Tháng 6/2017, mô hình nuôi cá rô phi nhằm giảm nghèo cho các hộ nghèo, cận nghèo và đã thoát nghèo năm 2016 được triển khai tại địa phương. Sau 5 tháng đi vào hoạt động, mô hình đã đem lại hiệu quả đáng mừng cho người dân địa phương.
Dựa trên phiếu bình bầu của các thôn, HTX Thủy sản Hồng Tiến đã chọn ra 60 hộ gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương để thực hiện triển khai mô hình nuôi cá rô phi giúp họ thoát khỏi cuộc sống lam lũ. Với trên 7ha (60 hộ), sản lượng cá thu hoạch trên 100 tấn/vụ, doanh thu trên 350 triệu đồng. Trung bình, 1 hộ gia đình thu nhập 3 - 3,5 triệu đồng/tháng. Thu nhập từ nuôi cá của các hộ dân tăng nên đáng kể.
Theo ông Kiểm, để có được hiệu quả trên, đó là sự liên kết theo chuỗi, giữa người nuôi, HTX Thủy sản Hồng Tiến và Cty Mạnh Mai. Người dân được cung cấp con giống, vôi bột khử trùng, thuốc thú y, tham gia các lớp học tập huấn và mua cám cá được trả chậm. HTX Thủy sản Hồng Tiến sẽ “cầm tay chỉ việc”, đi tìm đầu ra cho bà con…Và, Cty Mạnh Mai sẽ là đơn vị tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
Hàng tháng, trong quá trình chăn nuôi, sẽ có bộ phận kỹ thuật xuống từng hộ hướng dẫn bà con cách phòng chống bệnh tật, cách cho cá ăn và kiểm tra tốc độ sinh trưởng ở cá rô phi. Khi kết thúc vụ thu hoạch, cán bộ sẽ hướng dẫn bà con cách khử trùng và cải tạo lại ao nuôi cho phù hợp.
Ông Kiểm khẳng định: “Mô hình nuôi cá rô phi đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, giúp các hộ gia đình cải thiện cuộc sống. Hơn nữa, đây là loại cá rất dễ nuôi, ít bệnh tật, không tiêu tốn thức ăn, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, hộ nào có ao đều có thể nuôi được. So với trồng lúa, nuôi cá rô phi lợi nhuận gấp 3 - 4 lần. Việc liên kết giữa 3 nhà đã giúp bà con thoát nghèo, đời sống của 60 hộ tham gia mô hình ổn định hơn, dần được nâng cao”.
Vị Chủ nhiệm cho biết thêm, sau khi kết thúc vụ thu hoạch vừa qua, lãnh đạo tỉnh Thái Bình, huyện Kiến Xương và Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN- PTNT) đánh giá cao về mô hình nuôi cá rô phi tại địa phương.
Nhờ cá SX có nguồn gốc rõ ràng được Cty Mạnh Mai thu mua giá cao hơn bên ngoài. Trung bình, mỗi ngày Cty Mạnh Mai thu mua 4 - 5 tấn cá, có thời điểm lên tới 8 tấn cá/ngày. Chỉ một thời gian ngắn, Cty Mạnh Mai đã bán hết “sạch sẽ” cho các nhà hàng, quán ăn trong và ngoài tỉnh.
Sang năm 2018, HTX Thủy sản Hồng Tiến sẽ nhân rộng mô hình, mở rộng diện tích nuôi cá rô phi. Đẩy mạnh phong trào nuôi trồng thủy sản hướng tới XK loại cá này giúp người dân có cuộc sống khấm khá hơn. Ngoài ra, liên kết thêm với một số công ty các tỉnh lân cận để bao tiêu cá cho bà con.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Quang Hiệu, Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến cho biết, năm 2004, xã quyết định cho người dân chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Và, xác định đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản thành mũi nhọn kinh tế của xã.
“Địa phương đã thực hiện đúng kỹ thuật nuôi cá rô phi. Thức ăn và con giống được kiểm định. Do có sự liên kết chặt chẽ giữa công ty và HTX Thủy sản Hồng Tiến nên chất lượng cá rô phi đảm bảo. Phía công ty cam kết sẽ tiêu thụ cá cho bà con nông dân với giá bán cao nhất. Hàng tháng, chúng tôi phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh Thái Bình xuống kiểm tra nguồn nước, thức ăn…”, ông Phạm Văn Mạnh, Chủ đại lý thức ăn con giống và thuốc thú y thủy sản (gọi tắt là Cty Mạnh Mai, huyện Thái Thụy) chia sẻ. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã