Học tập đạo đức HCM

Gặp anh nông dân đi thăm trang trại bằng ôtô

Thứ ba - 24/02/2015 02:45
Tình cờ gặp anh tại Ngân hàng NN-PTNT Cư Kuin khi anh đến làm thủ tục vay vốn đầu tư sản xuất. Bước xuống từ một chiếc xe hơi đen bóng, nhìn vẻ ngoài ít ai biết người đàn ông trạc 40 tuổi này lại là một nông dân. Thế nhưng sau lời giới thiệu của lãnh đạo ngân hàng, cùng anh đi thăm các cơ sở sản xuất của anh thì chúng tôi đã phải đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Anh là Nguyễn Văn Chiến (xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin). Ngồi trong xe di chuyển qua các trang trại, điện thoại của anh Chiến liên tục đổ chuông. Anh quay mặt lại ghế sau trần tình: “Đang vào mùa chuẩn bị xuất bán nên công việc nhiều quá, nhà báo thông cảm”. Sau một vòng đi qua các trại chăn nuôi, anh mời chúng tôi về nhà “chơi cho biết”. Giữa ngọn đồi ngập tràn cà phê là sừng sững một căn biệt thự hai lầu nhìn ra hồ nước rộng mênh mông. Vào nhà, anh tự hào giới thiệu căn nhà rộng đến 360 m2/mỗi tầng này phải làm gần 2 năm mới hoàn thành. Trong căn nhà được thiết kế tinh tế với nội thất đắt tiền, giữa lúc trà dư tửu hậu, chúng tôi mới tìm hiểu được quá trình làm ăn đáng nể của anh. Ấy là vào quãng năm 1993, sau khi lấy vợ, cuộc sống gia đình anh gặp muôn vàn khó khăn. Không nản chí, trong thời điểm khó khăn nhất cũng là lúc anh nung nấu quyết tâm làm giàu của mình. Lúc ấy, gần nhà có một đập nước lớn, nhưng không phát huy hiệu quả ngoài việc phục vụ tưới tiêu cho cà phê trong vùng. Anh mạnh dạn nhận thầu lại đập nước trên để nuôi cá. Vừa làm vừa tìm tòi, tranh thủ ý kiến của các kỹ sư nông nghiệp địa phương, ngay vụ cá đầu tiên, anh Chiến đã thu hoạch được hơn chục tấn cá. Nhận thấy diện tích mặt nước của gia đình không nhiều, nếu chỉ nuôi cá trên diện tích đó thì cũng chỉ đủ ăn chứ chưa nói gì đến “có của ăn, của để”. Thế nên anh đã tích cực tìm kiếm những hồ chứa nước trong vùng không phát huy hiệu quả, nhận thầu lại và tiếp tục nuôi cá. 

Với cách làm ấy, hiện anh đang quản lý hơn 150 ha mặt nước nuôi cá, hơn thế, nắm bắt được nhu cầu của thị trường, anh đã mạnh dạn đầu tư nuôi những loại cá đặc sản để tăng lợi nhuận trên cùng diện tích mặt nước. Những loại cá như trắm, hay loại khó nuôi như trắm đen, cá lóc, cá thát lát… anh đều nuôi thành công và mang lại nguồn thu lớn. Nói về chuyện nuôi cá, anh bảo như là cái “duyên” vậy Anh cho biết cuối năm nay sẽ xuất bán được khoảng hơn 1 nghìn con trắm đen, mỗi con nặng từ 2,5 đến 3,5 kg. Nhẩm tính, với giá thị trường như hiện nay, cá trắm đen mua tại hồ khoảng 180.000 đồng/kg, thì chỉ riêng cá trắm đen anh đã thu được khoảng 5,4 tỷ đồng. Ngoài ra, với 50 nghìn con cá lóc cũng đã đến thời điểm xuất bán cũng sẽ mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình anh Chiến. Gần đây nhất, anh đã đưa vào hoạt động trại cá giống với quy mô gần 1 ha, có khả năng cung cấp cá giống cho toàn huyện Cư Kuin. 

Không dừng lại ở đó, với số vốn có được, anh lại mày mò nghĩ cách làm giàu. Trong lúc dịch bệnh trên lợn đang có chiều hướng gia tăng, anh lại “bắt tay” với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam để... nuôi lợn. Thăm các khu chăn nuôi của gia đình, chúng tôi mới hiểu đây không phải là một quyết định thiếu hợp lý. Chúng tôi khá bất ngờ với cách bố trí khu vực chăn nuôi lợn hướng nạc theo quy trình khép kín của anh Chiến, bởi quy mô trang trại to đẹp và được xây dựng, quản lý một cách khoa học. Khu chuồng lợn với quy mô 1.000 con, được xây dựng cạnh hồ nước rộng rãi, không khí xung quanh trong lành, yên tĩnh và được chia làm ba khu riêng biệt gồm: Khu chuồng chăn nuôi lợn nái sinh sản (trong đó có chuồng dành riêng cho lợn đẻ); khu chuồng chăn nuôi lợn mang bầu rộng và khu chuồng chăn nuôi mới nhập được cách ly riêng biệt với các chuồng khác. Chuồng lợn luôn sạch sẽ, có quạt mát, đèn điện, lợn uống nước sạch, ăn thức ăn công nghiệp đạt chuẩn của công ty thức ăn chăn nuôi CP, nằm trên sàn thoáng mát.

Từ các khu chuồng trại này, mỗi năm anh xuất bán 2 lứa, cho doanh thu hằng năm trên dưới 600 triệu đồng. Ngoài chăn nuôi, vợ chồng anh còn “làm thêm” 1 ha cà phê, 3 ha tiêu cũng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Nhờ chịu thương chịu khó, dám nghĩ, dám làm, vợ chồng anh Chiến đã không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương. Không chỉ làm giàu cho riêng bản thân, vợ chồng anh chị còn tận tình giúp đỡ những người nghèo khó trong xã như hướng dẫn họ biết cách làm ăn vượt khỏi đói nghèo như gia đình mình. Đặc biệt, anh cùng góp cổ phần với 3 hộ chăn nuôi để cùng mở 3 trại heo theo tiêu chuẩn của CP, giúp 3 hộ dân này đang dần vươn lên làm giàu. Ngoài ra, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động ở địa phương với mức thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập337
  • Hôm nay52,573
  • Tháng hiện tại883,300
  • Tổng lượt truy cập92,057,029
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây