Học tập đạo đức HCM

Người phụ nữ "nhả tơ" cho đời…

Thứ năm - 17/03/2016 06:17
Về huyện miền núi Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông hỏi mô hình kinh tế nông nghiệp nào hiệu quả, chị Chung Thị Lân được giới thiệu đầu tiên. Chị là người phụ nữ giỏi dang nhất vùng khi làm mô hình nuôi tằm bằng lá dâu lai, cho tằm làm tổ trên né gỗ…

Bén duyên kiếp tằm nhả tơ

Sau gần một giờ quanh co đồi núi, chúng tôi dừng xe trước nhà chị Chung Thị Lân ở thôn 8, xã Quảng Khê, huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông. Căn nhà lợp mái tranh với nền xi măng thoáng mát, sạch sẽ, một gian là nơi sinh hoạt của gia đình, gian còn lại chị Lân dành để nuôi tằm. Vừa bước vào cửa, tiếng rào rào của hàng triệu con tằm “ăn rỗi” khiến mọi người quên mất mệt nhọc đường xa.

 

Tiếp chuyện chúng tôi, chị Lân kể, vốn yêu thích làm nông nghiệp nhưng chị từng thất bại với cây chanh dây, cây mít. Cà phê thì mỗi năm chỉ hái một mùa, thu nhập không đủ trang trải cho cả nhà. Số vốn ít ỏi cạn dần. Sau nhiều đêm suy nghĩ, đắn đo, năm 2010, chị mạnh dạn phá bỏ một phần vườn cà phê già cỗi, đầu tư nuôi tằm, làm kế “lấy ngắn nuôi dài”.

Những năm này, Đăk Glong chưa nhiều hộ trồng dâu nuôi tằm, chị phải ra tận Bảo Lộc (Lâm Đồng) tìm hiểu các nguồn giống. Để rút ngắn thời gian từ nuôi tằm cho đến lấy kén, chị nuôi 2 hộp tằm con khoảng 5 ngày tuổi. Về phần lá dâu, do chưa nhiều hộ trồng dâu nuôi tằm nên việc kiếm giống dâu càng khó, chỉ có giống dâu Tam Bội lá nhỏ, cành khẳng khiu, năng suất khá thấp, chị cũng đành chấp nhận xin cành về giâm.

Những lứa đầu tiên, chị mày mò học nuôi tằm bằng phương pháp truyền thống. Cách nuôi này đã rất phổ biến, nhưng lại tốn rất nhiều công lao động trong việc cho tằm ăn, dọn vệ sinh, đưa tằm lên kén… Lá dâu nhỏ nên tốn công hái rất nhiều, chị thường phải mượn thêm người giúp việc. Dẫu vậy, chị vẫn không nản.

“Trước đây khi chưa nuôi tằm, nhiều đêm liền mình thức trắng để làm nghề đan áo len. Cứ nghĩ đan thêm một cái áo thì 3 đứa con có thêm hộp sữa, thêm cái áo, để phụ chồng bớt vất vả một nắng hai sương. Giờ chuyển vào làm rẫy, càng không ngại khó, ngại khổ gì nữa”- chị nói, mà niềm vui rực trong ánh mắt.

Thay né gỗ, đổi giống dâu

Theo Trạm Bảo vệ thực vật  huyện Đăk Glong, toàn huyện hiện có khoảng 50ha trồng dâu nuôi tằm, trong đó có khoảng 20 – 30ha đang cho thu hoạch lá. Để cải thiện năng suất dâu tằm, chị Lân thực hiện việc chia sẻ giống dâu lai F7 cho bà con trong vùng.

 

Sau vài lứa thất bại, rồi chị cũng thành công nhưng chưa được như mong muốn. Chị Lân nhiều lần tìm đến bạn bè trồng dâu nuôi tằm để học hỏi thêm. Một dịp tình cờ, trên đường từ TP.HCM trở về, thấy một nông dân chở lá dâu bẻ ngang cành chứ không hái từng lá như chị thường làm. Tò mò, chị lần theo về tận nhà.

Hỏi ra mới biết, thay vì nuôi tằm trên nong suốt chu kỳ như thông thường, một số hộ dân ở Lâm Đồng thả tằm trực tiếp xuống nền xi-măng. Bằng cách này, người hái lá dâu có thể bẻ ngang cành thay vì chỉ ngắt lá.

Chưa hết, thay vì sử dụng né tre truyền thống, chị Lân học được cách sử dụng né gỗ cho tằm làm tổ để tiết kiệm công lao động và hạn chế tình trạng kén đôi. “Người nuôi tằm thường phải theo dõi tằm làm kén, tách từng con ra nếu chúng làm kén đôi, vì loại kén này thương lái không mua hoặc mua giá rất thấp. Sử dụng né gỗ hạn chế được kén đôi rất nhiều, không tốn công tách tằm như trước đây”- chị Lân kể.

