Những mô hình hiệu quả
Ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc HTX nông nghiệp Điện Quang (Quảng Nam) chia sẻ, việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng hóa, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nhằm tạo ra chuỗi giá trị bền vững có ý nghĩa sống còn, và trở thành xu thế tất yếu của thị trường hiện nay.
80% lượng nông sản chưa xây dựng được thương hiệu |
HTX Nông nghiệp Điện Quang cũng đã xúc tiến xây dựng 3 dự án sản xuất: Sản xuất, chế biến dầu phụng đóng chai thương hiệu “Đất Quảng”; Chăn nuôi bò thịt vỗ béo quy mô 2.000 con/lứa; Sản xuất rau sạch gắn với du lịch sinh thái danh nhân chí sĩ.
Theo đó, về chuỗi sản phẩm dầu phụng “Đất Quảng”, từ năm 2015 HTX hoàn thành các thủ tục theo quy trình xúc tiến xây dựng cơ sở chế biến. Tháng 4/2016, HTX khánh thành và đi vào hoạt động, vừa tổ chức gia công ép dầu cho nông dân trên địa bàn, vừa thu mua đậu phụng tại chỗ, ép - lọc - đóng chai, làm nhãn hiệu trình Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ KH&CN Việt Nam ban hành quyết định công nhận thương hiệu dầu phụng “Đất Quảng” vào ngày 18/11/2016.
Qua 1 năm thử nghiệm đưa ra thị trường, dầu phụng thương hiệu “Đất Quảng” được người tiêu dùng chấp nhận và khen ngợi. Năm 2017, HTX tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động, từ vụ đông xuân 2017 - 2018 sẽ đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đảm bảo lượng đậu phụng cho việc chế biến thường xuyên trong năm và đẩy mạnh việc quảng bá, mở đại lý trong và ngoài tỉnh, đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại các siêu thị trong cả nước.
Từ thành công của thương hiệu dầu phụng “Đất Quảng”, HTX đang hoàn chỉnh các thủ tục theo quy định để tháng 9/2017 xúc tiến xây dựng cơ sở chăn nuôi bò thịt quy mô 2.000 con/lứa (nuôi 3 lứa/năm) theo hình thức khép kín nhập giống ngoại, chăn nuôi hữu cơ, cung cấp bò thịt cho DN bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo hợp đồng.
Đồng thời, sử dụng lượng phân bò chế biến thành phân hữu cơ vi sinh, liên kết cùng công ty TNHH Giang Hải sản xuất 10,5 ha rau sạch an toàn để phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh Quảng Nam từ vụ đông xuân 2017-2018. Có thể khẳng định chuỗi giá trị dầu phụng Đất Quảng - bò thịt - rau sạch mà HTX Nông nghiệp Điện Quang đã đang và sẽ triển khai trong thời gian tới sẽ mở ra một tương lai và hướng phát triển mới cho HTX.
Theo số liệu của Trung tâm khuyến nông Quảng Nam, với 115.542ha đất nông nghiệp, tổng giá trị sản xuất nông, lâm thủy sản năm 2016 của tỉnh Quảng Nam là 12 nghìn tỷ đồng, Quảng Nam cũng là địa phương đạt thành tựu khá nổi bật trong xây dựng thương hiệu nông sản gắn với chuỗi giá trị.
Đến nay, 45 đặc sản nông sản đã có thương hiệu dưới các hình thức như chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, trong đó có không ít đặc sản nổi tiếng như: sâm Ngọc Linh, quế Trà My, tiêu Tiên Phước, rau Trà Quế, nước mắm Cửa Khe, gà tre Đèo Le… khẳng định thương hiệu trong nước và quốc tế.
Hiện tại, Sở KH&CN tỉnh Quảng Nam đang phối hợp với các sở, ban ngành liên quan xúc tiến việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tiến tới xây dựng nhãn hiệu cho 32 đặc sản nông sản khác.
Thạc sỹ Lê Minh Thảo, Sở KH&CN Quảng Nam cho biết, phát triển sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu nông sản ở Quảng Nam luôn gắn với giá trị văn hóa truyền thống, tính đặc trưng từng vùng miền của địa phương.
Đơn cử, nói đến quế người ta nghĩ ngay đến huyện Trà My và ngược lại, hoặc như nói đến huyện Đèo Le là nghĩ tới đặc sản gà đồi loại chân nhỏ chỉ khoảng 0,8 - 1kg/con thịt thơm ngon… Thời gian gần đây việc xây dựng thương hiệu cho các nông sản tại Quảng Nam rất được chú trọng và một số đặc sản quý đã có thương hiệu hàng hóa độc quyền, tạo vị thế xứng đáng trên thị trường.
Nông sản vẫn chưa có thương hiệu
Theo các chuyên gia, việc phát triển sản phẩm nông nghiệp Việt theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa đã đạt được những bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó nổi cộm nhất là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; nông sản chủ yếu xuất thô, mối liên kết theo chuỗi giá trị giữa các địa phương, vùng miền chưa định hình rõ nét; việc quảng bá sản phẩm đã đăng ký sở hữu trí tuệ chưa bài bản.
Tính đến nay vẫn còn 80% các mặt hàng nông sản chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo nhãn mác, không ít sản phẩm tiêu thụ trên thị trường thế giới thông qua thương hiệu của nước khác. Thực trạng này đã làm cho nông sản nước ta dù giá trị đến mấy vẫn không có sức cạnh tranh, chịu thiệt thòi, từ đó nguồn lợi thu về từ xuất khẩu còn khiêm tốn.
Theo đại diện Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT), nguyên nhân của tình trạng trên là do chưa có một chương trình tổng thể về xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản chủ lực, làm căn cứ định hướng để địa phương, DN xác định mặt hàng, thị trường tập trung làm thương hiệu; Chưa có hệ thống quy định của pháp luật thống nhất trong lĩnh vực thương hiệu; Hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ, hướng dẫn về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý còn nhiều bất cập, khó triển khai trong thực tiễn tại địa phương;...
TS. Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh, thương hiệu là một trong những nhân tố quan trọng để DN tạo uy tín nhằm duy trì và mở rộng thị trường minh bạch, chống cạnh tranh không lành mạnh. Để phát triển sản xuất hàng hóa lớn tham gia vào thị trường trong nước và quốc tế, các DN phải xây dựng thương hiệu mạnh cho mình, thương hiệu là hình tượng của DN cũng như mặt hàng sản phẩm của DN.
Cũng theo ông Trần Văn Khởi, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là một yếu tố quan trọng thúc đẩy xây dựng thương hiệu hàng hóa cho DN. Chiến lược phát triển sản phẩm và phân phối sản phẩm là cơ sở để xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu của DN. Bên cạnh đó, để đẩy mạnh phát triển sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị cần phải tổ chức nông dân liên kết sản xuất theo chuỗi; Áp dụng tối đa công nghệ mới để giảm giá thành nông sản, tăng lợi nhuận, hiệu quả kinh tế.
Đồng thời, cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý, nhà khoa học và cơ quan khuyến nông. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ của nhà nước về tín dụng và các mô hình, đào tạo khuyến nông điều kiện để các DN phát triển, ông Khởi cho biết thêm.
Tác giả: Hải Yến
Nguồn: thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;