Những năm trước đây, gia đình ông Đặng Đình Tùng (xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) chủ yếu nuôi giống bò vàng, dáng vóc nhỏ, trọng lượng thấp và sản lượng thịt không cao. Từ năm 2015, năm gia đình ông được Trung tâm Giống vật nuôi Bình Định hỗ trợ giống chuyển giao kỹ thuật, tham gia Đề án phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trong nông hộ tỉnh Bình Định, giai đoạn 2015-2020. Theo đó, mỗi hộ nông dân sẽ được hỗ trợ 30 triệu đồng mua 10 con bò giống và thức ăn gia súc, được tham gia các lớp tập huấn kỹ năng chăn nuôi bò thịt chất lượng cao.
Những giống bò mới là 3B và Red Angus đã giúp ông Tùng đạt hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so trước đây. Sau khi xuất chuồng lứa 10 con bò thịt chất lượng cao được hỗ trợ theo Đề án và thu được lợi nhuận cao, ông Tùng đã tiếp tục nhập và mở thêm một khu chuồng trại để tiếp tục đầu tư. Ông chia sẻ: “Mình nhập về ban đầu 10 con bò giống giá 150 triệu đồng, khoảng 4, 5 tháng tuổi, trọng lượng khoảng 50 - 150kg/con. Mình nuôi sau hai năm thì lên được khoảng 700kg/con, giá thành khoảng 60 triệu/con, trừ đi chi phí thì sau hai năm lời được khoảng 200 triệu đồng”.
Cũng mới nhận được các khoản hỗ trợ của Đề án vào tháng 9-2017, anh Nguyễn Thanh Tập (37 tuổi, xã Tây An, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) đã chuyển đổi mô hình lò gạch thủ công của gia đình trước kia thành chuồng trại nuôi bò. Đàn bò của anh thuộc giống bò lai chất lượng cao, gồm chín con bò giống 3B và một con bò giống Red Angus.
Theo anh Tập, các giống bò thịt chất lượng cao này có nhược điểm là giá con giống khá đắt, hơn chục triệu đồng một con nên các hộ nông dân có ít vốn khó triển khai. Nhưng bù lại, các giống bò này có rất nhiều ưu điểm như phát triển nhanh, ít bệnh tật, dễ chăm sóc, tỷ lệ thịt trên cơ thể rất cao nên cho hiệu quả kinh tế tốt. Anh Tập vui vẻ: “Nếu nuôi hai năm, mỗi con bò thịt chất lượng cao sẽ có trọng lượng khoảng 350 - 400kg, được thương lái thu mua với giá khoảng 90 nghìn đồng/kg hơi. Như đàn bò của tôi mới nuôi được 10 tháng, giá hiện tại khoảng 300 triệu đồng, nếu trừ vốn thì tôi thu lời hơn 80 triệu đồng”.
Không chỉ các hộ chuyên nuôi bò, các ngành nghề phụ trợ lĩnh vực này cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao như nghề phối giống thụ tinh nhân tạo cho bò, trồng cỏ voi, bán hèm rượu làm thức ăn gia súc...
Anh Nguyễn Hữu Độ, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn đã đổi đời nhờ nghề dẫn tinh viên (nhân viên thụ tinh nhân tạo cho bò). Mỗi ngày anh nhận nguồn tinh bò lai chất lượng cao nhập từ Trung tâm Giống vật nuôi Bình Định và đi thụ tinh nhân tạo cho 3 - 4 con bò cái ở địa phương. Nghề này mang lại thu nhập bình quân 500 nghìn đồng/ngày cho anh Độ. Theo anh Độ, để làm nghề thành thạo, có tỷ lệ thụ tinh thành công cao, được bà con nông dân tin tưởng thì các dẫn tinh viên phải được tham gia các khóa đào tạo nghiệp vụ do Trung tâm Giống vật nuôi Bình Định tổ chức. Quan trọng nhất, phải đoán chính xác thời kỳ động đực của bò cái, và phải bảo quản các ống tinh đúng theo tiêu chuẩn, giữ lạnh với bình ni-tơ lỏng chuyên dụng.
Theo ông Trần Văn Hạnh, Giám đốc Trung tâm Giống vật nuôi Bình Định, từ năm 2015 đến nay, số lượng bê thịt chất lượng cao (giống bò 3B và Red Angus) trung bình mỗi năm tại Bình Định sinh ra hơn 15 nghìn con. Đa phần bê giống trong số đó được người nông dân bán cho các tỉnh lân cận, chỉ có khoảng 30% bê giống được tiếp tục nuôi trong tỉnh để phát triển thành bò thịt chất lượng cao. “Chúng tôi đang khuyến khích những hộ có điều kiện tiếp tục nuôi từ bê giống lên bò thịt để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời, chúng tôi cũng đang lập hồ sơ để đăng ký thương hiệu Bò thịt chất lượng cao Bình Định, dự kiến hoàn thành trong năm 2020”, ông Hạnh cho biết.
Đề án phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trong nông hộ tỉnh Bình Định, giai đoạn 2015-2020, đặt ra mục tiêu phát triển tổng đàn bò lai đạt 288 nghìn con năm 2020; tính đến giữa năm 2018, đã đạt 295.890 con, ứng với 92%. Trung tâm Giống vật nuôi Bình Định đang kiến nghị UBND tỉnh điều chỉnh tăng kế hoạch thụ tinh nhân tạo bò được phê duyệt tại Đề án để phù hợp với tình hình thực tế nhằm cung ứng kịp thời nhu cầu vật tư thụ tinh nhân tạo bò tại các địa phương trên toàn tỉnh; đồng thời, mở rộng vùng phối giống bò thịt chất lượng cao. Trong năm 2018, Trung tâm Giống vật nuôi Bình Định đã cấp cho thị xã An Nhơn 150 liều tinh bò Wagyu (bò Kobe), nếu thụ tinh thành công, đây sẽ là giống bò chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu thị trường rất lớn trong vào ngoài nước.
Theo Cát Hùng/Báo Nhân Dân.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;