Khi thấy tại địa phương có nhiều nguồn phấn hoa cây bạc hà, sau khi được tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi và phòng trừ dịch bệnh cho đàn ong do Trạm Khuyến nông của huyện Quản Bạ triển khai năm 2008, anh Lý Sáng Rèn đã mạnh dạn vay tiền từ nguồn vốn hỗ trợ người nghèo của huyện Quản Bạ 45 triệu đồng để nuôi 40 đàn ong.
Sau khi triển khai nuôi ong được khoảng 5 tháng, do chưa có kinh nghiệm nên một số đàn ong của anh Rèn bị bốc bay gây thiệt hại về kinh tế cho gia đình. Không quản thất bại, anh Rèn lại tiếp tục đến Phòng Nông nghiệp và Trạm Khuyến nông của huyện học hỏi thêm về kỹ thuật. Bên cạnh đó, anh Rèn đến tận các mô hình nuôi ong thành công của những hộ gia đình tại huyện Đồng Văn và Mèo Vạc để tìm hiểu và học hỏi từ thực tế. Đến năm 2009, anh Rèn mạnh dạn vay thêm tiền để tiếp tục phát triển thêm một số đàn ong và đến cuối năm 2009, tổng số đàn ong của gia đình anh Rèn đã đạt 90 đàn, cho thu hoạch lượng mật khoảng 160 lít. Với giá bán bình quân 300 nghìn đồng/1 lít mật, anh Rèn đã có nguồn thu khoảng 48 triệu đồng.
Số tiền thu được từ thành công ban đầu, anh Rèn dành một phần để trả nợ vốn vay đầu tư, số tiền còn lại anh tiếp tục đầu tư để mở rộng đàn. Cứ như vậy, đến cuối năm 2012, tổng số đàn ong của gia đình anh Rèn đã lên tới 200 đàn. Cũng từ năm 2012, từ nguồn thu nhập do ong mang lại, anh Rèn đã trả hết nợ số tiền vay đầu tư và bắt đầu có nguồn tích lũy để tiếp tục mở rộng qui mô đàn ong.
Anh Rèn tâm sự: “Đến cuối năm 2013, gia đình tôi đã có khoảng 300 đàn ong và tới thời điểm hiện nay thì có gần 400 đàn. Từ năm 2013 đến nay, tổng thu nhập bình quân từ nuôi ong khoảng trên 500 triệu đồng mỗi năm, sau khi trừ các khoản chi phí (tiền đóng thùng ong, công chăm sóc và thu mật, tiền thuốc phun phòng và tiêu độc khử trùng….) còn khoảng 300 triệu đồng mỗi năm”.
Khi được hỏi về bí quyết trong nuôi ong, anh Rèn cho biết: Để phát triển đàn ong thành công, người nuôi ong phải biết tự rút ra kinh nghiệm từ những lần thất bại và không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ sách báo và nhất là kinh nghiệm của những người nuôi ong thành công lâu năm trong vùng. Bên cạnh đó, phải biết quyết tâm và không được nản chí. Ngoài ra, cũng phải biết liên kết để trao đổi và tìm hiểu, nắm bắt thị trường tiêu thụ, không được để tư thương ép giá và nhất là phải đảm bảo uy tín, chất lượng mật ong của gia đình mình đối với người tiêu dùng trong và ngoài địa bàn của huyện.
Ông Hạng Dương Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ cho biết: Gia đình anh Lý Sáng Rèn là một gia đình tiêu biểu trong quá trình vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu từ nuôi ong lấy mật bạc hà của huyện Quản Ba. Mô hình nuôi ong khai thác mật bạc hà của gia đình anh Rèn đã được các đoàn trong và ngoài tỉnh Hà Giang tham quan và học hỏi kinh nghiệm. Ngoài phát triển nuôi ong giỏi, anh Rèn còn là một cộng tác viên tuyên truyền về nuôi ong mật bạc hà của xã Thanh Vân và huyện Quản Bạ. Đồng thời anh Rèn cũng được huyện Quản Bạ mời tham gia là giảng viên nông dân khi huyện tổ chức các lớp tập huấn về nuôi ong cho bà con nông dân trên địa bàn của huyện.
Từ những thành tích đạt được, anh Lý Sáng Rèn đã được Hội Nông dân, UBND huyện Quản Bạ khen thưởng và tặng nhiều giấy khen từ năm 2013 cho đến nay.
Phạm Văn Phú
Nguồn: khuyennong.gov
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã