Học tập đạo đức HCM

Anh nông dân Hải Dương được tiền tỷ nhờ xem... chim công múa

Thứ hai - 22/09/2014 11:40
Tổng số công trong trại gồm 30 con bố mẹ, 40 con non, tính sơ sơ đã trị giá bạc tỷ. Đàn công đem lại cho Quỳnh mỗi năm khoảng 300-400 triệu lãi và không bao giờ đủ hàng để bán.
Vũ điệu mê hoặc
Mắt ngắm màn trình diễn tuyệt vời của gần một trăm con công trong trại, tai tôi nghe Nguyễn Đình Quỳnh (Long Xuyên, Kinh Môn, Hải Dương) rủ rỉ kể chuyện nghề. Chàng trai này mới ba mươi tuổi nhưng rất máu mê những vật nuôi dị thường như nhím, trĩ, ngỗng trời. Lãi có mà lỗ cũng không ít để đến khi bén duyên với công trong một sự tình cờ.

 

Số là, một lần cùng bạn đến Vườn thú Hà Nội, mắt Quỳnh như bị thôi miên bởi điệu vũ của loài công. Con công đực dài đến hơn 2 m trong đó riêng bộ lông đuôi đã chiếm cỡ 1,5 m, xòe ra cụp vào, lượn lên, lượn xuống lúc khoan, lúc nhặt. Thời gian như lắng đọng. Không gian như bị vô viên.

 

Quỳnh và một chú công đực.

 

Mê quá, Quỳnh nằng nặc gặp bảo vệ hỏi mua công. Người ta mách anh lên Phòng kế hoạch. Trưởng phòng này lại mách lên gặp Phó giám đốc Vườn. Kết cục của sự nhiệt tình đó buồn thay chỉ là một cái lắc đầu dứt khoát.

 

Nhưng thấy Quỳnh năn nỉ mãi cuối cùng anh này thương tình mách đến Vườn quốc gia Cúc Phương mua, vì ở đó có bán giống công Ấn Độ. Công Ấn Độ khác với công Việt Nam ở hình dáng, trọng lượng và cả tính tình. Công nội có vành vàng ở mí mắt, nặng đến 12 kg và rất hung dữ, còn công ngoại mắt không có vành, trọng lượng tối đa chỉ 7 kg, bản tính nhu mì, yểu điệu.

 

Được lời như cởi tấm lòng, gom hết những món đồ cổ đang có trong nhà anh đem bán rồi lận tiền phóng xe máy xuống Ninh Bình mua 4 cặp công với giá mỗi cặp 15 triệu đồng. Càng nuôi thì sự say mê loài chim này càng dâng lên mãnh liệt.

Lần nghe ở trên Thái Nguyên có người nuôi công, đúng vào dịp trại nhà đang cần đổi đực để thay máu, vậy là anh lại xách xe máy đi từ nửa đêm, vượt gần hai trăm cây số để tờ mờ sáng là vừa đến nơi. Mừng hú sau khi mua được một con công đực, anh quay xe trở về.

Gió mùa đông bắc buốt như gai châm lại thêm mưa xuống càng lạnh, người Quỳnh run lên như sốt. Dù không biết hút thuốc nhưng anh vẫn tấp đại vào một quán nước ven đường rít lấy rít để vài hơi cho hàm răng khỏi lập bập. Về đến nhà, giở cái thùng phía sau ra, con công đã chết cóng tự lúc nào. Sờ vào cái thân thể đã lạnh ngắt của nó mà cảm giác như có cả một mùa đông dài vừa chui tuột vào trong bụng.

 

 Mỗi ngày nuôi công đều là một ngày khám phá mới với Quỳnh. Công thích ăn lạc, ăn ngô và nhất là chuối chín. Cầm trên tay nải chuối là thế nào đàn công tò tò theo sau. Vốn chúng chỉ thích ăn những thứ thơm tho nhưng anh đã luyện cho công không chỉ biết ăn mà còn nghiện tỏi. Khi công non một tuần tuổi anh băm tỏi trộn lẫn vào thức ăn ba lần trong một tuần để ngừa bệnh…

 

Trả ơn tiền tỷ

 

Cầm quả trứng đầu tiên còn nóng hôi hổi trên tay, anh hớn hở khoe với vợ thì được một câu nguýt: “Trứng có phải là tiền đâu mà sung với chả sướng?”. Quỳnh nắm tay vợ mà rằng: “Trứng là tiền, rất nhiều tiền em ạ!”.

Công cái hai tuổi đã đẻ nhưng công đực phải ba tuổi mới có khả năng làm cha. Giá mỗi quả trứng công 600.000 - 800.000 đồng, một cặp công non hai tháng tuổi chưa phân biệt được đực cái giá 3 triệu đồng, cặp công bốn tháng tuổi 4 triệu đồng; một cặp công trưởng thành có giá từ 18-25 triệu đồng.

Sở dĩ giá cả chênh nhau lớn là thế bởi công cái 3 năm tuổi đẻ khoảng 18-22 quả trứng/năm, nhưng công cái 5 năm tuổi đẻ rất ngoan thường phải trên 30 trứng/năm. Cặp công già nhất trong trại đã 7 năm tuổi mà vẫn sòn sòn đẻ. Theo các nhà khoa học, công cái chỉ chịu “mãn kinh” ở độ tuổi 25.

 

Công non mới nở.

 

Trứng công được ấp bằng máy, công non nở ra được cho ăn “cám cò” đến 2 tháng tuổi mới chuyển sang ăn ngô, thóc. Để bổ sung đạm, can xi, một tháng đôi lần Quỳnh quăng cho chúng lúc tôm tươi, dế mèn sống, khi vài quả trứng vịt lộn luộc.

 

Trại công khá đơn giản, tường xây bằng gạch xi măng, mái lợp bờ lô, xung quanh vây lưới B40, diện tích tổng cộng không quá một sào Bắc bộ. Có lần Quỳnh đãng trí, cho công ăn xong quên không đóng cửa chuồng, lúc sau ra đếm thấy thiếu mất 12 con.

Chúng bay khắp xóm, đậu nóc nhà, đậu ngọn cây, kêu, múa rộn ràng báo hại cả nhà phải đi lùng bắt. Nhưng người làm sao địch được với chim ở khoản nhanh nhẹn? Mệt bở hơi tai mà chỉ lùa được vài con thì trời đã sập tối. Đang bấn lên vì lo thì không ngờ rằng khi ánh mặt trời vừa tắt cả đàn công đã lò dò bay về vì nhớ tổ.

 Công nặng đến 7-8 cân nhưng vẫn không thoát được cái tật cố hữu của loài chim là sợ mèo. Một lần tấm lưới trong trại bị thủng, có chú mèo mướp lẻn trộm vào. Mèo thấy công to lớn cũng chẳng dám động vuốt, nhe nanh mà chỉ bới nghịch chậu thức ăn. Nhưng thế cũng đủ để làm cho cả đàn công sợ hãi. Một con công đực trưởng thành sợ quá cứ bay lên, lộn xuống chẳng may đập đầu vào mái chuồng mà chết…

 

Công trắng.

 

Mất mát đó không thấm vào đâu so với lần cả đàn mắc dịch Niu Cát Xơn. Mỗi buổi ra đếm lại thấy chuồng trống đi một ít, có mấy ngày mà 24 con công đã ra đi, Quỳnh khóc nức trên điện thoại khi cầu cứu một chuyên gia về nuôi công: “Anh mà không cứu em bệnh lây ra đàn bố mẹ là tay trắng”…

 

 Cú điện thoại đánh động lòng trắc ẩn. Người ấy không giấu bí quyết nữa mà mách Quỳnh đủ cách chữa bệnh. Để giờ đây, chỉ cần nhìn vào mắt công là anh biết chúng khỏe hay yếu. Mắt nhanh, long lanh như hai giọt nước là khỏe còn lờ đờ, chậm chạp thì phải tìm nguyên nhân ngay kẻo lại ra đi một loạt.

 

Tổng số công trong trại gồm 30 con bố mẹ, 40 con non, tính sơ sơ đã trị giá bạc tỷ. Đàn công đem lại cho Quỳnh mỗi năm khoảng 300-400 triệu lãi và không bao giờ đủ hàng để bán.

Khách mua về chủ yếu là làm giống hoặc nuôi cảnh. Có bận một ông chủ nhà hàng trên Hà Nội đến xin tư vấn tỉ mỉ cách nuôi, chồng tiền, bắt công xong mới thẽ thọt hỏi cách chế biến thế nào cho… ngon khiến Quỳnh bổ chửng.

Công được mệnh danh là nữ hoàng của mọi loại chim, đẹp đẽ, kiêu kỳ là thế mà người ta nỡ cho vào xoong? Đến ngay như con công sợ mèo mà tự đập đầu chết Quỳnh cũng chẳng dám ăn mà chỉ cho hàng xóm.


 Anh này sau đó cứ nắc nỏm mãi về độ thơm ngon của một thứ bát trân (tám vật quý ở đời gồm nem công, chả phượng, da tê, tay gấu, gân nai, môi đười ươi, thịt chân voi, yến sào). Kể từ đó, bất cứ cú điện thoại nào từ ông chủ nhà hàng tới máy của Quỳnh đều chỉ nhận được những tiếng tút tút kéo dài không hơn, không kém.

 Theo Dân Việt

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập480
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại871,067
  • Tổng lượt truy cập92,044,796
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây