Quê ở miền Bắc, vợ chồng ông Nghĩa đều đã cống hiến tuổi xuân cho cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước. Hoà bình, đôi vợ chồng thương binh ở lại mảnh đất biên giới Tây Ninh để xây dựng quê hương thứ hai.
Phía sau nhà ông Nghĩa (ấp 3, xã Suối Dây) là dãy hàng rào đang nuôi nhốt đàn chó khoảng 25 con. Ông Nghĩa, năm nay 62 tuổi, còn vợ ông là bà Nguyễn Thị Khiêm cũng đã 65 tuổi. Trở về cuộc sống đời thường, đôi vợ chồng này kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau, như đánh bắt cá trong hồ Dầu Tiếng, nuôi heo, nuôi cá trê, trồng vườn cây ăn trái, mở quán bán cà phê…
Nghề nuôi chó đến với đôi vợ chồng thương binh này một cách rất tình cờ. Những năm trước đây, ông Nghĩa có nuôi 3 con chó cái để chúng giữ nhà, giữ quán. Hằng năm, các con chó này đều sinh ra những lứa cho con. Khi các chú chó con này lớn lên, có một số thương lái đến hỏi mua về bán lại cho những quán thịt cầy.
Thấy để chúng nhiều chật nhà, tốn kém nhiều thức ăn, vợ chồng ông Nghĩa kêu thương lái đến bán bớt. Cứ thế, dần dần vợ chồng ông nhận ra, nuôi chó không cần nhiều vốn, dễ chăm sóc, dễ bán và có lãi nhiều hơn so với nuôi heo.
Nhận thấy đa phần các quán “cầy tơ” đều tiêu thụ chó nhà do kẻ trộm đánh bả thuốc, dẫn đến người ăn có nguy cơ ngộ độc, vợ chồng ông Nghĩa quyết định đổi sang nuôi chó “sạch” để cung cấp cho thị trường.
Bà Khiêm cho đàn chó ăn bữa trưa. Những chú chó này nuôi khoảng 2 tháng nữa là có thể xuất chuồng.
Nghĩ là làm, năm 2014, vợ chồng ông Nghĩa bắt đầu giữ lại đàn chó con của mình để nuôi làm chó giống. Đồng thời, ông bà đi tìm mua thêm một số con chó khác có thân hình cao to, khỏe mạnh đem về phối giống, lai tạo với đàn chó ở nhà, để cải thiện hình thể và tránh bị trùng huyết thống.
Vợ chồng ông Nghĩa cũng dành hẳn một phần đất rộng khoảng một công ở phía sau nhà để làm nơi nuôi chó. Ông cất cho chúng một căn nhà vách ván, lợp tôn, trồng một số cây sanh để tạo bóng mát, dùng lưới B40 rào bao bọc lại quanh chuồng.
Mỗi ngày, bà Khiêm nấu một nồi cháo cho đàn chó, trong đó có vài ký cá tạp và thỉnh thoảng cho vào mấy trứng gà thối để tạo thêm dinh dưỡng cho chúng. Hằng ngày, bà cho đàn chó ăn 3 lần vào các buổi sáng, trưa, chiều.
Từ những chú chó con, trung bình, bà nuôi đến khoảng 3 tháng là xuất chuồng. Mỗi lần bán ra được hơn 30 con. Mỗi chú chó khi giao cho thương lái có trọng lượng từ 10 - 14 kg. Giá thương lái thu mua hiện nay 50.000 đồng/kg, như vậy mỗi con bán được từ 500.000 - 700.000 đồng. Năm 2014, có thời điểm đàn chó của gia đình bà lên đến 45 con.
Nếu chỉ tính giá bán ra thấp nhất 500.000 đồng/kg và số lượng bán 30 con/lần, thì mỗi đợt "thanh lý" đàn chó, vợ chồng ông Nghĩa cầm chắc trong tay 15 triệu đồng. Trung bình mỗi năm gia đình này thu nhập khoảng 60 triệu đồng từ nghề nuôi chó.
Theo bà Khiêm, "So với nuôi heo, nuôi chó dễ hơn và cũng không lo đầu ra. Ngày nào cũng có hai đến ba thương lái đến tận nhà hỏi mua. Các chú chó này được cung cấp về huyện Châu Thành và về TP. Hồ Chí Minh- nơi có nhu cầu tiêu thụ thịt chó khá cao".
Ngoài việc nuôi chó sinh sản tại nhà, vợ chồng ông Nghĩa còn thu mua những đàn chó con của người dân trong xóm. Bà Khiêm khoe: "Vừa rồi, tôi mới mua được 3 con chó kiểng nhỏ rất đẹp với giá 300.000 đồng/con. Ngày hôm sau có người đến mua lại với giá 500.000 đồng/con".
Thấy nghề này có thể kiếm sống được, vợ chồng ông Nghĩa đầu tư kinh phí, xây dựng một trang trại để tăng số lượng bầy đàn lên. Hiện nay, vợ chồng ông Nghĩa đang xây dựng dang dở 14 chuồng chó. Mỗi chuồng có diện tích 500 mét vuông, đều lợp tôn, xây tường kiên cố. Trong đó, 30% diện tích được che kín để chó trú mưa, trú nắng, còn 20% diện tích còn lại để "hở", có sân nắng cho chúng chơi đùa, vận động.
Ông Nghĩa cho biết: "Đặc biệt, trên nền của các chuồng chó này tôi trải một lớp đệm sinh học, gồm mạt cưa, trấu trộn với phân vi sinh, để chó tiểu tiện lên đó, không bị hôi thối. Sau thời gian khoảng một năm, tôi lấy lớp đệm sinh học này ra bón cho vườn cây ăn trái hoặc bán cho nông dân dùng để bón ruộng, vườn".
Khi biết được nghề nuôi chó kinh doanh như thế này, tôi có một chút băn khoăn: chó là loài vật trung thành, dễ thương, sống có tình, có nghĩa với con người, vì vậy có nhiều người kiên quyết không ăn thịt chó và càng ít người nuôi chó để kinh doanh.
Đem điều tế nhị này trao đổi với vợ chồng ông Nghĩa thì được vợ chồng ông chia sẻ: Chúng tôi cũng từng có suy nghĩ như thế, nhưng tính suy đi nghĩ lại thấy hiện tại nhu cầu thưởng thức thịt chó trên thị trường hiện nay ngày càng cao và có không ít trường hợp dân nhậu bị ngộ độc do ăn trúng phải thịt chó bị bọn "cẩu tặc" đánh bả. Vì vậy, nuôi chó "sạch" để cung cấp cho thị trường cũng là một việc góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người tiêu dùng.
Theo Báo Tây Ninh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã