Hoạt động trong lĩnh vực được cho là nhiều rủi ro, nhưng Agribank luôn nỗ lực đa dạng kênh dẫn vốn đến địa bàn "Tam nông", mang nguồn vốn tín dụng đến tận tay người dân.
Ngân hàng chủ lực trong đầu tư phát triển "Tam nông"
Được thành lập ngày 26/3/1988, Agribank có nhiệm vụ chính đó là đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng phục vụ nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đến nay, Agribank đã trở thành ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước.
Bám sát chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Agribank luôn phát huy vai trò tiên phong của ngân hàng thương mại 100% vốn Nhà nước trong việc thực thi nghiêm túc, có hiệu quả chính sách tiền tệ và các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Tính đến cuối năm 2020, Agribank đã cung ứng 1,6 triệu tỉ đồng nguồn vốn cho nền kinh tế, trong đó dành 70% dư nợ cho vay đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chiếm gần 50% tổng dư nợ của toàn ngành ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực này, đóng góp vào thành tựu chung trong thực hiện Nghị quyết.
Thực hiện chính sách của Nhà nước, mỗi năm, Agribank dành hàng ngàn tỷ đồng áp dụng lãi suất ưu đãi đối với sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, Agribank đang triển khai hiệu quả một số chương trình tín dụng chính sách và 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Agribank đã hỗ trợ giảm nghèo bền vững đối với 61 huyện nghèo với doanh số cho vay trên 13.000 tỷ đồng; cho vay theo Quyết định 63, 65, 68 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp với doanh số gần 15.000 tỷ đồng; cho vay tái canh cây cà phê với doanh số trên 1.300 tỷ đồng; cho vay chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67 với doanh số trên 6.000 tỷ đồng…
Đối với cho vay xây dựng nông thôn mới, Agribank triển khai cho vay đến 100% số xã trên toàn quốc với dư nợ đạt gần 600 ngàn tỷ đồng, trong đó trên 50% nguồn vốn cho vay xây dựng nông thôn mới để đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh các ngành nông, lâm, ngư, diêm nghiệp giúp nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực; gần 35% nguồn vốn đầu tư cho dịch vụ thương mại; trên 15% nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn…
Thông qua triển khai các chương trình tín dụng chính sách, Agribank đã và đang đóng góp rất quan trọng vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo động lực để nông nghiệp phát huy vai trò là "bệ đỡ" của nền kinh tế.
Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, chính sách tín dụng ngân hàng, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến… góp phần nâng cao dân trí của người dân, tạo niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Nguồn vốn ngân hàng tiếp cận tận tay người dân, không để tín dụng đen có "đất" sống
Trong khi các ngân hàng thương mại "bám trụ" chủ yếu ở thành phố, thì Agribank luôn nỗ lực không ngừng đa dạng hóa các kênh dẫn vốn, đưa dịch vụ ngân hàng đến địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa của đất nước.
Thực hiện chủ trương của Chính Phủ về "Nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng phù hợp với nhu cầu, có chất lượng, nhất là dân cư ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa", từ cuối năm 2017, Agribank tiên phong triển khai Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng nhằm mở rộng tín dụng và cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các hộ sản xuất, cá nhân ở khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa góp phần phát triển sản xuất hàng hóa, đẩy lùi nạn tín dụng đen, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư.
Đến nay, Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng của Agribank đã thực hiện hơn 15.000 phiên giao dịch, phục vụ hơn 1,4 triệu lượt khách hàng tại địa bàn 454 xã trên cả nước; thực hiện giải ngân 5.679 tỷ đồng, thu nợ 6.208 tỷ đồng, huy động tiết kiệm 3.416 tỷ đồng, và cung cấp các sản phẩm dịch vụ tiện ích khác.
Việc triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng đã góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu của bà con nông dân; giảm chi phí, thời gian đi lại, đảm bảo an toàn về tài sản và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng.
Nhận thức trách nhiệm của ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank xác định không đứng ngoài cuộc và nỗ lực triển khai đa dạng các giải pháp góp phần hạn chế nạn tín dụng đen đang tồn tại, gây ra các vấn đề nhức nhối trong xã hội.
Agribank tích cực phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… thông qua hình thức cho vay qua tổ nhóm để chuyển tải nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. Đến nay, Agribank triển khai trên 68.000 tổ vay vốn với gần 1,4 triệu thành viên, dư nợ cho vay đạt trên 174.000 tỷ đồng.
Bằng việc kết hợp Điểm giao dịch lưu động với cho vay qua tổ vay vốn, Agribank đã khơi thông nguồn vốn tín dụng đầu tư cho "Tam nông", cải thiện đời sống của người dân, từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, đóng góp vào việc thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, từng bước nâng cao năng suất, tăng sản phẩm hàng hóa cho xã hội, tăng thu nhập cho các hộ gia đình, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở nông thôn.
Tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho mọi người dân, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, Agribank đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, thời gian giải ngân nhanh, đáp ứng nhanh nhất nhu cầu vốn đột xuất, chính đáng của người dân tại khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu vực kinh tế khó khăn. Tính đến tháng 3/2021, doanh số cho vay chương trình đạt gần 30.000 tỷ đồng với 500.000 hộ gia đình, cá nhân được bổ sung vốn phục vụ nhu cầu hợp pháp và cấp thiết, nâng cao đời sống của người dân.
Đẩy mạnh chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn, góp phần hạn chế và đẩy lùi nạn tín dụng đen, đơn giản hóa các khoản tiêu dùng nhỏ lẻ, đồng thời gia tăng sự tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và các dịch vụ thanh toán văn minh, hiện đại, Agribank triển khai Đề án phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn. Với lợi thế về chính sách hỗ trợ ưu đãi, thủ tục đơn giản, linh hoạt, đến nay, hạn mức thấu chi đã cấp là trên 1.756 tỷ đồng với 266.853 thẻ và gần 2.530 thiết bị POS được lắp đặt mới.
Đầu tư vào lĩnh vực được cho là bấp bênh, nhiều rủi ro, song, Agribank luôn kiên trì, bền bỉ tìm ra những giải pháp mới, hướng đi riêng đưa nguồn vốn tín dụng, dịch vụ ngân hàng đến địa bàn nông thôn, góp phần thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, không để tín dụng đen có "đất" hoạt động.
Định hướng trong thời gian tới, Agribank vẫn lấy "Tam nông" làm trọng tâm, là địa bàn chiến lược trong quá trình phát triển. Agribank cam kết sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vay vốn hợp pháp của người dân để phát triển sản xuất kinh doanh, ứng dụng công nghệ hiện đại vào phát triển sản phẩm dịch vụ, quan tâm đến việc đổi mới phương thức cho vay, cải tiến quy trình, đơn giản thủ tục cho vay để đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà Đảng, Nhà nước giao phó./.
Theo Thanh Ngọc/etime.danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;