Học tập đạo đức HCM

TPHCM chung sức xây dựng nông thôn mới Bài 1: Rủ nhau làm giàu

Chủ nhật - 23/08/2015 20:46
LTS: Nghị quyết Đại hội lần thứ IX Đảng bộ TPHCM (nhiệm kỳ 2010 - 2015) đưa Chương trình xây dựng nông thôn mới là một trong 18 chỉ tiêu chủ yếu, với yêu cầu: “Xây dựng mô hình nông thôn mới xã hội chủ nghĩa văn minh, giàu đẹp, kinh tế phát triển và giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường”. Rất nhiều những cách làm hay, những điểm sáng về huy động sức dân và nguồn lực xã hội vào thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã được thực hiện tại 56 xã thuộc 5 huyện ngoại thành TPHCM. Báo SGGP xin được giới thiệu loạt bài “TPHCM chung sức xây dựng nông thôn mới”, nhìn lại một cách khái quát sự chuyển biến trên nhiều lĩnh vực của nông thôn ngoại thành TPHCM hiện nay từ kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới những năm qua…

Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các tiêu chí về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo (tiêu chí 10 đến 13) được nhiều địa phương chọn là trọng tâm, trọng điểm để tổ chức thực hiện với những cách làm sáng tạo, gắn với mục tiêu phát triển nông thôn đô thị theo hướng hiệu quả, bền vững…

Ai bảo chăn… bò là khổ?

Đặt cây bút trên bàn, vo tròn tờ giấy đã viết được vài dòng “Giấy thỏa thuận sang đất…”, ông Ba Thống gằn giọng khi thấy bà Lài - vợ ông - đứng cạnh chăm chú theo dõi: “Bán đất nữa lấy gì sống?”. “Bán có tiền bỏ vào chuyện khác cũng làm ra tiền sống vậy”, bà Lài cãi lại. Ông Thống đứng dậy, bỏ qua nhà ông Út Mót ngồi than: “Làm ăn giờ khó quá, vợ con cứ đòi bán đất mua xe, sửa nhà và làm chuyện khác, không chăn nuôi, trồng trọt gì nữa”. Nghe vậy, ông Út Mót góp ý: “Nuôi bò như tôi đi. Cứ để đất đó trồng cỏ, làm chuồng nuôi bò sữa, hổng sợ mất đất mà vẫn có chuyện làm sinh lợi”. Thấy cũng ham, nhưng ông Thống chưa dám làm ngay vì vợ con chưa nguôi chuyện bán đất. Hơn 1 tháng sau, khi có kinh nghiệm từ ông Út Mót và một số hộ dân trong ấp đã tham gia Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất Chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội (gọi tắt là HTX), ông Thống mới dám đưa ra bàn với vợ con. “Nhưng cũng phải cả năm trời, khi 2 con bò lúc đầu cho sữa và thu tiền được hàng ngày từ bán sữa, mấy mẹ con bà ấy mới cho tui tăng đàn lên 8, 10, rồi hơn 20 con như bây giờ…”, ông Thống kể.
 

Cán bộ khuyến nông xã Tân Kiên (trái) trao đổi kinh nghiệm trồng hoa lan tại vườn kiểng Kiều Lương Hồng

Theo ông Nguyễn Minh Khánh, Chủ nhiệm HTX, hơn 5 năm trước, không ít hộ trong xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) đấu tranh gay gắt chuyện làm ăn theo mô hình nuôi bò sữa như ông Thống. Lúc đầu chỉ có vài hộ tham gia HTX, vì ai cũng sợ mất vốn. Phương thức làm ăn mới mà HTX đưa ra là lấy vốn góp của xã viên (từ 5 đến 30 triệu đồng mỗi hộ) tổ chức dịch vụ, thương mại, sản xuất. Phần lời được tính thẳng vào con giống, thức ăn, dịch vụ thú y… cho xã viên theo mức giảm từ 5% đến 7% so với thị trường. Hàng ngày, HTX nhận sữa của xã viên rồi giao thẳng cho nhà máy theo kiểu mua tận gốc, bán tận ngọn. Ông Khánh nhẩm tính, vốn góp của 85 xã viên sau nhiều năm vẫn được giữ nguyên với giá trị hơn 5 tỷ đồng, tổng đàn bò đã tăng lên 5.000 con. Nói về hướng làm ăn thời gian tới, ông Khánh mở tấm bản đồ thửa đất gần 10.000m2 của HTX và bản vẽ thiết kế ra, nói: “Đây là dự án nhà máy sữa trị giá gần 30 tỷ đồng đang được triển khai, trong đó gần một nửa là vốn góp của xã viên. Giai đoạn 1, nhà máy sản xuất 5 sản phẩm mang nhãn hiệu Sữa bò Củ Chi cung cấp cho thị trường toàn thành phố. Như vậy, quy trình nuôi bò sữa của xã viên sẽ khép kín với giá trị lợi nhuận tăng lên và đây được coi là mô hình nhà máy trong HTX, với quy mô lớn nhất cả nước hiện nay”.

Đến xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh) hỏi vườn kiểng Kiều Công Hầu thì ai cũng biết, vì năm nào dịp Hội hoa xuân của huyện và thành phố, nhiều loại hoa, cây kiểng của cơ sở này đưa đi thi đều có giải thưởng mang về. Thế nhưng, ít ai biết được 5 năm trước nghệ nhân Kiều Công Hầu - chủ vườn kiểng - là thợ sửa chữa điện tử. Dẫn chúng tôi tham quan vườn kiểng hơn 4 công đất (1.000 m2/ công), ông Hầu nói: “Trước có mấy công đất cha mẹ cho, bán lấy vốn làm ăn rồi cũng mất luôn. Từ ngày ông chú chỉ cho nghề trồng hoa kiểng, tui bắt đầu khá lên rồi mua lại đám đất này trồng mai vàng, sứ Thái, sứ Đại, lan Mokara… Tổng cộng vườn cây kiểng này gần 2.000 gốc, trong đó có hơn 1.000 cây lan, tuần nào cũng cắt bán được gần 10 triệu đồng. Cuối năm, tiền bán mai và cây kiểng thu về hơn 1 tỷ đồng, coi như lãi ròng…”.

Người chú nghệ nhân Hầu đã giúp chuyển hướng làm ăn là ông Kiều Lương Hồng, chủ vườn lan Kiều Lương Hồng nổi tiếng khắp vùng. Nghệ nhân nổi danh này được người dân xã Tân Kiên gọi thân mật là “chú Ba Hồng”. Thực ra, gia đình chú Ba Hồng giàu từ hoa kiểng mấy chục năm nay rồi. Nhưng tiếng tăm của ông càng nổi hơn khi có Chương trình xây dựng nông thôn mới, ông đứng ra nhận mở rộng mô hình hoa kiểng và hướng dẫn làm ăn cho nhiều hộ dân trong xã. Nhờ vậy, như đánh giá của Chủ tịch UBND xã Tân Kiên Nguyễn Thị Hương Thảo, đã góp phần giải quyết việc làm và nâng mức sống khá giả cho hàng trăm hộ dân. Để minh chứng cho điều này, bà Thảo đưa ra con số hộ nghèo và hộ cận nghèo theo tiêu chí 10 hiện chỉ còn xấp xỉ 1%, chính thức đưa Tân Kiên ra khỏi xã nghèo của huyện Bình Chánh theo xếp hạng từ trước khi xây dựng nông thôn mới.

Kết quả đẹp từ con cá sấu

Xã Nhị Bình (huyện Hóc Môn) có địa hình bao quanh bởi sông Sài Gòn, con nước lên xuống theo mùa, theo giờ mỗi ngày. Lợi dụng ưu thế thiên nhiên này, khi triển khai thực hiện tiêu chí 13 về hình thức tổ chức sản xuất theo mô hình phát triển nông thôn mới, UBND xã đã tập trung nguồn lực, hỗ trợ để một số hộ có kinh nghiệm, có đất ven sông, có vốn hợp tác mở HTX Cá sấu giống Nam bộ. Chỉ sau 3 năm, tiếng tăm, uy tín và tầm hoạt động của HTX được mở ra khắp các tỉnh thành trong khu vực, cung cấp cá sấu giống cho cả miền Nam.
 

Đàn cá sấu của HTX Cá sấu giống Nam bộ

Xuống thăm cơ sở của HTX, cả Chủ tịch HĐQT - người sáng lập HTX - Nguyễn Ngọc Điệp và Giám đốc Tôn Thất Hưng đều đi vắng, người thì xuống tận Cà Mau, người ra Khánh Hòa để giao giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá sấu, chỉ còn kế toán Hồng Nhân ở nhà lo công việc của HTX. Chị Nhân kể: “Lúc đầu gian nan, khó khăn lắm. Nhờ hỗ trợ từ Chương trình nông thôn mới, HTX đã tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, rồi kỹ thuật, lao động… Lúc đầu chỉ có 29 xã viên tham gia góp vốn, người ít vài ba chục triệu, người nhiều vài trăm triệu đồng, sau tăng xã viên, tăng vốn, đến thời điểm hiện nay thì giá trị tài sản là hơn 5 tỷ đồng”. Dẫn chúng tôi tham quan một vòng khu sản xuất của trại, chị Nhân chỉ vào đàn cá sấu hơn 400 con đang nằm dưới hồ, nói: “Vốn của xã viên nằm hết ở đó. Hiện có 293 con là cái, khoảng 200 con đang trong thời kỳ sinh sản. Mỗi năm, đàn sấu đẻ 3 đợt và chỉ có 40% trong số hơn 6.000 trứng đẻ ra nở thành con, tương đương với hơn 2.000 cá sấu con. Được cái cá sấu con dễ nuôi, ít bệnh, ít tốn thức ăn và chỉ 2 tháng là xuất đàn”. Nhẩm tính con số mà chị Nhân đưa ra, giá bán cá giống bình quân từ 730.000 - 800.000 đồng/con, mỗi năm HTX thu về hơn 2 tỷ đồng, trong khi chi phí chưa đến 30%. Cái được lớn nhất từ mô hình sản xuất này như đánh giá của Chủ tịch UBND xã Nhị Bình Trần Văn Chiến, đó là không chỉ thu được lợi nhuận mà còn là phương thức hợp tác mới được định hình và mở rộng ra nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác cùng phát triển, thu hút vốn, kỹ thuật, lao động trên địa bàn. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế, tạo cơ hội cho nhiều người dân làm giàu và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.

Cũng ở tiêu chí 13 về phát triển hình thức tổ chức sản xuất, ở địa bàn các xã của huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh hiện có hơn 300 mô hình hợp tác với đa dạng ngành nghề, tính chất, quy mô…, thu hút một lượng rất lớn vốn và nguồn lực của xã hội. Đây là yếu tố được Bí thư Huyện ủy huyện Củ Chi Lê Minh Tấn gọi là “cực kỳ quan trọng”, góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách làm giàu của nông dân ngoại thành. Qua đó, giúp cho các địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, giàu đẹp và phát triển.

“Nhờ chuyển hướng làm ăn theo mô hình mới, cơ cấu kinh tế nông nghiệp của TPHCM chuyển dần theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, tăng tỷ trọng chăn nuôi; các hoạt động dịch vụ, ngành nghề nông thôn phát triển; diện tích cây trồng, vật nuôi hiệu quả cao, đã góp phần nâng giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất canh tác từ 158,5 triệu đồng/ha/năm (năm 2010) lên 325 triệu đồng/ha/năm (hiện nay gấp hơn 2 lần). 5 năm qua đã có 4.178 đề án phát triển nông nghiệp được phê duyệt với tổng vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, trong đó hơn một nửa là nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ cho người dân vay ưu đãi để phát triển và làm giàu…”.

(Nguồn: Ban Chỉ đạo Thành ủy TPHCM về Chương trình xây dựng nông thôn mới).

Bài 2: Bức tranh sinh động

HOÀI NAM

theo sggp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập530
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm529
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại847,312
  • Tổng lượt truy cập92,021,041
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây