Ngút ngàn màu xanh dọc con đường vào vùng cam Thượng Bằng La nổi tiếng của Văn Chấn, hỏi ông Nguyễn Minh Nhiệm - Tổ trưởng Tổ hợp tác chuyên canh cam Thiên Tuế thì không ai ở đây không biết. Sinh năm 1956, ít ai ngờ lão nông ở cái tuổi lục tuần này lại là một trong những người đi tiên phong trong việc áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp địa phương.
Cửa hàng cam VietGAP trong Lễ hội cam Văn Chấn 2017.
Quê gốc ở Hà Nam, năm 1987 ông Nhiệm xuất ngũ rồi lên Yên Bái khai hoang lập nghiệp. Chính thức bắt tay vào trồng cam từ năm1993, năm đầu ông cũng chỉ trồng được dăm ba chục cây, mà thời ấy, như ông Nhiệm kể, một ngày đi làm thuê chỉ vừa vặn đủ tiền mua vài cây cam giống. Bao năm dãi dầu mưa nắng, cứ tích cóp được chút vốn liếng nào, ông lại đầu tư mua đất, mua đồi; rồi mày mò chiết ghép, trồng thử nghiệm các loại cam, quýt rồi tự rút kinh nghiệm cho mình, thành - bại đủ cả.
Từ vài chục cây cam trồng ban đầu, dần dần nhân lên một trăm, hai trăm cây những năm sau, đến nay gia đình ông Nhiệm đang có hơn 3ha cây ăn quả gồm các loại cam, quýt, trong đó, số cây đang cho thu hoạch khoảng 400 gốc; sản lượng vụ quả năm 2017 thu hoạch trên 20 tấn. Với giá 15.000- 18.000đ/kg đối với cam sành, 25.000-30.000đ/kg đối với cam canh, gia đình ông thu 400 triệu đồng. Ông bảo: Cũng chẳng ghi chép tỉ mỉ đâu, có khi hơn thế…
“Làm theo kiểu truyền thống bây giờ không có ăn” – Đó là nhận định của ông Nguyễn Minh Nhiệm khi nói về việc đưa khoa học vào sản xuất nông nghiệp nói chung và cây cam nói riêng.
Cơ duyên bắt đầu từ năm 2015, huyện Văn Chấn hỗ trợ các nông hộ trồng cam theo hướng VietGAP để xay dựng thương hiệu cam sạch của địa phương,. Ông Nhiệm bộc bạch khi ấy ông nào có biết VietGAP là gì, chỉ sau được tập huấn và tìm hiểu kĩ càng, ông mới nhận thấy hướng đi này không quá khó và tự tin rằng mình hoàn toàn có thể áp dụng. Cùng với gia đình ông Nhiệm, có 4 hộ khác tham gia trồng cam VietGAP, theo sự hướng dẫn của cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản & Thủy sản, đó là gia đình các ông: Bùi Quốc Thịnh, Vũ Như In, Vũ Đức Oản, Đỗ Văn Thắng, tổng diện tích canh tác trên 10ha.
Tổ cam VietGAP của ông thống nhất tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác từ khâu làm đất, bón phân hữu cơ hoai mục, dùng bả sinh học diệt các loại côn trùng hại quả. Đặc biệt, để sản xuất ra những trái cam sạch, ông chỉ sử dụng thuốc BVTV có trong danh mục, không mua thuốc trôi nổi và sử dụng tràn lan, thời gian cách ly tối thiểu 14 ngày. Hàng tuần, hàng tháng các thành viên trong tổ đều tiến hành kiểm tra chéo để đảm bảo mọi hoạt động trồng và chăm sóc theo đúng quy chuẩn.
Ông Nguyễn Minh Nhiệm bên vườn cam của gia đình.
Trái cam trồng và chăm sóc theo quy chuẩn VietGAP có hình thức không bóng bẩy, rực rỡ như cam lạm dụng thuốc BVTV, nhưng hương vị thì “ăn đứt” bởi độ ngọt đậm đà và mùi thơm quyến rũ. Hiểu rõ điều này, ông Nhiệm chăm tỉa cành để tăng ánh sáng cho quả, khiến cho màu quả đẹp hơn. Dựa trên thực nghiệm của bản thân, ông Nhiệm cho rằng trồng và chăm sóc cam theo quy chuẩn VietGAP không chỉ nâng cao nâng suất mà còn đem lại giá trị rất lớn cho sức khỏe của chính bản thân người nông dân cũng như đảm bảo chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Kiên trì theo hướng canh tác sạch, cam của gia đình ông Nhiệm đã tạo được uy tín được bao tiêu khoảng 30% bởi một số siêu thị với giá ổn định 20 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, ông còn cung cấp cam cho các cửa hàng và cơ quan, ban ngành trong tỉnh. Cây cam không chỉ tháo gỡ được khó khăn những ngày đầu về kinh tế mà thực sự là “trái vàng” giúp gia đình ông xây dựng được căn nhà khang trang trị giá 1,4 tỷ đồng, đồng thời nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn.
Thời điểm này vùng cam Văn Chấn đang đối mặt với nhiều khó khăn do hiện tượng cam chết hàng loạt do bệnh vàng lá thối dễ, bằng những kinh nghiệm đúc rút qua mấy chục năm “nằm gai nếm mật” cùng cây cam và sự nghiêm túc trong áp dụng khoa học vào sản xuất, thì duy có vườn cam nhà ông Nhiệm vẫn xum xuê xanh tốt.
Vườn cam VietGAP của ông Nguyễn Minh Nhiệm gồm các giống cam sành, cam Đường Canh, cam Valencia... đem lại thu nhập ổn định 400 - 600 triệu đồng/năm.
Dẫn chúng tôi đi vòng quanh những triền đồi được quy hoạch chỉn chu cho từng loại cây ăn quả từ cam sành, cam Đường Canh đến các loại cam Valencia, cam lòng vàng... ông Nhiệm cho biết, dự định tới đây của gia đình sẽ mạnh dạn chặt bỏ một số lượng lớn cây cam già cỗi trồng từ những năm 1999 – 2002 để thay thế bằng những giống mới có giá trị về kinh tế, tiềm năng tiêu thụ tốt tại thị trường trong nước; đồng thời, xây dựng mô hình trang trại khép kín, phát triển chăn nuôi để phục vụ trồng trọt.
Cũng theo ông, trước mắt điều này sẽ ảnh hưởng đến năng suất và thu nhập của gia đình nhưng chỉ vài vụ quả tới khi 3ha cam VietGAP đồng loạt cho thu hoạch và thương hiệu cam Văn Chấn có chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường thì nguồn thu của gia đình đạt tới con số 1 tỷ là điều không còn xa nữa…
Theo Nguyễn Quỳnh/Báo Dân Việt.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;