Dẫn chúng tôi ra thăm xưởng ép dầu vừa được đầu tư xây dựng, anh Trần Thiên Danh cho biết: Nghề ép dầu lạc đã được lưu truyền trong gia đình tôi từ 4 đời nay. Trước kia, các cụ tôi đã tự sáng chế các công cụ ép dầu thủ công bằng tay lấy dầu ăn phục vụ trong gia đình. Cho đến năm 2014, vợ chồng tôi đã quyết định đầu tư gần 500 triệu đồng mua sắm máy ép dầu lạc từ Trung Quốc về làm thử.
Anh Trần Thiên Danh giới thiệu máy ép dầu lạc của cơ sở Hải Yến. |
Anh Danh kể, ngày đầu khi mới đi vào hoạt động, cơ sở gặp rất nhiều khó khăn do phải thuê địa điểm, trong khi đó, đầu vào nguyên liệu và đầu ra tiêu thụ sản phẩm vẫn chưa được ổn định mấy. Đặc biệt, vì chưa quen với thiết bị máy móc hoạt động nên hễ gặp trục trặc anh lại phải vượt hàng trăm cây số sang nước bạn mua thiết bị về thay thế, rất vất vả, tốn kém. Trải qua bao thăng trầm với nghề, có những lúc tưởng như cơ sở sẽ phải đóng cửa do khó cạnh tranh được với các sản phẩm dầu thực vật công nghiệp, với giá thành rẻ, mẫu mã bắt mắt. Tuy nhiên, với quyết tâm bám trụ với nghề gia truyền, vợ chồng anh đã mày mò tìm mọi cách để có những sản phẩm tốt nhất phục vụ người tiêu dùng. Cơ sở ép dầu Hải Yến hoạt động theo quy trình khép kín tạo ra sản phẩm là những giọt dầu ăn nguyên chất, đảm bảo chất lượng, thơm ngon và đặc biệt không sử dụng bất kỳ một loại hoá chất tạo mùi, màu hay chất bảo quản. Chính vì vậy, những mẻ dầu làm ra từ cơ sở ép dầu Hải Yến luôn đảm bảo chất lượng và ngày càng được nhiều người biết đến tin dùng. Hiện ngoài sản phẩm dầu lạc, gia đình anh Danh còn phát triển thêm 2 dòng sản phẩm dầu đỗ và dầu vừng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Xác định khâu nguyên liêu đầu vào quyết định toàn bộ chất lượng sản phẩm và lấy tiêu chí sản phẩm sạch là hàng đầu, anh Danh đã liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm với những hộ trồng lạc ở Uông Bí, Đông Triều. Đồng thời, thực hiện cam kết sản xuất đúng quy trình an toàn để nhập nguyên liệu sạch ép lấy dầu. Theo kinh nghiệm chế biến ép dầu của gia đình anh Danh, muốn cho ra lò sản phẩm dầu tinh chất thơm ngon, đúng vị tự nhiên của nó phải lựa chọn những loại hạt (lạc, vừng, đỗ tương) không bị mốc, hỏng. Trung bình cứ 3kg vừng thì thu được 1 lít dầu vừng; 2kg lạc thì được 1 lít dầu lạc và 6kg đỗ tương cho 1 lít dầu đỗ. Bằng cách làm này, mỗi năm cơ sở ép dầu Hải Yến bao tiêu từ 120-150 tấn lạc, đỗ, vừng cho bà con nông dân trong vùng lân cận. Riêng năm 2016, cơ sở ép dầu Hải Yến đã sản xuất cung cấp ra thị trường gần 40.000 lít dầu ép các loại. Với giá bán bình quân 230.000 đồng/lít dầu vừng, 100.000 đồng/lít dầu lạc, 80.000 đồng/lít dầu đỗ tương, trừ mọi chi phí sản xuất, năm 2016, gia đình anh thu lãi được gần 500 triệu đồng.
Để quảng bá cho sản phẩm của mình, anh Danh đã liên hệ với các trung tâm thương mại, các cơ sở bán hàng để giới thiệu sản phẩm. Đặc biệt, năm 2015, khi biết đến chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) của địa phương, cơ sở ép dầu Hải Yến đã mạnh dạn đăng ký thương hiệu dầu lạc. Sau khi có nhãn mác, bao bì, sản phẩm dầu lạc Hải Yến ngày càng được mở rộng vào các cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, sản phẩm của cơ sở ép dầu Hải Yến đã có mặt ở hầu hết các cửa hàng OCOP trong tỉnh. Ngoài ra, cơ sở còn liên kết phân phối sản phẩm với hơn 500 cửa hàng, siêu thị khu vực Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Dự kiến, sắp tới, anh Danh sẽ tiếp tục giới thiệu sản phẩm này sang thị trường nước ngoài để tiêu thụ...
Tác giả bài viết: Phạm Tăng
Nguồn tin: baoquangninh.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã