Nông sản ở các tỉnh được tiêu thụ tại Thủ đô. Ảnh: Thùy Linh |
Hà Nội là một trong những thành phố có nhu cầu lớn nhất cả nước về lương thực, thực phẩm. Ngoài 10 triệu người đang cư trú thường xuyên, trung bình hàng năm Hà Nội còn đón thêm khoảng 20 triệu lượt du khách. Tuy nhiên, nguồn cung cấp thực phẩm tại chỗ mới đáp ứng khoảng từ 40%-60% nhu cầu.
Hiện, sản phẩm gạo mới đáp ứng 35% nhu cầu thị trường, thịt bò 15%, thủy hải sản 5%, trứng gia cầm 66%, thực phẩm chế biến 25%, rau củ 65% và trái cây an toàn, truy xuất nguồn gốc 30%. Do đó, Hà Nội phải nhập lượng lớn nông sản từ các tỉnh.
Mặt khác, do điều kiện thời tiết nên sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội chỉ được cung cấp theo mùa. Vì vậy, để đa dạng hóa sản phẩm và đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng, Hà Nội rất cần mở rộng hợp tác liên kết với các tỉnh, thành để đưa nông sản sạch về tiêu thụ.
Tính đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với 21 tỉnh, thành phố phía Bắc trong xây dựng, phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt bảo đảm an toàn thực phẩm tiêu thụ trên địa bàn Thủ đô. Hiện, tổng số chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của các tỉnh, thành phố đã xây dựng là 377 chuỗi.
Nhiều tỉnh, thành phố đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; thúc đẩy nông dân, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất những mặt hàng nông sản cung cấp cho thị trường Hà Nội như: Chuỗi sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh Sơn La, chuỗi thịt gà DaBaCo Bắc Ninh, chuỗi thịt lợn Hòa Bình... Mỗi năm có lượng lớn rau, củ, quả được chuyển về Hà Nội như tỉnh Tuyên Quang mỗi năm tiêu thụ cam sành Hàm Yên hơn 600 tấn, chè gần 2 tấn, mật ong hơn 6.000 lít;...
Tuy nhiên, việc kết nối nông sản ở các tỉnh, thành phố với Hà Nội vẫn còn khó khăn do một số sở NN&PTNT tỉnh, thành phố chưa xây dựng được kế hoạch chương trình hợp tác đối với từng lĩnh vực hằng năm. Việc thu hút các doanh nghiệp của thành phố đầu tư vào lĩnh vực chế biến, chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp chưa phát triển...
Cần cơ chế đặc thù để hỗ trợ xây dựng chuỗi
Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, trong thời gian tới, để có nhiều mặt hàng nông sản của các tỉnh, thành phố đưa về Thủ đô tiêu thụ, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp lấy mẫu giám sát chất lượng nông sản của các tỉnh đưa về Hà Nội và Hà Nội đi các tỉnh nhằm truy xuất nguồn gốc.
Đồng thời, ký kết các chương trình hợp tác về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm với các tỉnh, thành phố có nhiều mặt hàng cung cấp về Hà Nội, nhất là khu vực miền Trung, miền Nam.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, Hà Nội sẽ hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nhằm kiểm soát chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, điều tiết lợi ích giữa các khâu trong chuỗi liên kết. Ngoài ra là tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực chế biến, liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Cùng với đó, để thúc đẩy sản xuất theo chuỗi, ông Tường kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm ban hành cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ xây dựng chuỗi. Trong đó, các chính sách phải được tập trung đều ở các khâu sản xuất, sơ chế, chế biến và thương mại, tiêu thụ sản phẩm, nhằm khuyến khích các tác nhân tham gia phát triển chuỗi.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã