Học tập đạo đức HCM

Du lịch nông nghiệp - Thêm một hướng đi mới của du lịch tỉnh Bình Thuận

Thứ năm - 16/08/2018 22:25
Du lịch gắn với phát triển nông nghiệp bền vững đã hình thành và phát triển mạnh vào thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Ở nước ta, mấy năm gần đây, loại hình du lịch này đã và đang được quan tâm của nhiều địa phương. Để phát huy lợi thế của mình, tỉnh Bình Thuận đã phát triển du lịch gắn với nông nghiệp bền vững, đặc biệt là phát triển du lịch gắn với các nhà vườn thanh long ứng dụng công nghệ cao, gắn với ngành thủy sản. Thực tiễn đã cho thấy nhiều kết quả đạt được của mô hình này, nhưng cũng gặp không ít khó khăn cần có giải pháp phù hợp hơn nữa trong thời gian tới

Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp bền vững trên thế giới và Việt Nam 

Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và chứa đựng trong đó nhiều nội dung văn hóa sâu sắc. Trên thế giới cũng như Việt Nam, du lịch được xem là “ngành công nghiệp không khói”, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế lớn mà còn góp phần giới thiệu những đặc trưng văn hóa ra thế giới, qua đó xây dựng hình ảnh, vị thế cho một quốc gia, dân tộc.Ngày nay, trước tác động của quá trình toàn cầu hóa, đòi hỏi của phát triển bền vững trước những tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên..., thì hoạt động du lịch gắn với tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức của con người về bảo vệ thiên nhiên, môi trường và trải nghiệm cuộc sống gắn bó với tự nhiên, với sản xuất nông nghiệp, nhất là ở những địa bàn nông thôn thuần túy gắn với bản sắc văn hóa bản địa ngày càng trở nên hấp dẫn. Với nhu cầu và bối cảnh như vậy đã xuất hiện một loại hình du lịch mới gọi là “Du lịch nông nghiệp” (Agricultural Tourism hay Agritourism hay Agro-tourism).

Loại hình du lịch này phát triển mạnh vào thập niên 80, 90 của thế kỷ trước và có nhiều cách gọi, chẳng hạn ở Anh là “du lịch nông thôn”, ở Mỹ là “du lịch trang trại”, Nhật Bản là “du lịch xanh” còn ở Pháp là “du lịch với cỏ cây”. Tại Áo, du lịch nông nghiệp được tổ chức một cách rất chuyên nghiệp dù lượng người làm nghề nông chỉ chiếm 3% dân số. Ở Hàn Quốc, các tour du lịch nông nghiệp đã được triển khai từ năm 2006 và được xem như một trong những chiến lược phát triển nông nghiệp chính yếu, nhằm giúp người nông dân bù đắp sự giảm sút thu nhập từ nông nghiệp, đồng thời mang lại cho nông nghiệp Hàn Quốc những chức năng rộng mở được tạo ra bởi những nhu cầu phát sinh từ những mối gắn kết nông thôn - thành thị. Ở Quảng Tây (Trung Quốc), từ năm 2007 chính quyền địa phương đã xây dựng hơn 15 tuyến du lịch nông nghiệp đặc sắc với 251 vườn du lịch sinh thái nông nghiệp có tác dụng làm tăng thu nhập của người dân bản địa và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Năm 2010, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc), đã xây dựng 133 các khu vườn du lịch nông nghiệp, tạo việc làm cho 14.500 người, doanh thu hằng năm lên tới 132 triệu nhân dân tệ(1).

Du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch tạo ra sản phẩm phục vụ du khách chủ yếu dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Có bốn thành tố để được gọi là “du lịch nông nghiệp”, đó là: kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp; thu hút du khách đến tham quan các hoạt động liên quan đến nông nghiệp; tăng thu nhập cho nông dân; tạo cho du khách cơ hội giải trí, hoạt động rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông. Việc phát triển loại hình du lịch nông nghiệp có tác dụng, giúp đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ du lịch hỗn hợp cho du khách, gia tăng luồng du khách đến các vùng nông thôn; kéo dài mùa vụ du lịch trong những thời gian thấp điểm vốn có của ngành du lịch. Tham gia hình thức du lịch này, du khách được trải nghiệm hoạt động sản xuất nông nghiệp, thưởng thức vẻ đẹp cảnh quan nhân văn do hoạt động sản xuất nông nghiệp tạo ra.

Đối với Việt Nam, trên cơ sở đánh giá đúng vai trò, vị trí của du lịch đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, Đảng ta đã có chủ trương cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững. Trong định hướng Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn luôn được xác định là 1 trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo. Những năm trở lại đây, sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp là điểm nhấn thu hút, thúc đẩy tăng trưởng du khách với nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa nông nghiệp của vùng miền, trải dài từ Bắc tới Nam. Các tour du lịch nông nghiệp điển hình, như tham quan làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), nông trường Mộc Châu (Sơn La), làng rau Trà Quế (Quảng Nam), du lịch canh nông Đà Lạt (Lâm Đồng), du lịch miệt vườn ở đồng bằng sông Cửu Long... Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu khách du lịch tham quan trải nghiệm ở khu nông trại miệt vườn tăng đều mỗi năm từ 20 - 30%(2). Tại Quảng Nam, các hoạt động du lịch sinh thái nông nghiệp mỗi năm đón hàng chục nghìn lượt khách. Thực tế, du lịch nông nghiệp đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội ngày càng rõ. Điều đáng quan tâm là thông qua việc tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch nông nghiệp, người nông dân đã góp phần tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, đồng thời có mức thu nhập cao hơn so với hoạt động nông nghiệp thuần túy.

Tuy nhiên, phần lớn hoạt động du lịch nông nghiệp hiện nay ở Việt Nam vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp, sản phẩm chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu. Nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, không có các kỹ năng để phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp hoặc chưa quan tâm hoặc không đặt mục tiêu sản xuất gắn với phát triển du lịch. Tại nhiều khu du lịch sinh thái, dịch vụ còn nghèo nàn, chất lượng thấp, mới đáp ứng nhu cầu của du khách ở mức đơn giản. Kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch sinh thái nông nghiệp chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chất lượng chưa cao(3).

Thực trạng phát triển du lịch gắn với nông nghiệp bền vững ở tỉnh Bình Thuận

Bình Thuận có sự đa dạng về địa hình, thổ nhưỡng, tài nguyên, sản phẩm nông nghiệp, tiêu biểu và đặc trưng là thanh long. Cùng với việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, Bình Thuận có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch gắn với nông nghiệp bền vững.

Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 25-10-2016, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII về phát triển du lịch đến năm 2020 và Kế hoạch số 66-KH/TU, ngày 7-7-2017, của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phải phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương, phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc và phát triển du lịch phải gắn với cộng đồng dân cư... Chính vì thế, du lịch gắn với nông nghiệp bền vững là một hướng đi mới nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có của tỉnh. Hiện tại, ngoài các sản phẩm du lịch cao cấp, như golf, du thuyền, nghĩ dưỡng biển cao cấp, thể thao biển, thể thao địa hình..., tỉnh đang phát triển các dòng sản phẩm du lịch chính là phát triển du lịch “xanh” , gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường; phát triển sản phẩm du lịch văn hóa gắn với lễ hội, tham quan và tìm hiểu cuộc sống cộng đồng dân cư, làng nghề truyền thống; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái rừng - thác - hồ - biển đảo, du lịch chinh phục thiên nhiên, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch cộng đồng kết hợp nghỉ tại nhà dân (homestay). 

Đến nay Bình Thuận đã định vị được thương hiệu du lịch Mũi Né trên bản đồ du lịch thế giới, các chỉ tiêu về du lịch không ngừng tăng lên qua các năm (lượng khách du lịch đến Bình Thuận giai đoạn 2015 - 2017 tăng bình quân 10,89%/năm, trong đó khách quốc tế tăng bình quân 12,78%/năm. Tổng thu từ khách du lịch tăng bình quân 18,79%/năm, năm 2017, đạt 10.812 tỷ đồng, chiếm 8,34% trên tổng GRDP của tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh ước đón 2.613.000 lượt khách, tăng 11,64% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó khách quốc tế khoảng 335.000 lượt khách, tăng 13,9% so với cùng kỳ. Doanh thu ước đạt 6.351 tỷ đồng, tăng 18,88% so với cùng kỳ năm 2017). Thị trường và tốc độ tăng trưởng khách du lịch ổn định là cơ sở để xây dựng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm du lịch trong đó gắn với mô hình du lịch nông nghiệp, nhằm tạo điều kiện để thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Theo đó góp phần vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu ngành nghề của tỉnh.

Thời gian qua, để phát triển du lịch gắn với nông nghiệp bền vững, Bình Thuận đã triển khai nhiều mô hình, mở nhiều tour, tuyến, điểm du lịch, như tour khám phá thác 9 tầng kết hợp tham quan vườn cây ăn trái ở thôn Đa Tro, xã Đa Mi; tour khám phá lòng hồ Hàm Thuận kết hợp tham quan các loại cây trồng trên các đảo giữa lòng hồ; phát triển các điểm tham quan nhà vườn tại xã Đa Kai, huyện Tánh Linh; tham quan trải nghiệm hoạt động sản xuất thanh long tại Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam; kết hợp City tour và tham quan vườn trồng rau Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc... Tuy nhiên, cũng như các tỉnh, thành địa phương trên cả nước, sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp ở Bình Thuận chưa như mong đợi, chủ yếu là tự phát, dịch vụ mở rộng còn nghèo nàn, chất lượng thấp, mới đáp ứng nhu cầu của du khách ở mức đơn giản. Kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch sinh thái nông nghiệp chưa được quan tâm đầu tư. Thiếu sự liên kết giữa người dân, doanh nghiệp du lịch, lữ hành du lịch và cơ quan nhà nước...

Hiện nay, Bình Thuận đang triển khai thử nghiệm mô hình “Trải nghiệm hoạt động sản xuất thanh long cùng người dân Hàm Thuận Nam” (Đề tài khoa học cấp tỉnh “Du lịch cộng đồng tỉnh Bình Thuận, mô hình và giải pháp phát triển trong giai đoạn tới”), với chương trình tham quan, như trải nghiệm hoạt động sản xuất thanh long, tham quan các vườn thanh long chong đèn, khám phá hoa thanh long nở, trải nghiệm sản xuất thanh long kết hợp thưởng thức ẩm thực chế biến từ thanh long; tổ chức các sản phẩm và dịch vụ đi kèm trong chương trình tham quan. Trên cơ sở mô hình này, tỉnh đã thông tin, giới thiệu sản phẩm du lịch đến các công ty lữ hành, doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh để đưa khách đến tham quan; thực hiện công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch trên các báo, đài trong và ngoài tỉnh. Trong tương lai, bên cạnh những khu tổ hợp du lịch cao cấp, Bình Thuận sẽ phát triển thêm sản phẩm khu nông thị du lịch kỹ thuật cao, tại đây sẽ phát triển những khu nông thị sinh thái, tạo ra những làng nông nghiệp trồng cây ăn trái, quy hoạch những vùng trồng rau, củ, quả theo công nghệ I-xra-en. Trong khu nông thị là các điểm dân cư và điểm cư trú ngắn ngày tại chỗ nhằm phục vụ du khách muốn khám phá kỹ thuật canh nông. Đây là mô hình kinh tế kiểu mẫu về nông nghiệp, đô thị và nghỉ dưỡng tầm cỡ thế giới theo tiêu chuẩn nông thị sinh thái ven biển nhằm phục vụ cho khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan nghỉ dưỡng. Tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho dự án khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Dubai Việt Nam tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình với quy mô trên 1.100ha, trong đó diện tích dành cho mô hình du lịch gắn với nông nghiệp công nghệ cao khoảng 150ha.

Bình Thuận cũng đã quy hoạch khu nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện Bắc Bình với quy mô diện tích khoảng 2.000ha. Dự kiến các loại hình sản xuất công nghệ cao sẽ áp dụng gồm: các loại cây trồng cạn có giá trị, thích nghi khô hạn gồm: nhóm rau các loại, gia vị; nhóm dược liệu; nhóm lương thực; thử nghiệm một số cây ăn quả nhiệt đới tưới ít nước..., trước mắt để cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu, sau gắn kết với phát triển du lịch bền vững. Đối với các địa bàn vùng cao của các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Thuận Bắc phát triển các vườn cây ăn trái, cây công nghiệp; tổ chức các điểm du lịch sinh thái kết hợp phát triển nông nghiệp trên các đảo, xung quanh hồ thủy điện, thủy lợi.Từ sự đa dạng của sản phẩm nông nghiệp trên các địa bàn của tỉnh, sẽ xây dựng, tổ chức các tour, tuyến, điểm du lịch phù hợp với từng sản phẩm nông nghiệp, tạo ra sự đa dạng hóa về sản phẩm du lịch, tiến tới phát triển du lịch gắn với nông nghiệp bền vững ở Bình Thuận.

Một số giải pháp để phát triển du lịch nông nghiệp ở tỉnh Bình Thuận 

Có thể thấy, du lịch nông nghiệp sinh thái đang dần trở thành một “món ăn lạ”, bên cạnh các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch thể thao biển, du lịch văn hóa tâm linh, khám phá... vốn là những thế mạnh của du lịch của tỉnh Bình Thuận. Người nông dân thông qua du lịch được dịp quảng bá sản phẩm nông nghiệp của mình và qua đó thu nhập từ nông nghiệp của họ cũng tăng lên từ du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế chung của tỉnh. Để phát triển loại hình du lịch này, Bình Thuận cần có những giải pháp căn cơ và phù hợp hơn nữa trong thời gian tới, Cụ thể là:

Một là, phát triển các tour du lịch gắn với nông nghiệp: Trước mắt vận động các cá nhân, tổ chức sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp lữ hành, chính quyền địa phương tổ chức triển khai một số mô hình, mở các tour, tuyến, điểm du lịch, như tour khám phá cụm 3 thác, tham quan vườn cây ăn trái, các làng dân tộc Cờ Ho, Rắc lay ở thôn Đa Tro, xã Đa Mi; tour câu cá, khám phá lòng hồ Hàm Thuận kết hợp tham quan các loại cây trồng trên các đảo của lòng hồ Hàm Thuận; tour tham quan nhà vườn tại xã Đa Kai, huyện Tánh Linh; tour trải nghiệm hoạt động sản xuất thanh long, tại Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam; tour tham quan thành phố Phan Thiết và vườn rau Phú Long; tour tham quan hồ sông Lòng Sông; tour tham quan canh tác nông nghiệp kết hợp làng nghề gốm, gọ của bà con người Chăm tại xã Phan Thanh, Phan Hiệp, huyện Bắc Bình; tour tham quan khu nông nghiệp công nghệ cao ở Sông Bình và dự án Dubai Việt Nam (khi 2 dự án trên hoàn thành đi vào hoạt động)...

Hai là, cần tăng tính liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp lữ hành. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư và xúc tiến du lịch. Có chính sách phát triển nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế du lịch cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp triển khai thực hiện mô hình du lịch nông nghiệp. Triển khai công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các mô hình du lịch nông nghiệp được lựa chọn, khuyến khích nông dân tham gia mô hình này đi đối với nâng cao chất lượng từng điểm du lịch theo mô hình này, chứ không phải ồ ạt mở rộng số lượng.

Ba là, cần xây dựng bộ tiêu chí cho các cơ sở sản xuất nông nghiệp, thủy sản đạt chuẩn mô hình phát triển du lịch gắn với nông nghiệp. Muốn thực hiện điều này, các sở, ban, ngành có liên quan cần hướng dẫn cho các nông hộ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trở thành điểm đến tham quan của du khách.

Bốn là, cần có giải pháp đào tạo và tập huấn cho người nông dân có những kiến thức cơ bản về du lịch nhằm nâng cao chất lượng phục vụ du khách.

Năm là, khi phát triển du lịch canh nông, cần có ý thức tốt trong việc bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm, có như vậy mới phát triển được mô hình du lịch gắn với phát triển nông nghiệp một cách bền vững./.

-----------------------------------------

(1) Vương Thùy Hương (Trưởng nhóm): Đánh thức tiềm năng du lịch tỉnh Hòa Bình - Công trình tham dự cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học, trường Đại học Ngoại thương năm 2010
(2)  http://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView aspx?distri-butionid=317818
(3) Hội thảo “Phát triển du lịch sinh thái bền vững gắn với nông nghiệp, nông thôn” được tổ chức vào ngày 18-5-2018, tại Hội An

Dương Văn An(*), Nguyễn Thị Hồng Linh(*) TS, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận
Nguồn: tạp chí cộng sản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập178
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm177
  • Hôm nay29,757
  • Tháng hiện tại805,035
  • Tổng lượt truy cập91,978,764
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây