Trong 11 cá nhân đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2018 do UBND TP phối hợp cùng LĐLĐ TP và Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức, chị Hà Thị Loan, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP, là gương mặt nữ duy nhất. Không chỉ tham gia nghiên cứu khoa học, chị Loan còn thực hiện công tác quản lý, giảng dạy và hỗ trợ sinh viên các trường đại học.
Khó khăn không nản lòng
Sinh ra ở Bình Định, chứng kiến cảnh bà con nông dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng cuộc sống vẫn khổ sở nên chị quyết định không theo nghề nông. Tốt nghiệp THPT, chị thi đổ vào ngành thú y Trường ĐH Nông Lâm TP HCM. "Những buổi thực hành giết mổ trên động vật khiến tôi sợ hãi, bỏ luôn cả cơm. Thấy vậy, người thân, bạn bè khuyên tôi qua học nông học cho nhẹ nhàng hơn và từ đó, cây, hoa, quả đã gắn bó với cuộc đời tôi" - chị Loan kể. Thế nhưng, mọi thứ không hề nhẹ nhàng khi chị phải xắn quần, ra nhà kính tự tay làm đất, ươm cây, tưới nước, bưng bê…
Chị Hà Thị Loan bên vườn lan do chính chị chọn giống, lai tạo
Năm 1999, chị tốt nghiệp đại học và đi làm tại một doanh nghiệp. Năm 2003, chị về Trung tâm Công nghệ sinh học TP làm việc với trị trí là nhân viên phòng thực nghiệm vi sinh vật, cây trồng. Đây cũng là nơi chị ươm mầm và cho ra đời hàng loạt công trình ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp. Trong 15 công trình nghiên cứu, đề tài được chị Loan tâm đắc và đầu tư nhiều nhất là "Nghiên cứu nhân nhanh sinh khối rễ tóc sâm Ngọc Linh" đã nghiệm thu và đưa vào sản xuất. Chị kể sâm Ngọc Linh là sản phẩm rất tốt cho sức khỏe, được trồng trên núi Ngọc Linh, một vùng đất giữa Quảng Nam và Kon Tum. Thế nhưng, loại sâm này lại ít được bán trên thị trường vì quá khan hiếm, giá thành lại cao. Người mua cũng ngán ngại vì sợ mua nhầm hàng giả. Trăn trở trước vấn đề này, chị đã chọn sâm Ngọc Linh làm đề tài luận án tiến sĩ tại Trường ĐH Picardie Jules Verne (Pháp). Dù có thừa quyết tâm nhưng khi bắt tay vào thực hiện, chị đã gặp không ít trở ngại. Sáu tháng từ khi được đưa từ Việt Nam sang, chị không thấy rễ sâm nào phát triển. Không nản chí, chị bắt đầu lại từ đầu, xem các thành phần, chất dinh dưỡng, ánh sáng, nhiệt độ… đã hợp lý chưa. Sự kiên nhẫn ấy của chị cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng khi chỉ vài tháng sau, rễ sâm ra nhiều, lớn nhanh. Hiện chị đang có dự án phát triển sâm Ngọc Linh ngay tại trung tâm với vốn đầu tư ban đầu 20 tỉ đồng. "Sâm Ngọc Linh trồng thành công sẽ đưa vào sản xuất nước uống, thực phẩm chức năng, thuốc… rất tốt cho sức khỏe và giá thành sẽ không còn cao như hiện nay" - chị khoe.
Đem công nghệ vào nông nghiệp
Với nhiều cán bộ, nhân viên ở trung tâm, chị Loan là hình mẫu của tinh thần dấn thân, hết lòng với nghề. Còn với chị Loan, sáng tạo không chỉ là đam mê mà còn là lẽ sống. Chính vì vậy, mỗi một công trình do chị thực hiện đều là thành quả của sự sáng tạo.
Thật vậy, các công trình, đề tài do chị nghiên cứu, thực hiện như: nghiên cứu tạo giống cà chua bi thích hợp với điều kiện trồng trong nhà màng tại TP; nghiên cứu tạo thuần giống dưa leo đơn tính cái phục vụ sản xuất giống; kỹ thuật sản xuất hoa chuông, kỹ thuật lai tạo lan… đều thể hiện dấu ấn sáng tạo rõ nét, thuyết phục giới chuyên môn trong nghề. Không chỉ tăng doanh thu, các công trình, đề tài của chị còn tiết kiệm tiền tỉ cho trung tâm. Chị cũng không ngần ngại chia sẻ vốn kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được với bà con nông dân các địa phương. Mới đây, chị đã hợp tác cùng Sở Khoa học và Công nghệ An Giang thực hiện đề tài "Nghiên cứu sưu tập bảo tồn và phát triển một số cây trồng có giá trị hướng tới phục vụ du lịch tại xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang". Ý nghĩa đặc biệt mà đề tài này hướng đến là xây dựng mô hình trồng hoa kiểng tại Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. "Nếu thực hiện thành công, đề tài không chỉ làm đẹp cho khu tưởng niệm bác Tôn mà còn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch cho An Giang và các tỉnh miền Tây" - chị Loan cho biết.
Không chỉ giỏi chuyên môn, điều đáng quý hơn cả là chị luôn dành nhiều tâm huyết với công tác đào tạo, hướng dẫn nhân viên trẻ. Đã có hàng chục nhân viên dưới sự hướng dẫn, kềm cặp của chị có sự trưởng thành, khẳng định được chỗ đứng tại đơn vị. Trong đó có 5 người tốt nghiệp thạc sĩ. Chưa dừng lại đó, chị còn tham gia chuyển giao công nghệ, hướng dẫn cho các học viên cao học và sinh viên đại học ở các trường như Trường ĐH Nông Lâm, Kỹ thuật Công nghệ, Tôn Đức Thắng, Khoa học Tự nhiên... "Sống giản dị, gần gũi, đặc biệt là luôn hết lòng với đàn em nên chị luôn được tập thể cán bộ, nhân viên trung tâm nể trọng. Chị là hình mẫu để chúng tôi noi gương, phấn đấu" - chị Huỳnh Thị Bích Lan, cán bộ kỹ thuật trung tâm, nhận xét.
Nữ làm khoa học rất hiếm nhưng làm khoa học giỏi như chị Loan càng hiếm. Các công trình nghiên cứu của chị Loan hiện nay không chỉ được áp dụng tại TP HCM mà còn được các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư. Chị Loan còn là một quản lý xuất sắc, một nhà giáo tận tụy" - ông Lương Tuấn Anh, Chủ tịch Công đoàn Viên chức TP HCM, nhận xét
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;