Gia đình chị Nguyễn Thị Lai ở xóm 10, xã Nghi Trường (Nghi Lộc) trồng 1 sào cây trầu không. Ngày rằm tháng 11 ÂL, chị hái 250 liền trầu (mỗi liền 20 lá), thu về khoảng 2,5 triệu đồng; ngày thường thì ít hơn, được khoảng một phần tư số đó.
“Cây trầu đòi hỏi người trồng phải có nghề, bởi nó là loại cây "khó tính". Vùng này nhiều nhà cũng trồng nhưng không thành công” - chị Lai cho hay.
Cây trầu được trồng nhiều ở xã Nghi Trường (Nghi Lộc) và Nghi Ân (TP Vinh). Theo chia sẻ người dân, để bán được giá lá trầu phải có màu tươi sáng, không bị rách hoặc sém mép. Ảnh: Nhật Tuấn |
Theo chị Lai, sự “khó tính” của cây này ở chỗ nó không chịu được hạn hán cũng như ngập úng, đặc biệt là sương muối giá rét. Cùng với sự cần cù chịu khó, người trồng phải có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc cây trồng này.
Cây trầu cần phải trồng trong nhà giàn để ứng phó với thời tiết, có vây lưới bao quanh bảo vệ, ngăn ngừa các loại động vật vào đào phá làm hỏng gốc rễ và truyền bệnh cho trầu. Phân bón phải là phân chuồng hoai mục, hạn chế hoặc không dùng phân bón vô cơ. Về mùa hè nắng hạn phải dùng lá cây tủ gốc, thường xuyên tưới tạo độ ẩm cho đất, dùng lưới hay lá cây che phủ trên giàn cho trầu. Mùa mưa lụt phải tìm cách thoát nước.
Khi tiết trời lạnh, có độ ẩm cao, việc hái trầu phải nhằm vào buổi chiều để có lá trầu đẹp. Ảnh: Nhật Tuấn |
Đặc biệt, về mùa đông giá rét thì việc chăm sóc cho trầu phải kỹ càng hơn. Mỗi sáng sớm, bà con phải dùng dàn tưới béc phun mưa rửa sạch sương muối trên ngọn, lá trầu. Nếu đêm rét có sương muối đậm thì phải dùng đến bạt phủ che.
Nhờ có kỹ thuật nên các hộ trồng trầu đã làm chủ với mọi thời tiết. Như sau mùa mưa lụt vừa qua, tiếp đến là mùa đông sương muối nhiều, cây trầu của nhiều nơi bị thối, cháy lá nhưng trầu của các hộ dân xã Nghi Trường (Nghi Lộc), Nghi Ân (thành phố Vinh) vẫn tốt tươi, cho thu nhập khá.
Chị Nguyễn Thị Hoa ở xóm 5, xã Nghi Ân trồng tới 3 sào cây trầu không, tất cả đều đã cho thu hoạch. Chị Hoa cho biết, mỗi ngày chị hái bán khoảng 100 - 150 liền trầu, với giá nhập 10.000 - 12.000 đồng/liễn. Riêng ngày tuần, dịp cưới hỏi thì lượng trầu thu hái tăng lên và giá cả cũng cao hơn nhiều.
"Dịp này, khi lượng trầu không ở các huyện miền Tây Nghệ An sụt giảm do sương muối, vào các ngày 30, mồng 1, 14 và 15 hàng tháng âm lịch, tôi thu về 5 - 7 triệu đồng bán trầu/ngày. Tính ra, mỗi năm gia đình thu nhập 400- 500 triệu đồng từ bán trầu không của vườn nhà” - chị Hoa cho biết.
Hiện giá nhập trầu không là 10.000 - 12.000 đồng/liễn; riêng ngày tuần, dịp cưới hỏi thì giá bán cao hơn nhiều. Ảnh: Nhật Tuấn |
Cây trầu không được trồng lâu năm và tập trung nhiều nhất là xã Nghi Ân (thành phố Vinh). Hàng ngày, người dân đem lá trầu đến các điểm hẹn trong xã để nhập sỷ cho thương lái. Từ đây, trầu không được tỏa đi khắp các chợ thành thị, chợ quê trong tỉnh. Họ còn gửi xe đưa trầu cho khách ở các thành phố, thị xã trong Hà Tĩnh.
Năm nay, lá trầu tạm thời ngừng xuất khẩu sang Đài Loan. Nhưng điều đó không ảnh hưởng đến sức tiêu thụ và giá trầu trên thị trường. Người tiêu dùng sử dụng trầu không vào việc tâm linh, cưới hỏi, ăn trầu hàng ngày và sử dụng làm thuốc dân gian chữa một số bệnh thông thường... Người trồng trầu sau khi thu hoạch sẽ phân loại lá trầu theo loại to, nhỏ, đẹp, xấu khác nhau, tùy theo mục đích sử dụng của khách.
Người dân trồng trầu đã đầu tư nhà giàn có lưới che, hệ thống tưới tiêu đảm bảo để cây cho thu hoạch quanh năm. Ảnh: Nhật Tuấn |
Nhờ trồng trầu không, người dân đã có nguồn thu nhập ổn định, trang trải chi tiêu sinh hoạt hàng ngày và có phần tích lũy.
Gia đình anh Uông Sỹ Hòa ở xóm 10, xã Nghi Trường (Nghi Lộc) nhờ thu nhập từ cây trầu không đã có tiền nuôi 3 con học đến đại học. Còn anh Nguyễn Hồng Thái ở xóm 5, xã Nghi Ân (TP Vinh) được mệnh danh là “vua trầu” cũng nuôi 2 con học đại học, có công ăn việc làm ổn định. Hiện gia đình anh đang hoàn thiện căn nhà hai tầng bề thế, trị giá ước trên 1,6 tỷ đồng.
Hiện toàn xã Nghi Ân có khoảng 100 hộ dân trồng cây trầu hàng hóa, tập trung nhất ở các xóm 5, 7, 8. Nhà trồng nhiều 3 sào, ít cũng khoảng vài ba thước đất. Tổng diện tích cây trồng này toàn xã xấp xỉ 2 ha. Mỗi năm, người dân trồng trầu ở đây thu về hàng tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đình Trúc - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Ân cho biết: “Trầu không là một trong những cây trồng truyền thống ở xã cho thu nhập khá. Tuy nhiên, do thị trường tiêu thụ còn hạn chế nên địa phương chưa có chủ trương nhân rộng ra quy mô lớn, chỉ vận động bà con sản xuất thâm canh cây trồng này trên diện tích đã có. Trong đó, người trồng trầu cần đầu tư nhà giàn, có lưới che, hệ thống tưới tiêu đảm bảo để cây trầu cho thu hoạch quanh năm, nhất là mùa đông khắc nghiệt này”.
Nhật Tuấn/baonghean.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;