Nằm nép mình bên đầu nguồn sông Thu Bồn thơ mộng, làng Trung Phước (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) từ lâu được biết đến như là làng tỷ phú trầm hương mỹ nghệ ở Quảng Nam. Đi đến đâu trong làng Trung Phước cũng ngây ngất bởi hương thơm lan tỏa từ mùi trầm.
Các sản phẩm mỹ nghệ được tạo từ cây dó bầu (còn gọi là cây trầm hương) ở Trung Phước khá phong phú, đa dạng và không giống với bất kỳ một sản phẩm thủ công mỹ nghệ nào tạo ra từ các làng nghề khác, bởi trầm hương Trung Phước mang một phong cách, nét đặc trưng riêng.
Anh Trần Như – một thợ lâu năm ở làng trầm hương Trung Phước chia sẻ, từ những cây dó bầu bình thường, người thợ đã chế tác thành những cây trầm cảnh rất độc đáo. Đặc biệt, để tạo nên sức hút cho sản phẩm, mỗi tác phẩm được làm ra đều tốn rất nhiều công sức cũng như nhiệt huyết. Đối với với những mặt hàng cỡ lớn, những người thợ phải trải qua nhiều công đoạn cực kỳ khó từ khâu đục, đẽo, đẩy…cho đến dán ghép hình thành một tác phẩm.
Theo nhiều thợ có kinh nghiệm lâu năm ở Trung Phước, ngoài thời gian trồng, rồi sinh trưởng cho cây dó bầu lớn lên khá dài, sau đó là thời gian tạo trầm cho cây và công đoạn tạo hình, dán ghép cũng tốn thời gian, công sức và tỉ mỉ từng tí mới có được một sản phẩm trầm hương mỹ thuật ưng ý.
Một chủ cơ sở trầm mỹ nghệ lớn ở Trung Phước chia sẻ, muốn làm nên những sản phẩm độc đáo, người thợ không những giỏi về nghề mà còn phải có sự đam mê, lòng kiên trì và có mắt thẩm mỹ.
Ông Nguyễn Văn Hai - Chủ tịch UBND xã Quế Trung (Nông Sơn, Quảng Nam) cho biết, nghề trầm mỹ nghệ ở Trung Phước phát triển gần 20 năm qua và thời kỳ thịnh vượng nhất bắt đầu từ năm 2010 đến nay. Đặc biệt là những năm 2011-2012, nhiều hộ dân hay các chủ cơ sở ở Trung Phước tự làm các sản phẩm trầm mỹ nghệ từ trầm hương rồi đưa sang Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… để bán. Thị trường trầm phát triển mạnh, nên từ một vài hộ ban đầu đã phát triển lên đến hàng trăm hộ tham gia.
Một đại gia (xin được giấu tên) ở làng Trung Phước chia sẻ, những năm trước đây, doanh nghiệp của anh mỗi năm doanh số bán ra lên đến hàng chục tỷ đồng và lợi nhuận khá lớn. Hiện nay, cơ sở của anh giải quyết mấy chục lao động, với mức thu nhập trung bình 7 - 8 triệu đồng/người/tháng, có những thợ tay nghề cao thu nhập cả chục triệu/tháng.
Nghề trầm hương mỹ nghệ không chỉ giúp cho người dân nơi đây vươn lên thoát nghèo và làm giàu, mà còn tạo công ăn việc làm cho gần 500 trăm lao động ở địa phương…