Dẫu vậy, những lứa đầu dùng né gỗ, chỉ 30% tằm lên né, chị Lân thu được 0,5kg kén/tổ thay vì 1kg kén/tổ như hồi dùng né tre. Không nản lòng, chị Lân tìm hiểu và khắc phục được trong những lứa tằm sau đó.

Kỹ thuật nuôi tằm vậy là đã ổn, nhiệt độ nền luôn mát mẻ, hạn chế sâu bệnh, né gỗ giúp hạn chế kén đôi và tiết kiệm công lao động, chỉ còn tìm cách cải thiện giống lá dâu để nâng cao năng suất.

Cuối năm 2014, sau khi dò hỏi nhiều nơi, chị Lân được một người bạn giới thiệu giống dâu lai F7 lá to, năng suất cao. Chưa biết thực hư thế nào nhưng với mong muốn cải tạo vườn dâu hiện có, chị mạnh dạn chuyển 2 công đất sang trồng dâu lai F7.

Thật như lời giới thiệu, giống dâu mới có năng suất cao, lại rất tiết kiệm công hái. Nếu như trước đây, chị Lân phải trả 2.000 – 2.500 đồng/kg tiền công hái dâu nhưng mỗi lao động chỉ hái được 70 – 80kg/ngày thì với giống dâu mới, chị Lân chỉ phải trả 1.500 đồng/kg, trong khi một người có thể hái 180 – 200kg dâu/ngày.

“Hồi chưa có giống dâu mới, mỗi khi tằm ăn rỗi là cả nhà lại lo sốt vó, sợ không hái đủ dâu cho tằm và sợ không kiếm ra lao động để thuê. Nhưng giờ khác rồi, vợ chồng tự xoay xở được. Mỗi tháng, chỉ cần thuê thêm lao động ngoài vài ngày cao điểm”- chị Lân chia sẻ.

Giúp bà con cùng làm nghề

Sau những tháng ngày cần cù trồng cây, sẽ tới ngày hái quả. Hiện tại, với 5 công đất trồng dâu, chị quay vòng 3 lứa tằm/tháng, thu về hơn 20 triệu đồng tiền kén. Ngoài ra, cùng với 1ha vườn ổi, 3ha cà phê, tiêu và sầu riêng, vợ chồng chị Lân đủ tiền nuôi 3 con học đại học và theo đuổi những giấc mơ vươn ra thế giới. Không giữ riêng mình sự giàu có, chị Lân “nhả tơ” cho đời, giúp nhiều người cùng vươn lên.

Hiện tại, chị Lân là Tổ trưởng Tổ hợp tác Đoàn Kết, gồm các hộ nông dân trải rộng 3 thôn của xã Quảng Khê, huyện Đăk Glong. Nhiều bà con trong vùng kể về chị Lân như một người chị đáng kính.

Là người dân tộc Thái, gia đình chị Lê Thị Thúy gặp rất nhiều khó khăn khi mới chuyển đến sinh sống ở thôn 8, xã Quảng Khê. Được sự giúp đỡ của chị Lân, chị Thúy cũng đầu tư nuôi tằm kết hợp trồng cà phê và trồng xen tiêu, sầu riêng trong vườn. Ban đầu, kỹ thuật nuôi tằm có phần khó khăn với chị Thúy, gia đình lại không có điều kiện lắp hệ thống tưới nên vườn dâu khô cằn, năng suất thấp. Biết vậy, chị Lân đã đến tỉ mẩn hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc” cô gái trẻ. Đến nay, chị Thúy đã nuôi tằm đạt năng suất 45kg kén/kg tằm giống. Giá bán kén thu được từ 110.000 – 120.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, chị Thúy còn lại 5 – 6 triệu đồng, cứ thế mỗi tháng từ việc nuôi 2 hộp tằm giống, vừa đủ trang trải các khoản ăn uống, chi tiêu trong gia đình và một phần tiền học hành cho các con.

“Có lúc kẹt tiền quá, được chị Lân kêu xuống đi làm thêm, hái lá dâu, cho tằm ăn hoặc đi làm rẫy… Vừa làm vừa học kinh nghiệm để về nuôi tằm giỏi hơn”- chị Thúy vui vẻ nói.

Có thể nói, con đường từ thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đăk Nông) vào huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông) quanh co, khúc khuỷu, thế nhưng, con đường làm giàu của những người phụ nữ Tây Nguyên còn trắc trở, gập ghềnh hơn vạn lần. Song chị Chung Thị Lân đã vượt lên được tất cả những khó khăn ấy.


Theo Dân Việt

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập886
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại754,246
  • Tổng lượt truy cập93,131,910
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây