Ngôi nhà 3 tầng khang trang nằm giữa khu đất rộng bao quanh là vườn cây, ao cá. Đón chúng tôi, ông Sinh cười: “Bác đã làm được bao nhiêu đâu mà các cháu cứ khen”. Trò chuyện với chúng tôi, ông Sinh cho biết, trước đây kinh tế gia đình cũng gặp nhiều khó khăn, nhà lại đông con nên càng vất vả. Nhà chỉ cấy lúa, trồng ngô và nuôi lợn nên mãi không hết nghèo. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, sách báo và đi tham quan thực tế, ông đã tìm cho mình hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình. Với lợi thế nguồn lao động ở địa phương dồi dào, tiềm năng đất sản xuất nông lâm nghiệp sẵn có; thuận lợi về giao thông và tiêu thụ sản phẩm; cùng với nhiều chính sách khuyến khích đầu tư của Nhà nước, ông cùng gia đình quyết tâm sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa với sản phẩm đảm bảo chất lượng cao, đáp ứng tiêu chí “sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Theo đó, tận dụng nguồn đất đai sẵn có gia đình, ông mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng chính sách huyện đầu tư mô hình bảo vệ và phát triển rừng kết hợp. Ở độ dốc cao có cây tái sinh thì trồng rừng thêm, ở độ dốc thấp thì trồng chè, ở gần khe suối ẩm ướt thì trồng măng bát độ. Cùng với đó, ông quy hoạch khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm các loại gồm: trâu, lợn, gà, ngan, ngỗng, nhím, chim bồ câu Pháp, kết hợp với đào ao nuôi thả cá. Trên diện tích đất sản xuất của gia đình với hơn 1 ha ruộng ông trồng luân phiên gối vụ lúa, ngô, đậu tương, lạc.
Trời không phụ lòng người, công sức và sự quyết tâm của ông Sinh đã được đền đáp, giờ đây ông đã trồng và chăm được hơn 30 ha rừng, 5 ha chè Kim Tuyên, đàn trâu hơn 10 con, hàng trăm con lợn, gà, ngan bán ra hàng năm và đàn chim bồ câu Pháp 100 đôi, 10 con nhím cùng gần 2 ha ao cá cho thu nhập gần 300 triệu đồng/năm, giải quyết lao động cho 4 - 6 người, thu nhập bình quân đạt 30-40 triệu đồng/người/năm.
Nhờ có nguồn thu nhập ổn định, gia đình ông đã thoát được cảnh khó khăn, nghèo đói, trở thành một trong những hộ giàu của xã. Đến nay, gia đình ông đã xây dựng được ngôi nhà 3 tầng với diện tích rộng 200m2, mua thêm 1 máy cày bừa trị giá 130 triệu đồng, 1 ô tô con trị giá 300 triệu đồng phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt gia đình. Các con ông có điều kiện học hành, trưởng thành, hiện nay đã có công ăn việc làm ổn định. Ngoài ra ông còn giúp đỡ bà con làng xóm, láng giềng vươn lên trong cuộc sống và sản xuất.
Khi được hỏi về kinh nghiệm làm giàu, ông Sinh chia sẻ cần cập nhật thông tin và nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng cần gì, sản phẩm hàng hóa gì để phát triển sản xuất cho phù hợp. Cùng với đó phải tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như đổi mới phương thức sản xuất có hiệu quả cao nhất, phù hợp với tình hình phát triển của địa phương. Và điều quan trọng nữa đó là phải chăm chỉ và yêu thích công việc của mình đang làm.
Anh Hoàng Văn May, cán bộ khuyến nông xã Trung Đồng đi cùng chúng tôi cho biết: “Ông Sinh là một trong những hộ gia đình sản xuất giỏi tại địa phương, ông đã được chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong phòng trào xây dựng phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2010-2015, ông tuy tuổi đã cao nhưng vẫn cập nhật, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong nông nghiệp và chia sẻ với bà con xung quanh để phát triển kinh tế, ông xứng đáng là tấm gương để bà con trong xã, bản học tập và noi theo”./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã