Tiếp chúng tôi tại xưởng mộc, anh Trần Đức Thịnh (25 tuổi, trú thôn 6, Gio Hải, Gio Linh) rạng rỡ nụ cười. Thịnh kể, là dân vùng bãi ngang nghèo khó, nhận thấy học xong khó có việc làm nên anh sớm rời ghế nhà trường để cùng bố ra biển trên con tàu nhỏ 9CV. Mỗi ngày bố con Thịnh có thu nhập 200.000 - 400.000 đồng, cuộc sống khá ổn định.
Mô hình nuôi cá vược, cá hồng của Lê Văn Công (khu phố 4, thị trấn Cửa Việt, Gio Linh) có tiềm năng kinh tế cao. Ảnh: N.V
Thế nhưng, sự cố môi trường biển hồi tháng 4.2016 đã ảnh hưởng nghề biển của gia đình Thịnh. Tàu nằm bờ thời gian dài, tất cả mọi người đều đau đầu tìm kế mưu sinh. Riêng Thịnh chọn đi học nghề mộc ở một thợ lành nghề người cùng huyện.
Thông minh, nhanh nhẹn lại chăm chỉ nên Thịnh sớm ra nghề. Đầu năm 2017, Thịnh vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gio Linh, bà con, anh em được 150 triệu đồng để mở xưởng mộc. Sản phẩm của Thịnh là tất cả những thứ như bàn ghế, tủ, giường… cần thiết cho một ngôi nhà. Là thợ có uy tín nên Thịnh nhận được nhiều đơn hàng, việc làm không xuể. Trung bình mỗi tháng Thịnh thu nhập 6 triệu đồng, dịp cận tết còn cao hơn nhiều. “Mình mong muốn ngân hàng, các đoàn thể cho mình vay thêm vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất” – Thịnh nói.
Anh Bùi Xuân Tùng (35 tuổi, trú thôn 7, xã Gio Hải, huyện Gio Linh) được thừa hưởng nghề sản xuất nước mắm truyền thống của mẹ. Hiện nay, anh Tùng tiếp tục sản xuất nước mắm và nuôi thêm lợn, trồng đậu… Anh cho biết, gia đình đã sản xuất những giọt nước mắm thơm ngon hơn 20 năm nay. Sự cố môi trường biển đã khiến gia đình anh gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ nước mắm. Trước đây, bình quân mỗi năm gia đình anh Thịnh bán ra 30.000 - 50.000 lít nước mắm. Nhưng từ khi sự cố môi trường biển xảy ra, gia đình anh chỉ bán chưa được phân nửa, kinh tế gặp khó.
Rất may, môi trường biển đang dần được hồi sinh, người dân đã bắt đầu sử dụng hải sản và các sản phẩm từ biển nên sản xuất và tiêu thụ nước mắm gia đình anh Thịnh cũng dần tốt lên.
Ở cửa biển Cửa Việt (Gio Linh), mô hình nuôi cá vược, cá hồng đang được nhân rộng, rất có tiềm năng kinh tế. Để có được điều đó phải kể đến công sức của chàng thanh niên trẻ Lê Văn Công (28 tuổi, ở khu phố 4, thị trấn Cửa Việt, Gio Linh). Sau sự cố môi trường biển, với ước mơ làm giàu, Công bỏ mức lương 9 triệu đồng ở công ty xây dựng về mở ra mô hình nuôi cá vược, cá hồng đầu tiên ở Quảng Trị. Đầu năm 2017, Công tiếp tục thả 8.000 con cá giống trong 4 lồng. Hiện nay cá đã ở tháng thứ 4 và dự kiến tháng 9 tới sẽ cho thu hoạch với tổng sản lượng 7 tấn. Nếu giá bán bình quân 120.000 đồng/kg, anh có lãi 200 triệu đồng.
Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, những mô hình nông nghiệp của thanh niên vùng biển không những mang đến động lực cho người dân cùng cố gắng chuyển đổi sinh kế, khôi phục đời sống sau sự cố môi trường biển, mà còn góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Theo Ngọc Vũ/Dân Việt.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã