Trang trại lợn của anh Sáng
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, thay vì lựa chọn con đường học đại học như nhiều bạn bè cùng trang lứa, anh Lê Công Minh Sáng lại ấp ủ ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Trước khi bắt đầu nuôi lợn thịt, anh Sáng đã trải qua khá nhiều công việc trồng trọt và chăn nuôi. Từ năm 2010 anh bắt đầu trồng 1,5ha mía, nuôi 400 con gà thịt... nhưng đều không mang lại hiệu quả cao. Đến tháng 11/2014, sau khi học hỏi nhiều mô hình chăn nuôi lợn, anh mạnh dạn làm theo. Trang trại của anh chia thành hai khu chuồng lớn, mỗi chuồng bao gồm 600 con, gồm nhiều ô nuôi. Chuồng trại được đầu tư hệ thống chiếu sáng, sưởi ấm, quạt thông gió và cửa sổ để thích nghi với các điều kiện thời tiết khác nhau. Chất thải được xử lý bằng men tiêu hóa, hố lắng và hầm biogas.
Hàng ngày, anh Sáng đổ thức ăn là cám hỗn hợp vào máng hai lần để lợn ăn. Nhiệt độ trong chuồng luôn được kiểm soát ở mức 26oC. Đàn lợn được tiêm phòng đầy đủ 4 đợt sau 7, 35, 50 và 70 ngày, lần lượt tiêm các loại kháng sinh phòng chống bệnh suyễn, dịch tả, lở mồm long móng và bệnh tai xanh.
Anh Sáng cho biết thêm, vào giai đoạn chuyển mùa, lợn thường gặp các bệnh về đường tiêu hóa do thời tiết thay đổi, do đó cần kiểm soát nhiệt độ trong chuồng nuôi được ổn định và chú ý bổ sung thêm vitamin vào thức ăn để lợn tăng sức đề kháng.
Sau bốn tháng nuôi, đàn lợn của anh Sáng xuất chuồng khi đạt trọng lượng 100 - 120 kg/con, trừ chi phí còn lãi hàng chục triệu đồng.
Chia sẻ về thành quả lao động của mình anh Sáng cho hay: “Chăn nuôi là một công việc không chỉ yêu cầu sự cần cù mà còn đòi hỏi cả kỹ thuật cao. Không ngừng học hỏi và áp dụng kỹ thuật chăn nuôi khoa học là yếu tố sống còn mà tôi đã rút ra sau nhiều lần thất bại”.
Hiện nông dân trẻ Lê Công Minh Sáng đang chuẩn bị xây dựng thêm một trại nuôi lợn mới với quy mô 600 con. Anh cũng đang ấp ủ dự định trồng cỏ nuôi bò sữa để tận dụng nguồn chất thải chăn nuôi lợn vào năm tới.
Theo Hà Lan/nongnghiep.vn