Học tập đạo đức HCM

XÂY DỰNG NỀN NÔNG NGHIỆP "LƯƠNG THIỆN" Kỳ 3: Xây dựng thương hiệu gạo Việt

Thứ bảy - 27/10/2018 09:14

TS. Nguyễn Văn Kiền- chuyên gia nghiên cứu về nông nghiệp hữu cơ ở Australia (Úc)- cho rằng: “Lịch sử nông nghiệp hữu cơ bắt đầu từ niềm tin”. Câu chuyện của gạo Tâm Việt (Đồng Tháp) đã chứng minh điều đó.

Tuy nhiên, niềm tin chỉ là bước sơ khởi của câu chuyện hữu cơ, còn để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam định danh được trên thị trường uy tín thế giới lại là câu chuyện mang tầm vóc khác. Đó là lúc cần phải tăng cường hàm lượng “chất xám” cho hạt gạo.

Niềm tin người tiêu dùng

Công cuộc khai phá Đồng Tháp Mười lần thứ 2 diễn ra trong hơn 2 thập kỷ tưởng chừng bế tắc, khi cả những chuyên gia nước ngoài tuyên bố rằng: “Cần 1 triệu USD để rửa sạch 1m2 đất phèn Tháp Mười”, nhưng cuối cùng người dân miền Tây đã làm được. 

Đổi lại, cái giá phải trả là triệt tiêu “2 túi nước” khổng lồ chứa phù sa màu mỡ mùa nước nổi ở Tháp Mười và toàn vùng tứ giác Long Xuyên trở nên khô kiệt. Cả một hệ sinh thái như báu vật trời cho gần như bị ảnh hưởng bởi thuốc trừ sâu, phân bón hóa học.

Công cuộc khai phá Tháp Mười lần này như cuộc… lội ngược dòng khi chàng trai 9X Nguyễn Văn Tiếng muốn khôi phục trở lại lối làm ruộng thuở xưa. 

Bắt đầu từ 2ha ruộng nái, giờ đây anh đã khai thác hơn 60ha ruộng hữu cơ và một dự án 80ha sắp được triển khai trên địa bàn tỉnh Long An.

Trở lại xã Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự- Đồng Tháp) trên những con đường ngoằn nghèo, chúng tôi nhớ đến chàng trai 9X Võ Văn Tiếng với những băn khoăn về cách làm lúa “chỉ sử dụng phân hữu cơ và thiên địch”. 3 năm, những dự định của chàng trai “có tâm với hạt gạo Việt Nam” đã tạo ra thành phẩm gạo Tâm Việt “có chỗ đứng” trên thị trường.

Võ Văn Tiếng làm lúa hữu cơ trong suốt thời gian canh tác, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời lên bờ bao thả nuôi cá mè vinh và thả vịt để tiêu diệt các mầm bệnh và ốc bươu vàng. 

Nhớ vụ thu hoạch đầu tiên, năng suất lúa không cao, đầu ra cho sản phẩm gạo sạch của Tiếng vô cùng khó khăn khi chưa tạo được niềm tin cho khách hàng trên thị trường mà “chỉ cung cấp sản phẩm cho những người quen”.

Đến năm 2015, mặc dù năng suất lúa canh tác chỉ đạt khoảng 60% so với diện tích của các ruộng lúa lân cận, nhưng bù lại giá thành thấp do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và giá bán cao hơn so với gạo truyền thống. Văn Tiếng còn lợi dụng thiên địch để tiêu diệt sâu bọ gây hại cho lúa.

Văn Tiếng tự đi xay xát gạo và đóng bao bì thương hiệu gạo Tâm Việt (ý nghĩa cái tâm của người Việt Nam) được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận, để xuất bán ở thị trường TP Hồ Chí Minh với giá 28.000 đ/kg. 

Khi sản phẩm gạo sạch làm ra được người tiêu dùng công nhận, hơn ai hết Văn Tiếng cảm thấy hạnh phúc vì mọi sự cố gắng bước đầu đã có kết quả. Văn Tiếng khẳng định, không thu lợi nhuận nhiều từ ý tưởng “độc- lạ”, nhưng bù lại sức khỏe người tiêu dùng mới chính là đích đến của anh. Mục đích của Văn Tiếng là làm vì uy tín và chất lượng của mình chứ không đưa lợi nhuận lên hàng đầu.

Anh Võ Văn Tiền- anh trai của Văn Tiếng- hướng dẫn chúng tôi dạo quanh một vòng trên cánh đồng lúa mới cắt, gốc rạ còn dậy mùi hương ngai ngái quen thuộc, nắng chang chang nhưng mọi người đều cảm thấy hứng thú với “cơ ngơi” của vùng lúa hữu cơ được hình thành từ ý chí và trái tim đầy nhiệt huyết của chàng trai được gán cho biệt danh “Tiếng Khùng làm gạo sạch”.

