Những năm gần đây, người dân xã Bạch Lưu (Sông Lô) đã đưa mô hình trồng cây đinh lăng cao sản vào sản xuất, không chỉ tận dụng được lợi thế đất trung du miền núi mà còn giúp bà con nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Gia đình chị La Thị Vui, thôn Anh Dũng là một trong những hộ đầu tiên đưa giống cây đinh lăng cao sản về trồng. Chị Vui chia sẻ: “Cuối năm 2013, trên đường đi làm ruộng về nhà, tôi thấy có người đi giao bán cây đinh lăng cao sản giống và được người bán tư vấn, giới thiệu về hiệu quả kinh tế cũng như cách trồng loại cây này. Sau đó, tôi xin địa chỉ và tìm đến tận nơi trồng đinh lăng cao sản để học hỏi kinh nghiệm". Nhận thấy đây là một loại cây có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2014, chị mạnh dạn mua hơn 2.000 gốc về trồng ở vườn trước nhà. Ban đầu chưa có kinh nghiệm, số lượng cây đinh lăng của gia đình bị chết gần 30%. Song, nhờ khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương khá thích hợp nên số cây còn lại của gia đình sinh trưởng và phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao. Cuối năm ngoái, với giá bán toàn bộ rễ, thân, lá từ 30-40 nghìn đồng/kg, gia đình chị thu về gần 60 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng xoài và vải. Không chỉ vậy, loại cây này cũng rất dễ chăm sóc. Thông thường, từ khi trồng đến khi thu hoạch (từ 1-2 năm) chỉ cần bón phân 2 lần và tưới nước đủ độ ẩm cần thiết. Tốn công nhất là việc bắt sâu và vặt bỏ những chồi phụ để cây sinh trưởng tốt.
Từ hiệu quả bước đầu của mô hình, nhiều hộ dân trong xã đã học hỏi kinh nghiệm của gia đình chị La Thị Vui và mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích gieo trồng. Đơn cử như gia đình bà Nguyễn Thị Lại, thôn Hồng Sen là một điển hình. Tháng 5/2016, nhận thấy hiệu quả kinh tế mà cây đinh lăng cao sản mang lại, gia đình bà đã thuê người phá bỏ vườn cây ăn quả để trồng hơn 2.600 gốc đinh lăng. Bà còn đầu tư gần 3 triệu đồng để làm hệ thống giàn tưới nước cho đinh lăng. Dự kiến, cuối năm nay, đinh lăng của gia đình bà sẽ được thu hoạch cho trọng lượng từ 1,5-2kg/gốc. Với giá bán toàn bộ rễ, thân, lá từ 20-25 nghìn đồng/kg như hiện nay, ước tính vườn đinh lăng của gia đình bà Lại cho thu về gần 100 triệu đồng.
Theo số liệu thống kê, hiện, toàn xã Bạch Lưu có khoảng gần 50 hộ trồng đinh lăng cao sản, trong đó, tập trung nhiều nhất ở các thôn: Anh Dũng, Hồng Sen... Theo các hộ dân, giống đinh lăng cao sản có nhiều ưu điểm hơn so với giống đinh lăng truyền thống (có lá to hơn, trọng lượng thân, gốc nặng hơn và thời gian thu hoạch ngắn hơn so với đinh lăng truyền thống). Trồng đinh lăng cao sản, vốn đầu tư ban đầu không quá cao, cũng không tốn nhiều công chăm bón. Trong quá trình chăm sóc, cần đặc biệt chú ý đến khâu cung cấp đủ nước tưới, bởi đinh lăng là giống cây kỵ hạn, kỵ rét, kỵ úng ngập và kỵ sương muối; tránh để cây không bị quăn lá, ngả màu đen và chết rũ...
Đánh giá về hiệu quả kinh tế của cây đinh lăng cao sản, ông Nguyễn Văn Đang, Chủ tịch UBND xã Bạch Lưu cho biết: “Cây đinh lăng cao sản góp phần tận dụng tối đa được lợi thế đất trung du miền núi, giúp bà con nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Có thể nói, đây là loại cây khá triển vọng ở địa phương”.
Mặc dù có khả năng đem lại hiệu quả kinh tế cao và có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, song, nhiều người dân trong xã vẫn còn e ngại trong việc mở rộng quy mô sản xuất, bởi, đầu ra hiện nay vẫn chưa thực sự ổn định, giá cả còn bấp bênh. Theo chị La Thị Vui, trước đây, do nguồn cung khan hiếm, đinh lăng cao sản có giá khá cao, có thời kỳ lên đến 50 nghìn đồng/kg đinh lăng tươi. Tuy nhiên, hiện nay, có nhiều người trồng đinh lăng cao sản nên giá thu mua giảm dần. Hơn nữa, đinh lăng cao sản vẫn chủ yếu là bán cho các thương lái ở Phú Thọ, Hà Tây..., người trồng chưa liên kết được với đơn vị chuyên thu mua.
Để cây đinh lăng cao sản phát triển, thời gian tới, xã Bạch Lưu tiếp tục định hướng cho bà con mở rộng quy mô sản xuất; áp dụng những tiến bộ KHKT; đẩy nhanh tiến độ dồn thửa đổi ruộng để bà con có điều kiện mở rộng diện tích, phát triển cây đinh lăng cao sản theo hướng sản xuất hàng hóa; đồng thời, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Thanh Huyền/Vĩnh Phúc.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã