Theo học chuyên ngành Công nghệ sinh học - Đại học Quốc Tế - Đại học Quốc Gia TP.HCM, anh Cao Minh Long đặc biệt say mê sản xuất thực phẩm. Từ khi còn là sinh viên, anh vừa học vừa làm thêm tại một cơ sở chuyên sản xuất nấm. Nhờ đó, anh có được những kinh nghiệm thực tiễn quý giá, quy trình làm ra các loại nấm sạch, chất lượng đảm bảo; đồng thời có được các mối quan hệ kinh doanh; tạo tiền đề để khởi nghiệp.
Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Long quyết định về quê lập nghiệp với mô hình sản xuất nấm giống. Theo anh, ở Diễn Châu quê anh, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình như: diện tích đất vườn rộng để xây dựng kho, nguyên liệu trồng nấm có thể tận dụng, hoặc mua với chi phí rẻ, chi phí thuê nhân công không cao như ở thành phố, thị trường tiêu thụ lớn...
Bởi vậy, anh Long đã mạnh dạn vay vốn gần 1 tỷ đồng, đầu tư dây chuyền sản xuất nấm giống như máy trộn mùn cưa, lò hấp, bao bì, các loại nguyên liệu… Ngoài ra còn có hệ thống phun sương làm mát cho nấm vào mùa hè.
Những bịch phôi nấm giống bao gồm các nguyên liệu: mùn cưa, cám, phân NPK… |
Hiện nay, anh Long sản xuất 3 loại nấm giống chính đó là nấm bào ngư, nấm linh chi đỏ và nấm mèo đen và đông trùng hạ thảo. Quá trình sản xuất ra bịch giống bào ngư và mèo đen khoảng 1 tháng, riêng với nấm cao cấp linh chi đỏ kéo dài từ 4 - 6 tháng.
Sản xuất nấm giống (bào ngư, linh chi đỏ và nấm mèo đen) trải qua nhiều công đoạn: chọn mùn cưa (chủ yếu lấy từ cây cao su và cây keo), ủ mùn cưa từ 1 – 2 tháng, sau đó, sàng lọc kỹ và cho vào máy trộn. Sau khi trộn xong, mùn cưa sẽ được đưa vào máy đóng bịch và bỏ vào lò hấp hơn 110 độ trong vòng 10 – 12 tiếng. Hoàn thành công việc hấp, bịch phôi nấm sẽ đưa ra ngoài cho nguội và bắt đầu cấy giống.
Từ kiến thức tích lũy được trong quá trình học tập ở trường đại học, anh Long tự nghiên cứu, sản xuất các loại giống nấm. |
Các giống nấm được anh Long tự nghiên cứu và sản xuất từ kiến thức tích lũy được. Anh cho biết: Quy trình sản xuất nấm giống ban đầu từ các nguyên liệu gồm: xương hầm, khoai tây, nước giá luộc, cám, đường trong môi trường sạch. Sau khi hoàn thành, nấm giống sẽ được gieo cấy vào từng phôi nấm. Mỗi bịch giống sẽ cấy được 40 - 50 bịch phôi.
Nấm giống đã được cấy vào các phôi nấm. Mỗi bịch nấm thế này có khối lượng 1,3kg có giá 4.000 – 5.000 đồng/bịch. |
Riêng với loại nấm đông trùng hạ thảo, anh Long nuôi trong phòng có diện tích 35 mét vuông, nhiệt độ từ 18 - 22 độ, độ ẩm 80%. Nguyên liệu làm ra đông trùng hạ thảo bao gồm nhộng tằm và gạo, sản xuất trong môi trường vô trùng. Để cho ra 1 bình đông trùng hạ thảo mất khoảng từ 4 - 5 tháng, giá bán ra 800.000/ bình. Anh Long cho biết sắp tới sẽ sản xuất ra 10.000 bình/ tháng. Tuy nhiên, mặt hàng này tiêu thụ chậm hơn do giá thành đắt hơn.
Tuy nhiên, khó khăn của nghề trồng nấm giống là tỉ lệ giống thành công chỉ đạt khoảng trên 70%. Lần đầu tiên triển khai mô hình này nên thời gian đầu anh bị thiệt hại vì nấm giống không phát triển chậm, phải hủy giống. Thế nhưng, anh vừa làm vừa tự tìm tòi kỹ thuật chăm sóc, học hỏi thêm từ bạn bè, người quen đã có kinh nghiệm trồng nấm để áp dụng cho mô hình của gia đình mình. Nhờ đó, anh dần có thêm kỹ thuật chăm sóc nấm giống đạt hiệu quả.
Kho chứa nấm giống của gia đình anh Long được che kín lại tránh ánh nắng trức tiếp làm ảnh hưởng đến sự phát triển của nấm giống. Mỗi tháng, gia đình anh Long sản xuất khoảng 20.000 bịch nấm giống. |
Tuy mới sản xuất được hơn nửa năm nhưng sản phẩm nấm giống của cơ sở anh Long được thị trường Vinh và Hà Nội ưa chuộng. Mỗi tháng cơ sở của anh Long xuất ra từ 20.000 – 25.000 bịch nấm giống, giá bán hiện nay 4.000 đồng/bịch. Sau khi trừ các khoản chi phí sản xuất gia đình anh thu lãi gần 40 triệu đồng/tháng.
Từ phát triển sản xuất, kinh doanh nấm, anh Long đã tạo việc làm cho 6 nhân công, chủ yếu là bà con trong vùng, với mức thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng. Anh dự định sẽ tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất nấm giống trong thời gian tới.
Trao đổi về mô hình trồng nấm của chàng kỹ sư trẻ Cao Minh Long, ông Nguyễn Duy Thành – Chủ tịch Hội nông dân xã Diễn Lộc cho biết : “Đây là mô hình làm nấm giống đầu tiên tại địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao; mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân. Thời gian tới, Hội Nông dân sẽ phối hợp với anh Long, mở lớp tập huấn cho bà con phương pháp sản xuất được mặt hàng có giá trị kinh tế cao này. Đồng thời, khuyến khích bà con nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả này”
Quang An
Nguồn: baonghean
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã