Dù có tiềm năng và bước đầu đã định hình VN là một trung tâm chế biến nông sản thế giới nhưng làm sao đem lại giá trị gia tăng cao hơn, không chỉ là nơi gia công đơn giản vẫn là bài toán khó.
Công ty T. vừa khánh thành nhà máy sản xuất cà phê lớn tại Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, Bình Dương. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung cấp 9.000 tấn cà phê rang xay và 19.800 tấn cà phê hòa tan mỗi năm, phần lớn để xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Cà phê ca cao VN (Vicofa), đang có sự dịch chuyển khá nhanh từ xuất khẩu cà phê thô sang xuất khẩu cà phê chế biến (bột và hòa tan) với giá trị gia tăng cao từ các công ty VN. Với nguồn nguyên liệu dồi dào, VN đang trở thành một trung tâm chế biến cà phê mới của thế giới.
Không chỉ ngành cà phê, tại VN cũng đang hình thành trung tâm sản xuất và gia công hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm. Nhiều doanh nghiệp đang nhập khẩu rất lớn lượng nguyên liệu như bắp, đậu nành từ Mỹ về chế biến thức ăn chăn nuôi xuất khẩu sang Philippines, Myanmar, Campuchia...
Với ngành lúa gạo, hệ thống các nhà máy xay xát chế biến gạo của VN không chỉ đáp ứng nhu cầu xuất khẩu 7-8 triệu tấn gạo/năm mà còn đủ năng lực để chế biến toàn bộ lúa gạo xuất khẩu của Campuchia.
Là một trong những quốc gia có nhiều nhà máy đạt chuẩn xuất khẩu vào EU, Mỹ và Nhật Bản, mỗi năm các nhà máy thủy sản VN đang nhập khoảng 1 tỉ USD tôm, cá ngừ, mực, bạch tuộc... về chế biến, tái xuất khẩu.
Đặc biệt, cứ năm hạt điều được mua bán trên thị trường, có hai hạt được xuất khẩu đi từ VN. Lượng hạt điều nhập khẩu về để chế biến từ châu Phi, Campuchia, Indonesia gần đây đã vượt qua con số 1 triệu tấn/năm, gấp hơn hai lần sản lượng điều trong nước (khoảng 400.000 tấn).
Đó là những bước chuyển quan trọng của ngành chế biến nông sản thực phẩm của VN. Sự chuyển dịch tích cực này bắt nguồn từ việc các doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào ngành công nghiệp chế biến trong hai thập kỷ qua.
Dù vậy, theo đại diện Bộ Công thương và Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu - cạnh tranh, nông dân chỉ được hưởng khoảng 1% giá trị cuối cùng của nông sản xuất khẩu.
Điều này cho thấy dù có nhiều chuyển biến tích cực, ngành chế biến nông sản của VN vẫn còn ở phân khúc thấp với các công đoạn giản đơn và giá trị gia tăng thấp. Việc chế biến sâu tới các sản phẩm tiêu thụ cuối cùng với giá trị gia tăng cao hơn vẫn còn là câu chuyện ở phía trước.
Theo một chuyên gia trong ngành thực phẩm, không phải cứ muốn chế biến sâu là được vì sản phẩm còn phải trải qua nhiều thử thách để tiếp cận trực tiếp đến người tiêu dùng. Đó là uy tín, thương hiệu và hệ thống phân phối. Đây là con đường dài.
Với khả năng hiện có, mỗi quốc gia nên chọn cho mình một phân khúc có lợi thế nhất để tập trung sản xuất rồi dần tiến thêm một bước cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Trước tiên, phải có uy tín trong lĩnh vực chế biến, gia công, đây sẽ là cơ sở để doanh nghiệp VN đầu tư vào các hệ thống chế biến cao cấp hơn cũng như tiếp cận khách hàng cuối cùng.
Trần Mạnh/tuoitre.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;