Mô hình “Công viên bãi rác” ở huyện Xuân Trường (Nam Định)-một sáng tạo của Nam Định trong xây dựng NTM.
Còn nhớ, 7 năm trước không chỉ người dân, ngay cả hệ thống chính trị các cấp ở Nam Định vẫn còn khá bỡ ngỡ với phương châm, cách làm NTM. Không ít cấp ủy, chính quyền ở đây, nhất là cấp cơ sở khi ấy cho rằng xây dựng NTM là một dự án đầu tư lớn của nhà nước, địa phương chỉ việc đón nhận, hưởng thụ.
Nói như ông Ngô Xuân Trường, nguyên Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận khu dân cư xóm 5, làng Thành An, xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng) thì: “Tìm hiểu kỹ chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước về xây dựng NTM, chúng tôi mới “vỡ” ra phương châm xây dựng NTM không phải vậy, mà người dân phải đóng vai trò chủ thể, trực tiếp đóng góp công sức, trí tuệ, tiền bạc để thực hiện. Dân làm, dân hưởng. Trên chỉ định hướng, hỗ trợ thôi!”
Trên thực tế, bắt tay vào thực hiện, ngoài công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, ngân sách tỉnh cũng chỉ hỗ trợ cho 10 xã thí điểm 10 tỷ đồng/xã; hỗ trợ các xã còn lại 8 tỷ đồng/xã. Những thành quả xây dựng NTM tỉnh Nam Định đạt được sau 7 năm, phần lớn dựa vào sức dân. Theo đó, bám sát lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; tuyên truyền, vận động của Mặt trận và các đoàn thể, bám sát các tiêu chí, nhân dân ở khắp các địa bàn khu dân cư trong tỉnh đã dân chủ bàn thảo, bắt tay xây dựng NTM theo quy trình “làm từ đồng vào làng, từ nhà lên xóm, từ xóm lên xã; xóm lo công trình của xóm, xã lo công trình của xã”…
Hiểu rõ mục đích, ý ghĩa, phương châm cơ chế xây dựng NTM; được bàn thảo dân chủ, công khai nên hầu hết người dân Nam Định đều đồng thuận, trở thành một phong trào sâu rộng. 7 năm qua, ở Nam Định có rất nhiều những câu chuyện đẹp đẽ về lòng dân trong xây dựng NTM. Có những giáo dân như ông Vũ Ngọc Lân ở xã Hải Chính (Hải Hậu) hiến đến 200 m2 đất thổ cư phục vụ việc mở rộng đường giao thông theo quy hoạch nông thôn mới của xã.
Có những nhà sư như Thượng tọa Thích Thanh Cần (chùa Quế Phương-xã Hải Tây-Hải Hậu) đi quyên góp từng đồng để ủng hộ địa phương xây dựng NTM. Có những linh mục như linh mục Trần Đức Hoàn ở giáo xứ Liêu Ngạn (huyện Nghĩa Hưng) đi quyên góp giúp đỡ hộ nghèo trong giáo xứ mua bảo hiểm y tế, vừa thiết thực giúp đỡ giáo dân trong khám chữa bệnh vừa thiết thực giúp địa phương đạt được tiêu chí về tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế.
Còn theo thống kê của Sở GT-VT Nam Định, thực hiện xây dựng NTM, nhân dân ở khắp các thôn xóm trong tỉnh đã hiến, góp cho làng, cho xã, cho xứ đạo đến gần 3.200 héc-ta đất (2.916 héc-ta đất nông nghiệp; 242 héc-ta đất thổ cư) cùng nhiều ngày công để phục vụ việc xây dựng các công trình hạ tầng của địa phương, nhiều nhất là cho việc mở rộng, nâng cấp hệ thống giao thông thôn xóm.
Dựa vào sức dân, giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh đã nâng cấp, cải tạo, làm mới được gần 5.500 km đường giao thông nông thôn. Trong đó, giá trị số đất, ngày công người dân đã hiến, góp quy ra tiền lên tới trên 6000 tỷ đồng (gần bằng số thu ngân sách của tỉnh trong 2 năm). Đặc biệt, những năm qua, nhiều công trình giao thông tỉnh lộ, quốc lộ qua địa bàn tỉnh Nam Định cũng được thực hiện theo phương châm “xây dựng nông thôn mới”, nghĩa là các hộ dân thuộc diện giải tỏa đều tự huyện hiến, góp đất, tháo dỡ công trình, không nhận đền bù...
Làm nên thành quả chung, hệ thống MTTQ, các đoàn thể ở Nam Định được cấp ủy, chính quyền, nhân dân ở địa phương nhìn nhận, đánh giá đã có những đóng góp thiết thực, hiệu quả. Không chỉ phối hợp tuyên truyền, giúp nhân dân trong tỉnh hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, phương châm, cơ chế thực hiện chủ trương xây dựng NTM, MTTQ tỉnh, các tổ chức thành viên nòng cốt còn có nhiều phong trào, hoạt động thiết thực như vận động nông dân tham gia dồn điền đổi thửa; góp, hiến đất xây dựng các công trình hạ tầng, tham gia giám sát; quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng, duy trì nhiều mô hình bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự.
Ngày nay, đến đâu ở Nam Định cũng có thể gặp những tuyến đường do chi hội phụ nữ, cựu chiến binh hoặc đoàn thanh niên tự quản. Điều đó cho thấy, đóng góp của MTTQ, các tổ chức thành viên nòng cốt không nằm ở tiền bạc mà thể hiện qua những đóng góp bằng cách phát huy công sức, trí tuệ của các đoàn viên, hội viên; đóng góp bằng phương thức tổ chức quản lý, vận hành, khai thác các công trình phục vụ sản xuất và dân sinh ở địa phương.
Theo Trần Duy Hưng/Báo Đại Đoàn Kết.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;