Những mô hình hiệu quả từ vốn vay
Chương trình cho vay hộ SXKD vùng KK mang lại cho không ít hộ cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu, cải thiện kinh tế gia đình trên chính mảnh đất quê hương.
Là một trong những hộ được vay vốn đầu tiên với mức 30 triệu đồng từ chương trình, chị Hoàng Thị Sức ở thôn Tân Thành, xã Bảng Hành, huyện Bắc Quang (Hà Giang) đã đầu tư mua 2 con trâu sinh sản. Sau 3 năm chăm sóc, trâu đẻ nghé, gia đình chị bán nghé và đã hoàn đủ tiền gốc cho ngân hàng. Đến năm 2014, chị Sức quyết định tiếp tục vay 30 triệu đồng chương trình hộ SXKD vùng KK để chăn nuôi lợn; vay thêm 6 triệu đồng để làm công trình nước sạch, vệ sinh môi trường. “Nhà tôi có của ăn của để cũng từ 2 lần được vay vốn ưu đãi. Giờ thì tôi có đàn trâu nái 4 con, 2 con lợn nái và bầy lợn thịt, chăn nuôi mỗi năm thêm vài lứa gà…” - chị Sức thổ lộ.
Hộ bà Leo Thị Da, thôn Quang, xã Phù Lưu phát triển chăn nuôi trâu sinh sản từ nguồn vốn vay của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hàm Yên (Tuyên Quang). ảnh: Mai Hương
Tương tự, cách đây 3 năm, bà Đỗ Thị Nghị, thôn Minh Tường, xã Kim Ngọc, huyện Bắc Quang (Hà Giang) đã mạnh dạn vay 20 triệu đồng vốn chương trình hộ SXKD vùng KK để đầu tư trồng 1ha cây keo. Đến nay, cây đang phát triển tốt và hứa hẹn sau khi thu hoạch bà sẽ trả được tiền gốc cho ngân và dư giả để cải thiện cuộc sống cũng như lo cho con cái học hành. “Tôi đang tính khi hoàn xong vốn gốc lại đề nghị tiếp tục vay chương trình này để đầu tư trồng thêm cây ăn quả…”- bà Nghị cho hay.
Cảm thấy được quan tâm, không tủi thân
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, chương trình tín dụng hộ SXKD vùng KK đã có hơn 2.030.000 lượt hộ được vay vốn. Doanh số cho vay qua các năm của chương trình đạt trên 44.200 tỷ đồng, dư nợ đến thời điểm hiện tại đạt hơn 16.400 tỷ đồng với hơn 640.000 hộ đang còn dư nợ, trong đó tỷ lệ nợ quá hạn chỉ có 0,35%... |
Theo Ngân hàng CSXH, đối tượng vay vốn của chương trình là các hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự (bao gồm cả hộ gia đình làm kinh tế trang trại) không thuộc diện hộ nghèo thực hiện các hoạt động SXKD tại vùng KK trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Đây là giải pháp hỗ trợ phát triển hiệu quả, bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Chị Hoàng Thị Sức thổ lộ: “Ban đầu, thấy các hộ nghèo, hộ chính sách được vay vốn ưu đãi mình cũng thấy tủi thân. Bởi nhà mình không nghèo, nhưng nói khá giàu thì chưa phải. Muốn vay vốn lại chẳng dám vay thương mại vì sợ lãi cao, rồi phải lặn lội xuống huyện. Khi có chương trình cho vay hộ SXKD vùng KK, những gia đình như nhà tôi đây phấn khởi lắm”.
Ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH cho biết, đối tượng vay vốn của chương trình này là các hộ không thuộc diện hộ nghèo, đúng ra là khách hàng của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, hiện nay các ngân hàng thương mại hầu như không có chi nhánh tại các vùng khó khăn. Vì vậy, Ngân hàng CSXH với mạng lưới trải rộng toàn quốc và tổ chức giao dịch trực tiếp tại gần 11.000 điểm giao dịch xã đã được Chính phủ giao nhiệm vụ cho vay đối tượng này.
Theo ông Nguyễn Văn Lý, mức vay tối đa là 50 triệu đồng/hộ. Trong một số trường hợp cụ thể, mức vay có thể trên 50 triệu đồng/hộ, nhưng không quá 100 triệu đồng. /.
Theo Phương Đông/ Dân Việt. VN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã