Học tập đạo đức HCM

Thanh niên Ninh Thuận nỗ lực vươn lên làm giàu

Thứ năm - 19/04/2018 19:18
Ninh Thuận hiện có hơn 160 nghìn thanh niên, chiếm khoảng 30% số dân toàn tỉnh. Với khát khao vươn lên làm giàu, nhiều bạn trẻ mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, tìm hướng đi mới để khởi nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo diện mạo mới trên chính mảnh đất quê hương.

Đoàn viên thanh niên Ninh Thuận tham quan mô hình trồng cây chanh dây (cho thu nhập mỗi năm gần 200 triệu đồng) của anh Trương Tự Trị ở huyện Bác Ái.

Khởi nghiệp từ vùng đất hoang hóa

Ninh Thuận nằm trên giao điểm của ba trục giao thông chiến lược là đường sắt bắc - nam, quốc lộ 1A và quốc lộ 27 lên nam Tây Nguyên; cách TP Hồ Chí Minh 350 km về phía nam, cách TP Nha Trang 105 km về phía bắc và TP Đà Lạt 110 km về phía tây. Lợi thế của Ninh Thuận có biển, đồng bằng, trung du và cả miền núi, hơn hai phần ba diện tích tự nhiên là đồi núi; diện tích đất trống, đồi trọc chưa sử dụng..., Đây là điều kiện để địa phương phát triển, hình thành những vùng chuyên canh chất lượng cao trong nông nghiệp, chăn nuôi các sản phẩm đặc thù như: dê, bò, cừu; trồng nho, táo, tỏi, măng tây..., tạo điều kiện cho phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm đặc thù, mang lại thu nhập cao. Nhờ đó, phong trào thanh niên khởi nghiệp ngày càng lan tỏa tại địa phương.

Năm 2009, anh Nguyễn Văn Trinh ở TP Phan Rang - Tháp Chàm tình cờ phát hiện một cuốn sách nói về cây măng tây xanh và nhận thấy vùng đất cát ở Ninh Thuận sẽ trồng được loại cây này. Anh đã lặn lội khắp nơi, mất cả năm mới tìm mua được giống đem về trồng tại xã Văn Hải. Sau một năm, cây măng tây xanh đã đem lại thu nhập cao gấp năm đến mười lần so với các loại rau màu khác. Từ năm 2010 đến nay, anh Trinh mở rộng diện tích trồng lên 5 nghìn m2, năng suất đạt từ 30 đến 45kg/ngày. Sau khi trừ chi phí, mỗi ngày anh thu lãi gần hai triệu đồng. Hiện nay, anh chủ động sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và đa dạng sản phẩm, đồng thời phối hợp với Công ty TNHH Trà măng tây Linh Đan - Ninh Thuận sản xuất trà từ thân và gốc măng tây xanh; từng bước mở rộng diện tích trồng lên hàng chục héc-ta trên địa bàn tỉnh.

Theo anh Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Trà măng tây Linh Đan - Ninh Thuận, nhiều thanh niên nông thôn đã mạnh dạn cải tạo những vùng đất cát hoang hóa trước đây để trồng cây măng tây xanh. Công ty cung cấp giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật để giúp thanh niên sản xuất hiệu quả. Tại những vùng đất cát rộng lớn ở các xã An Hải, Phước Hải (huyện Ninh Phước); xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải... được ví là sa mạc của Ninh Thuận, nay đã xuất hiện nhiều triệu phú trẻ.

Năm 2013, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Hồng Bàng với tấm bằng giỏi ngành Quản lý môi trường, cậu sinh viên trẻ Phương Bảo Quyền, sinh năm 1989 về quê, xin vào làm việc tại UBND xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn. Ngay từ khi đó, Quyền đã hình thành suy nghĩ về phát triển nghề nông theo hướng thoát ly hình thức canh tác truyền thống bằng sản xuất nông nghiệp sạch. Thế là, chàng trai trẻ khởi nghiệp bằng cách thuê 1,2 sào đất ở xã Mỹ Sơn trồng cây rau chùm ngây sạch và tự tìm đầu ra cho sản phẩm. Mỗi tháng, thu nhập từ vườn rau hơn năm triệu đồng. Với mong muốn đưa cây măng tây xanh về đất Ninh Sơn, năm 2015, anh đã ươm thử nghiệm thành công giống cây măng tây xanh UC 800 ngay tại vườn. Để thỏa mãn ý tưởng, anh đã quyết định thôi làm việc tại xã để toàn tâm, toàn ý vào mô hình, từng bước thay thế 1,2 sào trồng rau chùm ngây bằng cây măng tây xanh. Với kiến thức và tâm huyết tuổi trẻ, anh Quyền tự thiết kế hệ thống dẫn nước tưới, chi phí khoảng tám triệu đồng, tiết kiệm hơn bốn triệu đồng so với những mô hình trồng măng tây xanh khác. Từ đầu năm 2018 đến nay, mỗi ngày thương lái đến tận vườn thu mua hơn 15 kg, với giá từ 75 đến 85 nghìn đồng/kg, anh Quyền thu về 20 triệu đồng/tháng. Hiện, anh nhân rộng thêm năm sào để phát triển mô hình.

Trong những ngày tháng tư trời nắng gắt, chúng tôi tìm đến trang trại rộng 2 ha của anh Nguyễn Thanh Quốc (30 tuổi) ở thôn Suối Đá, xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc. Trang trại này mỗi năm cho thu nhập từ 400 đến 500 triệu đồng. Năm 2016, thấy việc nuôi gia súc chăn thả tự nhiên không mang lại lợi nhuận, anh Quốc quyết định xây dựng trang trại theo mô hình vườn - ao - chuồng từ năm sào đất của gia đình, cùng nguồn vốn tích cóp và khoản vay người thân, bạn bè được 800 triệu đồng, đầu tư trồng 1,5 sào các loại cỏ xen canh với cây chuối để chủ động thức ăn cho đàn gia súc. Diện tích còn lại anh xây dựng chuồng trại, đào ao thả cá và nuôi giun quế. Thời gian đầu, trang trại chỉ có 10 con bò, hơn 100 con cừu, 100 con dê và 500 con gà. Bằng quy trình sản xuất khép kín, ngoài cỏ, thân cây chuối, anh mua thêm bã mía, bã bia ủ với cỏ làm thức ăn cho gia súc, sau đó lấy phân gia súc nuôi giun quế, cá; dùng giun quế và cá trộn cùng với cỏ, bã mía, chuối làm thức ăn đàn gia súc…, tiết kiệm hơn 60% kinh phí thức ăn so với cách nuôi thông thường. Anh Quốc tự lập website “tiendatVAC.com” để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đến nay, trang trại đã có hơn 20 con bò, 60 con lợn đen và heo lai rừng, 250 con cừu, 300 con dê, hai nghìn con gà. Trang trại chuyên cung cấp thịt và giống bò, dê, cừu tại địa phương và nhiều tỉnh, thành phố cả nước.

Tiếp sức, đồng hành cùng doanh nghiệp trẻ

Cuối năm 2014, tỉnh Ninh Thuận thành lập “Câu lạc bộ Sáng tạo khởi nghiệp Ninh Thuận” (CLB). Mục tiêu của CLB là đưa các sản phẩm đặc thù được sản xuất theo mô hình VietGAP đến người tiêu dùng, tạo thương hiệu cho từng loại sản phẩm để nâng cao giá trị, giá và đầu ra cho sản phẩm ổn định, đứng vững trên thị trường. Chủ nhiệm CLB Nguyễn Ngọc Hân cho biết, CLB tổ chức nhiều đợt để những kỹ sư nông nghiệp đến tận nơi sản xuất, nuôi trồng, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, chăn nuôi theo hướng an toàn, nên hầu như các mô hình thanh niên lập nghiệp đều phát triển tốt. Anh Hân cũng đăng ký một nghìn mét vuông đất để thí điểm trồng cây măng tây xanh trên vùng đất cát ở xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải. Sau hai năm thí điểm thành công, nay nhiều thanh niên và bà con đã mở rộng diện tích hơn 10 ha. CLB liên kết với doanh nghiệp để đưa các sản phẩm sạch vào giới thiệu, quảng bá tại nhiều hội chợ trong cả nước. Hằng tháng, các thành viên CLB tổ chức sinh hoạt định kỳ để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ ý tưởng kinh doanh; phân tích thị trường; xây dựng thương hiệu cho người mới khởi nghiệp và đẩy mạnh liên kết với thanh niên ngoài tỉnh để mở rộng mạng lưới kinh doanh ngày càng hiệu quả hơn.

Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội thảo “Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp - vai trò và trách nhiệm của địa phương” và xác định, những chính sách ưu đãi của chính quyền là cơ sở quan trọng nhất giúp thanh niên khởi nghiệp, với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Đến nay, có 362 trong số 467 thủ tục hành chính được áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính được rút ngắn đáng kể, tạo thuận lợi nhất cho cá nhân khởi nghiệp; tăng cường sự tương tác giữa chính quyền với doanh nghiệp thông qua các hội nghị chuyên đề, gặp mặt doanh nghiệp hằng tháng. Chú trọng hoạt động chuyên mục hỏi - đáp trực tuyến, tạo kênh thông tin chính thống để tỉnh kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp cũng như lắng nghe các doanh nghiệp hiến kế phát triển kinh tế, xã hội với tỉnh. Qua đó, thanh niên lập nghiệp ngày càng tự tin hơn.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh, hầu hết đơn vị là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; doanh nghiệp khởi nghiệp thành công chưa nhiều; tỉnh chưa xây dựng được quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, cho nên có nhiều mô hình khởi nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn… Tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ, khuyến khích thanh niên khởi nghiệp; thực hiện tốt phương châm “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân”; sớm thành lập và đưa vào hoạt động “Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp” của tỉnh để các ý tưởng sáng tạo, các dự án khởi nghiệp sớm được hiện thực hóa. Tiếp tục tranh thủ các chương trình, dự án hỗ trợ của Trung ương, để giúp thanh niên khởi nghiệp phát triển khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại; tăng cường thành lập các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tạo môi trường kết nối thanh niên cùng nhau trao đổi, chia sẻ giải pháp tháo gỡ khó khăn để giúp thanh niên lựa chọn, triển khai mô hình khởi nghiệp phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực tế.

Trong năm 2017, toàn tỉnh Ninh Thuận có 2.637 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký gần 38 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có 187 doanh nghiệp do thanh niên trong độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi làm chủ với tổng vốn đăng ký 1.759 tỷ đồng. Bước đầu đã hình thành một số doanh nghiệp khởi nghiệp thành công với các sản phẩm, thương hiệu được cả nước biết đến như Nho Ba Mọi, Công ty TNHH Trà măng tây Linh Đan - Ninh Thuận...

 








 
 
Theo Nguyễn Trung/Báo Nhân Dân.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập463
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm462
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại840,934
  • Tổng lượt truy cập92,014,663
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây