Từ mục đích thương mại...
Tiếp chúng tôi tại văn phòng cơ sở Sản xuất khổ qua rừng Thuận Lộc, anh Thuận chia sẻ: “Ban đầu mục đích trồng khổ qua rừng của tôi là để kiếm tiền. Khổ qua rừng là loại cây mọc tự nhiên, được bà con mang về trồng làm rau ăn hàng ngày, có vị đắng và có nhiều dược tính. Nó có nhiều công dụng như vậy nên tôi muốn mang sản phẩm này vào trồng đại trà để có sản phẩm cung cấp cho nhu cầu của dân thành phố”.
Ngoài khổ qua tươi, hiện cơ sở Thuận Lộc còn cung cấp các sản phẩm hạt giống khổ qua rừng, trà khổ qua rừng cắt lát, trà dây, trà túi lọc, phân trùn quế và nhận thi công hệ thống tưới nhỏ giọt
Anh Thuận tốt nghiệp Kỹ sư Công nghệ thông tin năm 2001, sống và làm việc tại TP.HCM. Đến cuối năm 2012, anh lập gia đình rồi nghỉ việc tại công ty và bắt tay vào trồng rau mầm được 6 tháng phải tạm dừng lại do thất bại.
“Từ đầu năm 2014 đến đầu năm 2015, tôi đi làm cho một công ty giáo dục. Nhưng lúc đó, tôi suy nghĩ tại sao mình phải đi làm công cho người khác mãi mà không tự tạo ra công việc cho mình, thỏa sức sáng tạo của mình, thế là từ tháng 4.2015, tôi quyết định nghỉ việc để bắt tay vào triển khai dự án trồng khổ qua rừng cho đến nay” - anh Thuận kể.
Nói về cơ duyên đưa anh đến với khổ qua rừng, anh Thuận cho hay: “Tính ra tôi đã biết đến khổ qua rừng từ năm 2011, khi được một người bạn cho hạt giống để trồng chơi. Đến khoảng năm 2014 tôi đã trồng khoảng 100 dây, lúc này phát triển rất tốt. Đến đầu năm 2015 tôi có chuyến đi khảo sát thực tế đến trang trại trồng khổ qua rừng tại huyện Long Thành (Đồng Nai) và học được nhiều điều”.
... đến sản phẩm an toàn
Cũng theo anh Thuận, thời gian đi tham quan học hỏi, anh nhận thấy bà con trồng khổ qua rừng thường theo truyền thống, trồng ngoài trời, sử dụng phân bón hóa học và phun thuốc bảo vệ thực vật. Trong những lần trồng thử nghiệm đầu tiên anh cũng sử dụng phân hóa học, nhưng được một thời gian anh nhận thấy đây không phải là hướng đi lâu dài.
Tại TP.Cần Thơ, trung bình mỗi ngày cơ sở của anh Thuận cung cấp khoảng 35-50kg trái khổ qua tươi
“Cuối năm 2015, đợt khổ qua rừng phục vụ Tết bị sâu bệnh chết hoàn toàn, tôi tự hứa sẽ không bao giờ sử dụng phân, thuốc hóa học nữa. Từ đó tôi chuyển hẳn sang hướng làm sản phẩm sạch, trồng khổ qua rừng hoàn toàn sử dụng sản phẩm hữu cơ. Muốn làm được điều đó tôi phải tìm tòi và làm thêm phân trùn quế để vừa phục vụ cho vườn của mình vừa kinh doanh, kiếm thêm tiền “nuôi” vườn khổ qua rừng” – anh Thuận bộc bạch.
Dần dần quả khổ qua rừng có được đầu ra. Mỗi ngày anh bán được từ 30 – 50 kg khổ qua với giá từ 30.000 – 50.000 đồng/kg.
Có được thị trường ổn định như hôm nay, anh Thuận đã phải trải qua nhiều lần thất bại. Anh chia sẻ: Vì mình là “tay ngang” nên khi chuyển sang làm nông sẽ có nhiều bỡ ngỡ do hoàn toàn không có kinh nghiệm, tuy nhiên vốn là con nông dân nên tôi có máu làm nông trong người. Thời gian đầu, tôi đã trồng toàn bộ diện tích, những đợt trái đầu tiên không biết tiêu thụ ở đâu cho hết khi người ta chưa biết đến nhiều. Sau đó tôi rút kinh nghiệm chia diện tích ra làm 3 phần và trồng kiểu cuốn chiếu theo từng đợt.
Anh Thuận giới thiệu sản phẩm từ khổ qua rừng
Không dừng lại ở việc tiêu thụ trái tươi, ngay từ đầu kế hoạch của anh Thuận là phát triển nhiều loại sản phẩm từ khổ qua rừng. Hiện, cơ sở sản xuất trà khổ qua rừng Thuận Lộc chuyên cung cấp các loại sản phẩm: trái khổ qua tươi, trà khổ qua rừng cắt lát, trà dây và trà túi lọc.
Trà khổ qua rừng Thuận Lộc đã được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.Cần Thơ cấp giấy chứng nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Trung bình mỗi tháng, khổ qua rừng đã mang về cho anh Thuận nguồn thu nhập hơn 30 triệu đồng, sau khi trừ đi chi phí còn lãi hơn 10 triệu đồng.
Anh Trương Hữu Thuận – Chủ cơ sở Sản xuất khổ qua rừng Thuận Lộc tâm sự: "Những ngày đó, tìm đầu ra cho quả khổ qua rừng cực khổ trăm bề, cứ 4 -5 giờ sáng là mình thức dậy đi gửi hàng cho các chợ, có lần gặp đợt bão cả vườn bị sập hết mình phải trồng lại từ đầu. Trong những gian khó đó từ từ mình rút kinh nghiệm và rồi “yêu” luôn cái nghề làm khổ qua rừng theo hướng hữu cơ này lúc nào không hay..." |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã