Mở hướng làm ăn liên kết
Hiệu quả nhất có lẻ phải kể đến HTX dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Tân Cường (xã Phú Cường, huyện Tam Nông). Những năm đầu thành lập, HTX chỉ phát triển dịch vụ bơm tưới, với vốn điều lệ chỉ 650 triệu đồng. Dần về sau, HTX đã phát triển thêm nhiều dịch vụ mới như: cung cấp nước sinh hoạt, vật tư nông nghiệp, tín dụng nội bộ... Từ việc phát triển đa dịch vụ này, nông dân càng yên tâm khi tham gia HTX, từ đó số xã viên cũng không ngừng tăng lên, từ vài chục xã viên ban đầu, đến nay HTX có 385 hộ tham gia.
Hiện nay, HTX DVNN Tân Cường quản lý 9 dịch vụ, phục vụ sản xuất cho khoảng 2.000ha diện tích. Trong năm 2014, HTX tổ chức Đại hội bất thường chuyển đổi hoạt động của đơn vị theo Luật HTX năm 2012. Dịp này, HTX cũng xây dựng phương án thành lập Xí nghiệp chế biến lúa gạo và cung ứng vật tư nông nghiệp, mở rộng thêm dịch vụ sấy, bảo quản và chế biến lúa gạo với diện tích mặt bằng xây dựng 11.525m2 và tăng vốn điều lệ từ 650 triệu đồng lên 42 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Văn Trãi - Giám đốc HTX DVNN Tân Cường, với mô hình này, việc mua bán sẽ diễn ra ngày càng bài bản hơn, dần hình thành điểm giao dịch lúa gạo. Từ đây, nông dân được tham gia thị trường và nắm rõ chất lượng nông sản mình làm ra, từ đó chú ý hơn đến việc tổ chức lại sản xuất, cải tiến biện pháp canh tác để bán được giá cao hơn...
“Mục tiêu của HTX là nâng cao hơn nữa lợi nhuận cho người trồng lúa bằng cách rút ngắn khoảng cách từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, giảm thất thoát sau thu hoạch... HTX đã và đang xây dựng mô hình cánh đồng VietGAP sản xuất lúa theo quy trình sạch, trong đó có cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ (nếu nông dân có nhu cầu). Tin rằng với hướng làm ăn mới này, HTX sẽ góp phần đảm bảo hơn lợi ích cho xã viên thông qua việc giảm giá thành sản xuất” - ông Trãi tâm sự. Đặt niềm tin vào cách thức hoạt động của HTX, ông Trần Văn Hướng - xã viên HTX cho hay: “Ngoài chuyện được cung cấp các dịch vụ bơm tưới, vay vốn, cung cấp giống, vật tư nông nghiệp, bao tiêu lúa..., tham gia vào HTX nông dân còn được hỗ trợ kỹ thuật canh tác từ lúc chọn giống, gieo sạ đến thu hoạch nên chúng tôi cảm thấy yên tâm...”.
Mỗi hộ có đất đều là thành viên HTX
Cũng là một HTX nông nghiệp đa dịch vụ, nhưng HTX nông nghiệp Tân Bình (huyện Thanh Bình) còn được biết đến là một HTX với quy mô toàn xã, tức mỗi hộ có đất tại xã đều là thành viên của HTX và tham gia góp vốn 100%. Ông Phan Công Chính - Giám đốc HTX Tân Bình cho biết, HTX Tân Bình thành lập năm 2003 - là HTX hợp nhất của 3 HTX quy mô nhỏ trong xã lại với nhau. Sau những năm đầu thành lập, HTX cùng với các cấp chính quyền vận động toàn thể nhân dân tham gia để được hưởng các dịch vụ tại HTX. Thấy được lợi ích của việc làm ăn tập thể nên các hộ tích cực tham gia. Tính đến nay, trong tổng số 1.700 hộ trong xã, thì 1.034 hộ có đất đều là thành viên HTX.
Cùng với việc phát triển thêm các ngành nghề phục vụ lợi ích thiết thực cho xã viên, năm 2012, HTX sáp nhập thêm 1 tổ hợp tác, nâng số diện tích canh tác tại HTX lên từ 680ha lên 723ha, với số hộ thành viên là 1.189. Năm 2014, với sự tài trợ của ACB về Dự án cạnh tranh nông nghiệp, HTX đã xây dựng kho 1.000 tấn, lò sấy với công suất 40 tấn/lần sấy, phát triển thêm dịch vụ tạm trữ, sấy lúa cho xã viên. Tính chung đến nay, HTX có 8 dịch vụ sản xuất cung ứng đầy đủ các yêu cầu thiết thực cho xã viên toàn xã gồm: bơm tưới, làm đất, mua bán vật tư nông nghiệp, hỗ trợ vốn, máy cắt, giống, nước sạch, tạm trữ và tiêu thụ lúa... Doanh thu hàng năm của HTX khoảng 10 – 12 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
Ngoài các dịch vụ trên, để hỗ trợ xã viên khó khăn, HTX còn hỗ trợ vốn cho xã viên phát triển sản xuất, hạn chế đến mức thấp nhất số xã viên HTX không có vốn hoạt động. Theo ông Phạm Công Chính, hiện HTX chưa đủ năng lực để phát triển lên dịch vụ tín dụng nội bộ mà chỉ hỗ trợ vốn cho những hộ khó khăn có đủ điều kiện sản xuất nhằm giúp xã viên yên tâm hoạt động. Anh Nguyễn Thanh Phương - xã viên HTX Tân Bình cho hay: Những dịch vụ thiết thực như thế này là động lực rất lớn cho xã viên gắn bó hơn với HTX, không những hiện tại mà là nhiều năm sau nữa...”.
Có thể nói, hiệu quả từ các hoạt động dịch vụ hỗ trợ xã viên của HTX góp phần tạo đà cho HTX phát triển bền vững. Đây cũng được xem là kim chỉ nam cho các HTX thành lập mới. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hợp tác trên tinh thần tự nguyện giữa nông dân, thành viên HTX. Cụ thể như mô hình chuyển đổi đất trong dòng tộc, nông dân, thành viên HTX để cho HTX thuê đất; mô hình hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp cung cấp giống, vật tư, nguyên liệu đầu vào nhằm giúp người sản xuất tiết giảm chi phí; liên kết với các doanh nghiệp thu mua, bảo quản, chế biến... Đây được xem là những tín hiệu vui, tạo đà cho bước khởi đầu trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh.
(còn tiếp)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã