Trong một lần về công tác ở xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, tôi tình cờ nghe được câu chuyện lạ tai. Bà con nông dân ở vùng quê thuần nông này đang trồng một giống lúa làm ra hạt gạo có tác dụng bồi dưỡng sức khỏe, chữa được bệnh tiểu đường.
Đưa câu “chuyện lạ” lên hỏi ông Đạm Văn Hiên, Chủ tịch UBND xã Diễn Nguyên thì ông trả lời như đinh đóng cột: “Đúng đấy! Mấy năm nay, nhiều gia đình ở địa phương chúng tôi đang trồng giống lúa thảo dược Vĩnh Hòa 1 (VH1) do ông Phan Văn Hòa, ở xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành tạo ra. Loại lúa này cho gạo rất ngon, bồi bổ sức khỏe, người dân trồng chủ yếu để sử dụng trong gia đình. Ngoài ra, nông dân xã nhà cũng đang trồng khoảng 150ha lúa AC5 cũng do ông Hòa lai tạo thành công (chiếm 25% diện tích đất trồng lúa toàn xã). Điều đáng quý là toàn bộ lúa gạo AC5 đều được ông Hòa thu mua cho nông dân với giá cao hơn các giống lúa khác trên thị trường khoảng 30-40%”. Câu chuyện của những nông dân và lời giới thiệu của Chủ tịch xã Diễn Nguyên thôi thúc tôi về Vĩnh Thành tìm gặp bằng được chủ nhân của những giống lúa kỳ diệu.
Bước xuống từ chiếc xe Fotuner đời mới, ông Phan Văn Hòa mặc chiếc áo sơ mi trắng với quần bộ đội, chân lại đi đôi dép tổ ong, ống quần còn vận đến đầu gối. Mở cốp xe, ông mang xuống một bao tải nhanh chóng đem cất vào phòng thí nghiệm của mình. Những công nhân đang làm việc tại xưởng cho biết, ông Hòa đi lấy nguyên liệu từ cây lúa thảo dược mang về tiếp tục nghiên cứu hoàn thành một đề tài khoa học do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An đặt hàng. Hiện tại, Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Khoa học và Công nghệ Vĩnh Hòa do cựu chiến binh Phan Văn Hòa làm Giám đốc đang duy trì 26 lao động thường xuyên, khoảng 500 lao động thời vụ.
Khi chúng tôi đã yên vị ở phòng khách, ông Hòa lấy ra một túi ni lông đựng thứ gì đó, được gói ghém rất kỹ, rồi nói rằng: “Chờ nước sôi sẽ mời các chú thứ trà đặc biệt”. Chiếc ấm pha trà quen thuộc, khi đổ nước vào, hơi nước từ ấm trà bốc lên tỏa ra một mùi thơm dễ chịu. Nước được rót ra có màu giống với nước trà nhưng khi uống vào lại có vị thanh, mát dịu ở cổ họng. “Trà thảo dược được tạo ra từ rơm rạ của giống lúa thảo dược VH1 đấy các chú” – Ông Hòa lên tiếng. “Trà thảo dược từ rơm rạ của cây lúa?” – Tôi hỏi lại.
Đáp lại thái độ nghi ngại của chúng tôi, ông Hòa đưa ra kết quả phân tích, đánh giá do Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam và Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia chứng nhận vào năm 2014. Trong đó ghi rõ các chỉ số chất dinh dưỡng có trong thân và hạt của giống lúa thảo dược VH1 do ông tạo ra. Theo đó, thân cây lúa và hạt gạo của giống lúa này có chứa các chất quý như Omega 9, Omega 6, Omega 3, can xi và sắt. Để củng cố lòng tin cho chúng tôi, ông lấy ra tập thư của nhân dân nhiều nơi trong nước gửi đến đánh giá sự cải thiện sức khỏe khi sử dụng sản phẩm gạo thảo dược VH1. Trong đó có lá thư của chị Trần Thanh Giang, sinh năm 1973, công tác tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Tôi bị bệnh tiểu đường đã 10 năm nay, mặc dù đã sử dụng thuốc cùng chế độ ăn kiêng theo chỉ dẫn nhưng lượng đường huyết vẫn không giảm, không ổn định. Nhưng sau khi sử dụng gạo thảo dược VH1 rang và nấu nước uống hằng ngày thì lượng đường huyết đã dần ổn định, tôi cũng cảm thấy sức khỏe được nâng lên”.
Người dân thôn Văn Điển, xã Vĩnh Thành nói rằng, họ còn nợ ông Hòa tiền giống vụ lúa của 20 năm trước vẫn chưa trả được. Câu chuyện này được ông Phan Văn Lam, 80 tuổi, thôn Văn Điển kể lại. Năm 1984, ông Phan Văn Hòa xuất ngũ trở về quê hương theo chế độ bệnh binh. Lúc bấy giờ, vùng chiêm trũng Vĩnh Thành vẫn còn hoang vu, ngập nước, cuộc sống người dân còn bữa đói, bữa no. Ông Hòa thường dùng số gạo mình được cấp hằng tháng theo chế độ bệnh binh để chia đều cho bà con lối xóm. Cũng thời gian này, người dân trong xã thấy ông Hòa mải miết trên cánh đồng của xã, ông cứ ghi chép gì đó mà không ai hiểu được. Chỉ bà Phan Thị Loan, vợ ông Hòa mới rõ.
“Nhiều đêm, ông ấy không ngủ được, tôi tưởng ông bệnh tình gì nên gặng hỏi. Mãi ông mới nói là muốn tạo giống lúa mới, sản xuất tăng vụ 3 để nông dân trong vùng không bị đói. Nói là làm, ông bán hết lợn gà, cầm cố nhà cửa vào Vinh mua hơn 1 tạ giống lúa chở về vận động nhân dân thôn Văn Điển sản xuất vụ 3 trên cánh đồng” – Bà Phan Thị Loan nhớ lại. Người dân trong xã phấn khởi dõi theo vụ lúa thứ 3 trên cánh đồng đất xã nhà, nó đã phát triển rất tốt, hạt lúa đã căng tròn. Thế nhưng ông Hòa và những nông dân thôn Văn Điển đành chấp nhận thất bại do nước trắng đồng, chuột và sâu bọ tập trung phá hoại. Tất cả tiền giống đều mất trắng, cựu chiến binh Phan Văn Hòa lâm vào cảnh nợ nần.
Không nản chí, ông Hòa lại cùng vợ con lao vào nhận khoán những vùng đất sình lầy, khai hoang sản xuất. Rồi ông đắp đê trồng lúa kết hợp nuôi cá, đặc biệt tăng vụ thành công trên cánh đồng trũng, chỉ trong 3-4 năm gia đình đã trả được nợ nần và có của ăn, của để. Những kinh nghiệm trong sản xuất cây lúa được ông ghi chép rất cẩn thận, không ngừng đọc sách, tài liệu để tiếp tục theo đuổi ước mơ lai tạo ra giống cây lúa có năng suất cao, chất lượng tốt.
Năm 2001, ông Hòa làm hồ sơ xin được thành lập Hợp tác xã sản xuất giống lúa nhưng không được cấp phép. Sau đó, ông đã nhờ người tư vấn làm thủ tục, thành lập Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Vĩnh Hòa với mục đích là nghiên cứu, sản xuất kinh doanh giống lúa. Năm 2002, nông dân Phan Văn Hòa đã lặn lội ra Hà Nội để gặp Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng, nguyên Viện trưởng Viện Cây Lương thực & Cây thực phẩm để nhờ sự giúp đỡ. Bằng vốn kiến thức thực tế, sự đam mê hiếm có, ông Hòa đã nhận được sự chỉ dẫn tận tình của vị Giáo sư đầu ngành nông nghiệp nước nhà lúc bấy giờ. Tại đây, được sự động viên của Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng, ông Hòa đã chọn được 5 loại giống lúa đưa về quê trồng khảo nghiệm. Kiên trì, âm thầm nghiên cứu, sau rất nhiều thất bại, trong số 5 giống lúa được chọn trồng khảo nghiệm ở quê nhà, ông Hòa đã chọn được giống lúa AC5 đạt năng suất cao, chịu được hạn, sâu bệnh, thích nghi với đồng đất Nghệ An.
Mở đầu vụ mùa năm 2005, ông gieo trồng lúa giống trên diện tích 6ha, vụ tiếp theo ông thuyết phục lãnh đạo xã Hoa Thành vận động nông dân đưa vào gieo cấy giống lúa AC5. Ðến vụ thu hoạch, kết quả thật bất ngờ, lúa cho năng suất cao không thua kém lúa lai, ai cũng phấn khởi. Năm 2006, 2007, khi đã được khẳng định về chất lượng, tiếng tăm về giống lúa AC5 của ông Hòa vừa cho năng suất cao, vừa thơm ngon đã lan rộng ra nhiều xã trong huyện Yên Thành và các huyện khác trong tỉnh.
Từ giống lúa này, công ty đã chế biến sản phẩm gạo mang thương hiệu Gạo Xứ Nghệ được thị trường chấp nhận. Năm 2008, giống lúa AC5 của Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Vĩnh Hòa đã được Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm mua bản quyền. Từ đó, công ty độc quyền sản xuất, kinh doanh giống lúa thuần AC5 trên địa bàn từ Bắc Trung bộ đến Nam Trung bộ. Sau khi đã có bản quyền, công ty đã liên kết với các địa phương như huyện Diễn Châu, Yên Thành, Ðô Lương (Nghệ An), Ðức Thọ (Hà Tĩnh) đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ lúa thương phẩm cho nông dân. Cũng trong thời gian này, ông Hòa còn tạo bất ngờ lớn hơn khi công bố lai tạo thành công giống lúa đặc biệt - lúa thảo dược VH1 mà theo các nhà khoa học, đây là giống lúa quý hiếm ở Việt Nam cho sản phẩm gạo có đặc tính thảo dược.
“Rời quân ngũ, tôi luôn ước mơ tạo ra được giống lúa tốt cải thiện cuộc sống cho người nông dân, nên khi lai tạo ra giống lúa chất lượng như AC5, lúa thảo dược, tôi đã chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, xem đó như món quà tặng cho bà con. Với những sản phẩm dinh dưỡng đang tạo ra từ lúa gạo, tôi sẵn sàng tặng cán bộ, chiến sĩ bị bệnh tiểu đường đang làm nhiệm vụ ở địa bàn biên giới, biển đảo của Tổ quốc với mong muốn họ duy trì tốt sức khỏe, đáp ứng được công việc” - Ông Phan Văn Hòa khẳng định.
Theo Viết Lam/bienphong.com.vn