Mà tình thiệt, hổng ai dám nghĩ người bình thường tự dưng… đâm đầu vào đây với ý tưởng “ngược đời” khi mà trên cả vùng Tháp Mười bao la và tứ phía vây quanh đây ruộng nào mà không phân bón, thuốc trừ sâu.

Khi mà mọi người còn mải mê nhìn ngắm và tranh thủ làm vài tấm hình trên cái cây cầu ngộ nghĩnh vắt ngang mảnh ruộng, bất chợt một giọng nói “đặc rật” miền Tây của anh Tiền vang lên: “Đi bộ một vòng cái miếng “duộng” (ruộng- PV) này độ 4 cây số à nhe”.

Đây là 40ha đất mà anh em Tiền- Tiếng vừa thuê trong năm 2018 này để mở rộng “làm gạo sạch Tâm Việt”. Vừa đi anh Văn Tiền vừa kể: “Hợp đồng chúng tôi thuê đất ở đây 5 năm, mới năm đầu mần chắc chắn là lỗ rồi.

Có người còn nói: “Tụi bây vô đó mần, tao dám chắc hông có trấu mà ăn”. Tuy nhiên, niềm tin từ những thành công trên mảnh ruộng đầu tiên, cùng với tín hiệu ban đầu từ người tiêu dùng, giúp họ vững tin đi tới cùng.

Gạo Tâm Việt nay đã có “tên tuổi” trên thị trường và giá bán dao động từ 35.000- 38.000 đ/kg, còn được các công ty bao tiêu. “Hiện đang hết hàng, bạn hàng muốn mua phải đặt trước”- anh Văn Tiền vui vẻ nói. 

Ngoài bán gạo thì Nông trại Tâm Việt còn nuôi vịt bán lấy trứng và thịt với mỗi trứng giá 3.000đ; xuất 12 tấn cá tra tự nhiên nuôi trong ruộng lúa, lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng.

Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch của Nông trại Tâm Việt, Công ty TNHH Du lịch văn hóa Việt Mekong (Đồng Tháp) đã đầu tư xây dựng các hạng mục thu hút du lịch tại nông trại này. Hiện công ty đầu tư theo từng giai đoạn, giai đoạn 1 đầu tư khoản 1 tỷ đồng cải tạo và xây dựng mới 20 chòi lá bố trí rải rác trên cánh đồng nông trại, 1 nhà tập thể lớn và 4 nhà vệ sinh.

Thêm một nguồn thu nhập từ các dịch vụ xoay quanh chuyện làm mùa, nhưng quan trọng đây cũng chính là một “kênh” quảng bá góp phần mở đường cho tiếng thơm gạo “Tâm Việt” tiếp tục bay xa.

Tăng “chất xám” cho hạt gạo Việt

Tuy nhiên, niềm tin chỉ là bước sơ khởi của câu chuyện hữu cơ; đến một giai đoạn phát triển nhất định, khi bước vào sân chơi rộng lớn hơn, mọi chuyện cần được chứng minh bằng những chỉ số khoa học, những quy chuẩn rõ ràng của từng thị trường khác nhau.

Không phải ngẫu nhiên mà gạo thơm ST 24 được công nhận top 3 gạo ngon nhất thế giới, đó là tâm huyết, sự dấn thân của kỹ sư Hồ Quang Cua- nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Sóc Trăng. 

Ông trải qua hơn 20 năm đeo đuổi từ phòng thí nghiệm, cơ sở lai tạo giống cho đến thực tế trên đồng ruộng, bắt đầu từ dòng sản phẩm gạo thơm ST 1, ST 2, ST 3,… cùng đội ngũ cộng sự mà trong đó có người gần gũi, gắn bó kề vai sát cánh nhiều năm trời như TS. Trần Tấn Phương- Giám đốc Trung tâm Giống- Cây trồng (Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Sóc Trăng).

Khi chúng tôi “bắt chuyện” về sản phẩm gạo thơm ST 24, kỹ sư Hồ Quang Cua lại nói một câu chuyện chẳng ăn nhập gì: “Tối qua, có vị lãnh đạo tỉnh gọi điện thoại mời đến dự tiệc cơm ở nhà hàng, nhưng tôi thoái thác vì bận chuyện”. 

Hóa ra, “bận chuyện” của ông là chạy xuống ruộng… nhậu rượu đế với nông dân. Có lẽ cái cá tính đó làm một số người thấy ông khó gần. Nhưng, nông dân thì khoái ông hết cỡ, bởi hồi thời là một “quan chức nông nghiệp” suốt ngày cứ xăn quần lội ruộng thăm đồng, bởi ông mê hột lúa bằng tình yêu mãnh liệt. 

Không ít người còn biết có một ông phó giám đốc sở mà móng chân đóng phèn vàng khè. Với cái máu đam mê dành cho ruộng lúa và trải nghiệm hơn 20 năm cùng cây lúa hữu cơ, kỹ sư Hồ Quang Cua quá thông thuộc “luồng lạch” của những giấy chứng nhận này nọ, ông còn biết có cả những giấy chứng nhận của tổ chức nước ngoài cũng có thể… mua được. 

Ông ghét sự giả dối trong làm ăn, không thích “múa may ngôn từ” làm khó nông dân, bởi ông tôn trọng khoa học và thực tiễn, do đó đội ngũ cộng sự bên cạnh ông cũng toàn những con người có tài và có tâm.

Câu chuyện kỹ sư Hồ Quang Cua tình cờ phát hiện trong đám ruộng VĐ20 có cây lúa lạ bị đột biến gốc màu tím mang những hạt thon dài hồi năm 1996, đã bắt đầu cho công trình lai tạo ra bộ gien gạo thơm ST sau này. 

Người ta đều biết đó không hoàn toàn là sự ngẫu nhiên, mà đó là cơ duyên của một con người đã dành trọn tâm huyết, tình yêu cho cây lúa, cộng với sự nhạy cảm của nhà khoa học gắn bó máu thịt với thực tiễn, với đời sống nông dân.

Cũng từ đó, ông đúc kết nhiều kinh nghiệm quý báu, trong đó, ông tâm đắc nhất là việc cần phải chọn được cây giống phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, cụ thể là dòng lúa thơm ST có thể “cắm rễ” và phát triển tốt trên vùng đất phèn, nhiễm mặn của Sóc Trăng. Đồng thời, phải xây dựng được quy trình canh tác phù hợp với trình độ của nông dân.

Theo TS. Trần Tấn Phương, việc sản xuất theo hướng hữu cơ đối với ta là không khó. Bằng chứng là hàng ngàn hecta lúa ST hữu cơ đã được bà con nông dân Sóc Trăng canh tác đạt năng suất cao. 

Tuy nhiên, hiện nay đã thay đổi về mặt môi trường do thay đổi tập quán canh tác và tác động của biến đổi khí hậu, vì vậy cần phải có một hệ thống nghiên cứu lại cả vùng đồng bằng và một báo cáo tổng quan về môi trường, các hệ sinh thái còn tồn tại, để xác định bản đồ các loại, giống cây trồng thích hợp cho từng vùng.

Câu chuyện lại chuyển sang những bất hợp lý trong quản lý ngành nông nghiệp hiện nay, những bộ tiêu chí mà theo kỹ sư Hồ Quang Cua là “làm ra để ai tin?” và ông gọi những bộ tiêu chí rối rắm (đến ông còn sợ nói chi nông dân), là những “vị cố vấn ngôn từ”, trong khi chuyên gia nước ngoài họ nói về hữu cơ thật đơn giản, dễ hiểu lắm.

Rồi con đường nào cho nông nghiệp hữu cơ đồng bằng?… Con đường đã có những bước chân khai phá đầu tiên, nhưng vẫn còn đơn độc lắm, nhiều gian nan lắm đối với thực trạng của ĐBSCL hiện nay.

Chiều xuống, chúng tôi chạy ra khỏi TP Sóc Trăng, hướng vô Tuân Tức, băng qua Lâm Kiết vào sóc Trà Do, Thạnh Trị, có những đoạn đường băng ngang giữa những cánh đồng lúa thơm ST vàng rực bạt ngàn. 

Bầu trời chợt chuyển màu sẫm tối vần vũ, cảm nhận những cây lúa cũng đang chuyển mình theo tiết trời thay đổi, chợt thấy thương người nông dân một đời “cặm chân” với ruộng cùng với đời lúa, mà mấy khi “khấm khá với người ta”. 

Mong cho ngày càng có nhiều giống gạo Việt Nam khẳng định thương hiệu trên thị trường thế giới như hạt gạo thơm ST 24 Sóc Trăng và nhà nông được thụ hưởng cái “phần trăm” tương xứng trên hạt gạo do chính mình làm ra.

ĐBSCL đã có gạo “Một bụi đỏ Hồng Dân” (Bạc Liêu), “Nàng nhen Bảy Núi” (An Giang), “Gạo Nàng Thơm Chợ Đào” (Long An) với giá bán có loại cao hơn gấp rưỡi gạo thường, nhưng lại chưa có các thương hiệu chỉ dẫn địa lý như “Gạo Việt Nam”, “Gạo ĐBSCL”, “Gạo thơm Sóc Trăng”... để thế giới biết đến. Vì thế, các loại gạo đặc sản nêu trên thật ra “nổi tiếng” chủ yếu trong nước, do chưa có chỉ dẫn địa lý- một trong những yếu tố quan trọng của thương hiệu, để gạo Việt Nam có thể đứng vững ở thị trường nước ngoài.

Bài, ảnh: NHÓM PV/baovinhlong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập566
  • Hôm nay93,368
  • Tháng hiện tại829,478
  • Tổng lượt truy cập93,207,142
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây