Báo NNVN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hùng, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy về nội dung trên.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị |
Quảng Trị đã đạt được nhiều kết quả sau 10 năm cùng cả nước thực hiện NQ26. Vậy theo ông, đâu là những đột phá lớn nhất của tỉnh thời gian qua?
Phải nói rằng NQ26 ra đời mang một tầm chiến lược lớn. Để chi tiết hóa NQ26 đưa vào cuộc sống, Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành Chương trình hành động số 72-CTHĐ/TU ngày 31/12/2008. Đến nay, sau 10 năm thực hiện nghị quyết này với sự sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nỗ lực của người dân, đã làm cho khu vực "tam nông" của tỉnh thay đổi căn bản.
Tỉnh đặt quyết tâm tái cơ cấu lại nông nghiệp bền vững, gắn với xây dựng NTM. Chủ trương tái cơ cấu được tỉnh làm nghiêm túc, quyết liệt và xuyên suốt, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét, nhận được sự thống nhất cao của toàn xã hội về tính tất yếu khách quan, cũng như yêu cầu cấp bách phải thay đổi căn bản nền SX nông nghiệp theo hướng chuyển mạnh từ số lượng sang chất lượng và nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm.
Tỉnh đã xây dựng các chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ người dân, DN đầu tư mạnh hơn nữa vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó chú ý định hướng tái cơ cấu nông nghiệp theo vùng gò đồi, đồng bằng, vùng cát ven biển và chuyển đổi sinh kế cho người dân ven biển sau sự cố môi trường biển năm 2016.
Ông có thể nói cụ thể hơn những "trái ngọt" mà Quảng Trị đã thu hái được?
Đến nay, ngành nông nghiệp phối hợp với các huyện, thị, các DN, hộ nông dân đã thực hiện hơn 1.700 mô hình SX đạt chất lượng, giá trị lớn hơn nhiều mô hình SX truyền thống. Tiêu biểu là áp dụng công nghệ hữu cơ, công nghệ cao trồng rau màu ở các huyện Hải Lăng, Hướng Hóa, Vĩnh Linh; SX gạo sạch, gạo hữu cơ với các thương hiệu “Gạo sạch Triệu Phong”, “Gạo hữu cơ Quảng Trị”, vườn tiêu hữu cơ ở Vĩnh Linh; thương hiệu cà phê Khe Sanh, hồ tiêu Quảng Trị, tinh bột sắn Hướng Hóa, đưa các sản phẩm đi khắp các thị trường…
Nông dân huyện Vĩnh Linh làm lúa hữu cơ |
Đã xây dựng các khu SX tập trung, thâm canh, chuyên canh như cao su, cà phê, hồ tiêu, cây dược liệu… nhằm đưa cơ giới hóa vào SX, từng bước khắc phục được mùa mất giá, hình thành “CLB trăm triệu đồng” cho hàng trăm nông dân trồng sắn ở Hướng Hóa tham gia. Hiện toàn tỉnh có có gần 22 ngàn hộ nông SX giỏi.
Trên lĩnh vực lâm nghiệp, bình quân trồng mới hơn 7 ngàn ha rừng tập trung/năm. Quảng Trị đi đầu của cả nước về phát triển rừng FSC. Đặc biệt với gỗ rừng trồng FSC được mua cao hơn gỗ bình thường từ 30 - 40% nên người trồng rừng có việc làm, thu nhập cao.
Ngoài ra, mỗi năm khai thác 6 ngàn ha gỗ rừng trồng, từng bước thay đổi biện pháp thâm canh rừng từ trồng rừng cung cấp nguyên liệu dăm gỗ sang kinh doanh rừng trồng gỗ lớn và quản lý rừng bền vững, hình thành các vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung, phục vụ công nghiệp chế biến gỗ.
Đẩy mạnh kinh tế biển theo thông lệ quốc gia và quy định quốc tế. Những năm qua, việc khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản đạt được những kết qủa quan trọng. Trang thiết bị, ngư lưới cụ hiện đại, đồng bộ hơn đã tăng nhanh sản lượng đánh bắt. Nhiều nghề khai thác mới được du nhập và phát triển như rê khơi, rê hỗn hợp, vây ánh sáng, lưới chụp.
Tổng số tàu thuyền hơn 2.300 chiếc với tổng công suất gần 120 ngàn CV. Đặc biệt là đội tàu cá vỏ thép, vỏ gỗ và composit 25 chiếc đóng mới theo NĐ 67 của Chính phủ làm ăn hiệu quả. Đã hình thành một số vùng nuôi tôm công nghiệp ven bờ sông Bến Hải, sông Hiếu và vùng cát ven biển ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và TP Đông Hà, giúp người dân nâng cao thu nhập.
Hồ tiêu là sản phẩm số 1 trong bộ sản phẩm nông nghiệp “6 cây, 2 con” của tỉnh |
Điểm nhấn quan trọng là tỉnh Quảng Trị đã xác định được bộ sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh gồm “sáu cây, hai con” cho giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến 2025 gồm hồ tiêu, cà phê chè, cao su, gỗ nguyên liệu, cây dược liệu, cây lúa và con bò, con tôm gắn liền với chuỗi giá trị sản phẩm liên kết trong nông nghiệp từ SX đến chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ. Lần đầu tiên hồ tiêu Quảng Trị xuất qua Mỹ và Pháp, từng bước khắc phục tình trạng được mùa mất giá các loại nông sản. |
Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ theo hướng ưu tiên phát triển SX, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, bảo đảm an sinh xã hội gắn với phòng, tránh thiên tai. Đã huy động được các nguồn lực đầu tư theo phương châm nhất thủy nông, nhì giao thông…
Về thủy lợi đã kiên cố hoá 1.200/2.125km kênh mương, nâng diện tích tưới tiêu chủ động từ 70% tăng lên trên 80% diện tích đất canh tác 2 vụ. Tỉnh đầu tư xây 131 hồ chứa, 204 đập dâng, 144 trạm bơm và 25 công trình thủy lợi khác, trong đó nhiều công trình ứng dụng công nghệ mới chất lượng cao. Vốn phát triển giao thông nông thôn 1 thập niên qua đạt gần 2 ngàn tỷ, tạo ra nhiều thay đổi lớn lao.
Bài học kinh nghiệm tỉnh Quảng Trị thu được trong quá trình thực hiện NQ26 là gì, thưa ông?
Có nhiều bài học, nhưng bài học đầu tiên là các cấp ủy Đảng phải quán triệt sâu sắc nội dung nghị quyết, làm rõ trách nhiệm các tổ chức khi triển khai. Để thực hiện thành công NQ26 cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, cán bộ, người đứng đầu phải là đầu tàu, gương mẫu, chỉ đạo phải sâu sát, thực sự quyết liệt.
Nhờ tuyên truyền được đẩy mạnh mà nhận thức của người dân ngày càng nâng cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đặc biệt là trong quá trình xây dựng NTM. Trong thực hiện nghị quyết, người nông dân luôn được đặt ở vị trí trung tâm sự phát triển, để làm nổi bật lên tính nhân văn của NQ26.
Kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ áp dụng KH-CN vào phát triển nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm tạo sự đột phá trong SX theo hướng tập trung, hiện đại. Sớm tổng kết, tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm, tìm ra mô hình phát triển thích hợp.
Thưa ông, là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, trên cơ sở NQ26, Quảng Trị tiếp tục phát triển ngành nông nghiệp như thế nào trong thời gian tới?
Nhìn lại 10 năm qua, chúng tôi thấy cuộc sống người dân từng bước nâng cao. Khi tôi đang làm Chủ tịch UBND huyện Đakrông, những lần về cơ sở quan sát bữa ăn của bà con thấy vẫn còn độn khoai, sắn, nhiều nhà thiếu ăn khi giáp hạt. Song những lần về cơ sở gần đây, nhìn bữa cơm của bà con đã hết độn, họ đã có bữa cơm no. Còn tại vùng đồng bằng, nhiều gia đình đã có bữa cơm ngon hơn và người dân thi nhau làm giàu.
Nhờ áp dụng KH-CN, Quảng Trị hình thành được nhiều vườn sau đủ tiêu chuẩn ATVSTP |
Vùng miền Đông Gio Linh đồng lúa không còn bị nắng hạn vụ hè thu, nhờ có hệ thống tưới tiêu. Chất lượng cuộc sống nâng cao nên nông dân không chỉ có nhu cầu được ăn no, ăn ngon, mặc ấm mà còn cần được vui chơi, giải trí. Phải nói rằng, để từ bữa cơm no đến bữa cơm ngon, tỉnh Quảng Trị đã phải huy động một nguồn lực lớn trí tuệ, công sức của cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng với tinh thần không cam chịu nghèo đói của người dân.
Đến nay tỉnh đã đạt những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lớn. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì thực trạng phát triển tam nông ở Quảng Trị chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và những cơ hội của cách mạng KH-CN cùng kinh tế tri thức, hội nhập quốc tế tạo ra.
Chúng tôi nhận thấy, trong bối cảnh KH-CN thực sự trở thành yếu tố quan trọng trong phát triển KT-XH thì quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần diễn ra nhanh, quyết liệt hơn. Quảng Trị cần chủ động tận dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để đẩy nhanh việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp với 4 trụ cột chính.
Một là, mạnh dạn ứng dụng KH-CN, đặc biệt là công nghệ hữu cơ, công nghệ cao, công nghệ 4.0 vào SX nông nghiệp quy mô hàng hóa.
Hai là thúc đẩy tổ chức lại SX bền vững theo chuỗi liên kết.
Ba là xem DN là hạt nhân kết nối với hộ nông dân, trang trại, HTX để ứng dụng KH-CN trong SX và quản trị chu trình SX hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo ATVSTP, gắn với hình thành thương hiệu, phát triển thị trường và bền vững với môi trường.
Bốn là, tạo môi trường minh bạch, thuận lợi, năng lực cạnh tranh cao để DN, nhà SX yên tâm đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhiều hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chương trình MTQG xây dựng NTM đã đạt kết quả toàn diện. Toàn tỉnh có 41/117 xã NTM, chiếm 35,04% số xã; số tiêu chí bình quân đạt 14,15 tiêu chí/xã, tăng 10,55 tiêu chí/xã so với cuối năm 2010, không còn xã dưới 5 tiêu chí. Thu nhập người dân nông thôn tăng gấp 3,5 lần so với năm 2008. Năm 2008 là 11,2 triệu đồng/người/năm đến cuối năm 2017 đạt gần 40 triệu đồng. Cố gắng phấn đấu đến năm 2020 đạt 60 triệu đồng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XVI đề ra. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã