng, nhiệt độ, ẩm độ thích hợp, vệ sinh thức ăn, nước uống và dụng cụ chăn nuôi sạch sẽ tránh nhiễm bẩn. Sử dụng các chế phẩm phòng chống stress cho gà nhất là lúc giao mùa, chuyển chuồng, tiêm phòng như Vita-Electrolytes, Navet-Vitamin C…
Phòng bệnh bằng vaccine được xem là biện pháp chủ yếu, có hai loại vaccine: Vaccine vô hoạt thường dùng cho gà đẻ với đường tiêm bắp thịt (thịt ức) hoặc dưới da vùng cổ; Vaccine sống nhược độc dùng cho gà con, gà giò bằng đường nhỏ mắt, nhỏ mũi, cho uống.
Nguồn: nguoichannuoi.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;