Những năm 1967, Mỹ lập căn cứ quân sự Đồng Tâm ở Tiền Giang với mục đích khống chế toàn bộ tài nguyên và an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cậu bé Khanh lúc đó mới khoảng 9, 10 tuổi đã xung phong làm giao liên. Chứng kiến lễ truy điệu sống những chiến sĩ cảm tử Tiểu đoàn 514, quyết tử hạ đồn Đội Biên thật uy nghi, cảm động..., cậu bé Khanh đã gia nhập du kích, trực tiếp cầm súng đánh giặc khi mới vừa 12 tuổi.
Năm 14 tuổi, Khanh bị thương ở cánh tay phải trong một trận chiến. Viên đạn xuyên qua giữa xương và hệ thần kinh làm rụt các ngón tay đến độ từ ngày đó, Khanh không thể cho áo vào quần và mang giày. 16 tuổi, Khanh trở về làm xã đội phó, 17 tuổi làm xã đội trưởng của xã Song Thuận. Năm 18 tuổi, Khanh vinh dự được kết nạp vào Đảng.
Kể chuyện về vành đai diệt Mỹ năm xưa, ông bảo: “Ở vành đai Bình Đức, giặc quyết bứng nhưng người dân quyết bám trụ. Có rất nhiều gương kiên cường và tôi chỉ là một trong những chiến sĩ đó mà thôi”.
Quê hương được giải phóng, và sau quãng thời gian dài công tác, ông Tư Khanh về hưu năm 1994 với tỷ lệ mất sức là 61%, xếp hạng thương binh 2/4. Ông từng đảm nhiệm các chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành và Giám đốc Sở Lâm sản tỉnh Tiền Giang. Ở cương vị công tác nào, ông cũng là một cán bộ mẫn cán, năng động và sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Sau khi về hưu, ông trở thành Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Song Thuận. Để giúp hội viên thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng, ông Tư Khanh đã đề ra nhiều biện pháp thiết thực, như: vận động hội viên góp vốn xoay vòng, xây dựng quỹ đồng đội và đề ra các phong trào “Bao gạo đồng đội”, “Mái tôn thay lá”, “Câu lạc bộ 5 triệu đồng”.
Ông Khanh xây dựng các mô hình làm kinh tế, rồi bàn bạc với Ban Chấp hành Hội trích quỹ hội mua dê giống, thỏ giống, nhờ các hội viên khá giả nuôi rồi sau đó thu dê con, thỏ con tặng các hội viên nghèo, giúp nhau thoát nghèo. Từ những phong trào này, nhiều hội viên đã thoát cảnh nhà mái lá, cột xiêu, ổn định nơi ở để phát triển kinh tế gia đình, có hộ mua sắm được nhà cửa, tài sản có giá trị.
Ông Nguyễn Ngọc Ẩn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Song Thuận cho hay: “Ngày đó, ông Tư Khanh đã dùng 6 công đất của mình thế chấp để vay ngân hàng 600 triệu đồng, giúp anh em cựu chiến binh có vốn nuôi heo. Nhờ sự năng động, sáng tạo và lăn xả vào công việc của ông Tư Khanh mà Song Thuận trở thành một trong những xã thoát nghèo nhanh nhất tỉnh Tiền Giang ngày ấy”.
Thành công từ tin đồn
Với diện tích 8.000m2, vườn cây ăn trái của ông Khanh không rộng lắm so với nhiều vườn cây ăn trái vùng này nhưng đã cho ông mức doanh thu hơn 7 tỷ đồng mỗi năm. Trong vườn, hơn 100 cây dừa sáp, rồi bưởi Năm Roi, cam, cây thuốc Nam như mật gấu, đinh lăng, sâm đất, thần kỳ, chùm ngây… được ông trồng và chế biến theo mô hình sản xuất chuỗi liên kết khép kín. Con đường dẫn ông đến với mô hình sản xuất này bắt nguồn từ một tin đồn.
Năm 2006, tin đồn ăn bưởi có nguy cơ bị ung thư vú ở phụ nữ đã gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho nông dân trồng bưởi ở tỉnh Tiền Giang. Quả bưởi bán không ai mua, chín rụng đầy vườn không ai nhặt. Nhìn cây bưởi rơi vào tình cảnh đó, ông Tư Khanh xót xa.
Muốn chứng minh thông tin đó hoàn toàn sai, lại từng nghe nói đến một số bài thuốc dân gian trị bệnh từ tinh dầu bưởi, ông quyết tâm nghiên cứu về tác dụng của quả bưởi đối với sức khỏe con người. Ông khăn gói lên đường, đi học nghề y chuyên về thuốc Nam để nắm được các dược tính của quả bưởi cũng như cách phối kết hợp cùng các nguyên liệu khác để làm ra mỹ phẩm và các loại thuốc có nguồn gốc từ thiên nhiên.
Quá trình nghiên cứu để bào chế ra sản phẩm từ bưởi nhiều lần bị thất bại. Để người dân tin dùng các sản phẩm của ông như hiện nay, đã có lúc ông phải chịu nhiều tai tiếng bởi người dân phản ứng khi họ chưa kịp hiểu hết về sản phẩm. Nhưng không nản, ông vẫn miệt mài nghiên cứu, bào chế ra các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, không chứa hóa chất.
Cuối cùng, thành công đã mỉm cười với ông. Hiện ông đã bào chế thành công hơn 20 sản phẩm từ bưởi, dừa sáp và cây thuốc Nam trong vườn nhà. Tiêu biểu là tinh dầu bưởi kích thích mọc tóc, trị hói đầu; tinh dầu bưởi cô đặc uống để trị nám da mặt, đồng thời trị bệnh máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ… Ngoài ra, ông Tư Khanh còn sản xuất các loại trà trị bệnh về bao tử, đại tràng mãn tính, viêm đa khớp, thần kinh tọa, thoái hóa cột sống… Tỷ lệ người sử dụng sản phẩm cho kết quả tốt tới 70%.
Tỷ phú nhân từ
Ông Khanh chia sẻ, khi sản phẩm đã tạo được chỗ đứng trên thị trường thì có “đại gia” tìm đến và ra giá mua một công thức chiết xuất từ bưởi là 2 triệu USD. Nhưng với tâm nguyện gắn bó lâu bền với cây bưởi nên ông từ chối. Hàng hóa tiêu thụ ngày một nhiều, ông chính thức thành lập Doanh nghiệp tư nhân Long Thuận để phát triển sản xuất theo mô hình chuỗi liên kết khép kín. Trái cây và cây thuốc Nam được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP trong vườn nhà được đưa thẳng vào nhà máy Long Thuận, đảm bảo độ sạch tuyệt đối của nguyên liệu đầu vào.
“Tôi trồng và chăm bón cây theo chủ trương “Nói không với hóa chất, lấy thiên nhiên bảo vệ thiên nhiên”, nghiên cứu ra một số loại thuốc Nam để trị sâu bệnh cho cây chứ kiên quyết không phun thuốc sâu. Nhờ vậy, trải qua nhiều lần kiểm nghiệm của cơ quan chức năng, sản phẩm của Doanh nghiệp Long Thuận đều đạt chuẩn và được công nhận không chứa hóa chất, tạo được sự tín nhiệm với người dùng”, ông Khanh chia sẻ.
Hữu xạ tự nhiên hương, sản phẩm tinh dầu hoa bưởi của ông giờ đây đã vượt ra khỏi làng quê chật hẹp, có mặt trên toàn quốc và thị trường ngoài nước như Hàn Quốc, Nhật, Nga, Mỹ…
Điều đáng nói là với những loại thuốc dùng để trị bệnh, ông sản xuất ra với mục đích làm từ thiện, để cứu người chứ không mang ra kinh doanh. Ông bảo: “Cách nào cũng là để làm giàu nhưng làm giàu trên con bệnh và sự đau đớn của người khác thì tôi không làm được”. Bệnh nhân bị các bệnh mãn tính ở các nơi nghe tiếng thơm đã tìm đến để được ông chữa và cho thuốc miễn phí.
Ăn nên làm ra, ông Tư Khanh vẫn không quên những ngày tháng gian khổ cùng đồng đội bám trụ kiên cường, năm nào ông Tư Khanh cũng trích hàng chục triệu đồng lợi nhuận để xây cất nhà tình thương, tặng quà Tết cho những cựu chiến binh nghèo. Mỗi năm, ông Tư Khanh trích hàng trăm triệu đồng mua gạo tặng đồng đội, bà con nghèo. Ông cũng mua đá hoa cương để lát ốp cho những ngôi mộ của bà mẹ Việt Nam anh hùng. Chỉ tính từ năm 2008 đến nay, số tiền làm từ thiện của ông đã lên đến gần 4 tỷ đồng. Mỗi năm, ông đều đặn đóng góp vào Quỹ Hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam 5 triệu đồng, mà theo ông “chỉ là một chút làm vơi bớt nỗi đau da cam”.
Cùng ông Khanh bước dạo trong vườn rợp bóng mát của cây bưởi và dừa, tôi cảm nhận tấm lòng nhân từ của ông Tư Khanh cũng thơm ngát như hương hoa bưởi nồng nàn vậy./.