Học tập đạo đức HCM

Tôm sinh thái Cà Mau

Thứ tư - 13/06/2018 04:20
Tuy mới phát triển trong những năm gần đây, nhưng loại hình nuôi tôm sinh thái, thuộc Dự án “Phục hồi rừng ngập mặn, dựa vào nuôi tôm bền vững và giảm phát thải" (Dự án MAM) do tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) thực hiện tại Cà Mau, bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế cao, được người dân đồng tình hưởng ứng.
Tỷ lệ rừng bao phủ từ loại hình nuôi tôm sinh thái chiếm tỷ lệ từ 50% diện tích trồng rừng trở lên

Dự án MAM được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Cà Mau vào năm 2013. Với mục đích hỗ trợ trồng và phát triển rừng ngập mặn thông qua chứng nhận tôm sinh thái (chất lượng tôm sạch) mang lại giá trị cho tôm nuôi và duy trì ít nhất 50% diện tích rừng bao phủ. Theo đó, toàn tỉnh Cà Mau có hơn 70.000ha rừng ngập mặn, trong đó có 30.000ha nuôi tôm dưới tán rừng. Hiện có 14.000ha được công nhận nuôi tôm sinh thái. Đây là chiến lược phát triển để nâng cao vị thế tôm Cà Mau, cũng như tôm Việt Nam, từng bước tạo dựng thương hiệu tôm sạch, vươn xa thị trường thế giới.  

Chi phí thấp, ổn định đầu ra

Theo nhiều nông dân trên địa bàn huyện Ngọc Hiển, việc nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ít tốn chi phí, do hình thức nuôi không sử dụng thức ăn, tôm phát triển tự nhiên dưới tán rừng và tận dụng thức ăn có sẵn từ hệ sinh thái rừng tạo ra. Tôm khỏe mạnh, sạch bệnh, đạt yêu cầu về chuẩn chất lượng theo quy định của Dự án MAM đặt ra cho toàn vùng nuôi.

Ông Hà Hữu Lợi, 54 tuổi, ngụ xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, phấn khởi: “Nhờ áp dụng nuôi tôm theo mô hình này mà gia đình tôi hiện nay đã ổn định được cuộc sống. Giá tôm nuôi từ mô hình này luôn được thu mua cao hơn mức giá thị trường”.

Cũng theo ông Lợi, điểm đặc biệt của nuôi tôm dưới tán rừng là ít tốn công chăm sóc và ít xảy ra dịch bệnh trên vùng nuôi. Từ đó, ông có thể tận dụng thời gian để làm các công việc khác, kiếm thêm thu nhập. Hiện cuộc sống gia đình ông Lợi rất ổn định.

Trên địa bàn huyện Ngọc Hiển có khoảng 6.800ha tôm sinh thái được chứng nhận vùng nuôi đạt chất lượng theo tiêu chuẩn Nanurland. Thực hiện mô hình, người dân được hướng dẫn trồng rừng, kỹ thuật nuôi tôm để tạo ra sản phẩm sạch.

“Đầu ra sản phẩm được Cty CP Thủy sản Minh Phú cam kết thu mua toàn bộ với giá cao hơn giá thị trường 10%”, ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ngọc Hiển cho biết.

Theo ông Hoàng, phát triển nuôi tôm sinh thái rất nhiều cái lợi, trong đó nông dân được hưởng lợi nhiều nhất. Người dân được nâng cao năng lực, trình độ nuôi tôm, trực tiếp đối thoại giá cả sản phẩm tôm nuôi với doanh nghiệp, đồng thời ý thức giữ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái được nâng lên.

“Tôm nuôi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn tôm sinh thái, người dân địa phương còn được hỗ trợ vốn trong việc chăm sóc, bảo vệ rừng. Từ đó, các đơn vị liên quan có điều kiện quản lý tốt vùng nuôi, tiết kiệm được chi phí quản lý. Doanh nghiệp mua được sản phẩm tôm sạch để xuất khẩu, tạo nên thương hiệu và uy tín về chất lượng trên thị trường thế giới”, ông Hoàng nói.  

Hiệu quả kinh tế cao

Huyện Ngọc Hiển có diện tích mặt nước, rừng che phủ rất thuận lợi cho việc nuôi tôm sinh thái. Nhìn chung, mỗi hộ nuôi tôm với diện tích mặt nước từ 4 - 5ha thì trung bình mỗi năm thu nhập từ tôm nuôi ít nhất trên 100 - 200 triệu đồng. Đó là chưa kể đến việc thu nhập từ các loài thủy sản khác.

19-11-42_7448d0de-b7f-414-b803-59b06872df61
Nuôi tôm sinh thái (nuôi tôm dưới tán rừng) ở huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) được xem là mô hình kinh tế có hướng đi bền vững

Người dân trên địa bàn huyện Ngọc Hiển đã quen với hình thức nuôi sinh thái. Tuy nhiên, để nuôi theo quy trình, tiêu chuẩn quốc tế thì cần tuân thủ nghiêm ngặt từ việc cải tạo ao đầm, chọn con giống đến việc ghi chép quá trình sản xuất và theo dõi quá trình phát triển của tôm nuôi.

Ông Vũ Thành Chung, 58 tuổi, ngụ huyện Ngọc Hiển: “Gia đình tôi có 5ha diện tích nuôi tôm sinh thái, trung bình mỗi năm mang về lợi nhuận trên 200 triệu đồng. Nuôi tôm sinh thái là hướng đi đúng, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Góp phần hình thành vùng sản xuất nuôi tôm an toàn, cung cấp tôm sạch để phục vụ xuất khẩu. Tôi thật sự đánh giá cao hiệu quả của mô hình này”.

Ông Lý Hoàng Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển: “Mô hình này hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường, thích nghi với biến đổi khí hậu, sản lượng thủy sản ổn định. Tạo đà để vực dậy nền kinh tế của địa phương và phấn đấu trở thành khu vực trung tâm về cung cấp tôm nguyên liệu chất lượng cao để xuất khẩu, vươn xa ra thế giới”.

Ông Tiến cho rằng, nuôi tôm sinh thái không tốn thức ăn, công chăm sóc như tôm công nghiệp, nhưng năng suất tương đối cao, khoảng 250 kg/ha. Đến nay, huyện đã phát triển được gần 10.000ha nuôi sinh thái, tập trung trên địa bàn các xã, thị trấn. Trong đó, khu vực trọng điểm tập trung ở xã Đất Mũi, Viên An, Viên An Đông…

Ghi nhận trên địa bàn xã Viên An Đông (huyện Ngọc Hiển) cho thấy, địa phương đã phát triển được 35 tổ hợp tác nuôi sinh thái, với diện tích 500ha. Xã đang tiếp tục phát triển để nâng diện tích lên 1.000ha. Đặc biệt, Cty Minh Phú bao tiêu thu mua sản phẩm tôm nguyên liệu.

“Nếu nông dân đồng loạt áp dụng nuôi, cùng thực hiện cải tạo đất sẽ hạn chế được tình trạng mất mùa. Bởi nuôi tôm không đồng loạt thì mầm bệnh vuông nuôi hộ này sẽ nhiễm bệnh sang hộ khác thông qua việc lấy nước vào vuông nuôi”, ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ngọc Hiển khuyến cáo.

Theo kế hoạch, đến năm 2020, mỗi năm, huyện Ngọc Hiển phấn đấu thu hoạch trên 40.000 tấn tôm sinh thái. Phát triển nuôi sinh thái là mục tiêu quan trọng để huyện Ngọc Hiển khẳng định vai trò kinh tế động lực cho ngành nuôi thủy sản của tỉnh Cà Mau.

Được biết, thương hiệu tôm sinh thái Cà Mau đang được thị trường thế giới ưa chuộng. Trong thời gian tới, địa phương sẽ công nhận toàn bộ diện tích nuôi tôm dưới tán rừng đạt các tiêu chuẩn nuôi sinh thái.

Theo đại diện Cty CP Thủy sản Minh Phú, năng suất nuôi tôm sinh thái hiện tại đạt khoảng hơn 150 kg/ha/năm. Hướng tới công ty sẽ phối hợp với Ban quản lý Dự án MAM tổ chức tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi để áp dụng việc nuôi đạt tiêu chuẩn và tăng năng suất lên 500 kg/ha/năm. Ngoài ra, người dân tham gia dự án này còn được hỗ trợ trồng rừng, con giống, kỹ thuật nuôi, hỗ trợ phí bảo vệ rừng 500 nghìn đồng/ha/năm và được bao tiêu sản phẩm khi thu hoạch.
TRẦN DUY - TRỌNG LINH/nongnghiep.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập394
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại866,446
  • Tổng lượt truy cập92,040,175
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây