Tốt nghiệp Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh ngành Kỹ sư Công nghệ thông tin, anh Văn Sĩ Hải, khối 8, phường Mai Hùng (TX. Hoàng Mai) khăn gói ra Hà Nội làm việc cho một công ty máy tính. Sau 5 năm, khi đã tích lũy được vốn kinh nghiệm, anh về quê thành lập công ty máy tính, việc làm ăn tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, sau nhiều lần tìm hiểu trên mạng về các mô hình chăn nuôi, anh quyết tâm xây dựng thử nghiệm nuôi các giống con đặc sản.
Anh Văn Sỹ Hải đang cho đàn lợn rừng ăn.
Đầu năm 2015, khi phường Mai Hùng có chủ trương phát triển kinh tế trang trại, anh Hải đã cải tạo khu đất ở của gia đình hơn 8.000 m2 gần chân đồi để phát triển kinh tế trang trại. Cùng với số tiền giành dụm được và vay thêm hơn 200 triệu đồng từ ngân hàng, anh đầu tư trang trại chăn nuôi tổng hợp gồm lợn rừng, gà Đông Tảo, chim trĩ và ba ba.
Thời gian đầu, việc chăn nuôi tương đối khó khăn do thiếu kinh nghiệm. Anh đã tích cực tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi của phường, học hỏi kinh nghiệm ở những mô hình kinh tế giỏi, lên mạng tìm hiểu thông tin. Với đàn lợn rừng trên 60 con, trong đó có nhiều lợn nái, mỗi năm gia đình anh bán được hơn 100 con lợn giống và hàng chục con lợn thịt.
Anh Hải còn ra tận tỉnh Hưng Yên tìm mua giống gà Đông Tảo về nuôi. Anh xây dựng 8 chuồng, dùng bạt che nắng mưa, tạo độ thông thoáng và thực hiện việc tiêm phòng đầy đủ. Thức ăn cho gà chủ yếu là ngô bắp và thân chuối thái nhỏ trộn với cám. Để chủ động nguồn giống, anh mang trứng đi ấp ở lò ấp trong vùng. Từ vài chục con gà giống ban đầu, đến nay anh đã có đàn gà trên 100 con giống và gà thịt bán cho các nhà hàng.
Đàn chim trĩ của anh Hải nuôi hơn 30 con đã bắt đầu sinh sản.
Anh Hải cho biết, giá trị của gà Đông Tảo phụ thuộc vào độ lớn của chân gà. Những dịp lễ, Tết nhu cầu mua gà tăng cao. Nhờ chủ động được con giống nên giá gà của gia đình anh thường rẻ hơn nhiều nơi, gà con ấp đến đâu bán hết đến đó.
Từ những thành công và kinh nghiệm sẵn có, anh Hải nuôi thêm chim trĩ và ba ba. Sau hơn 1 năm chăm sóc, đàn chim trĩ hơn 30 con hiện nay đã sinh sản, anh cho ấp thành công chim trĩ giống và để lại chim non làm giống tăng số lượng đàn. Thành công từ trang trại chăn nuôi tổng hợp đã đem lại nguồn thu nhập gần 200 triệu đồng/năm cho gia đình anh Hải.
Anh Hải đã cho ấp nở thành công giống chim trĩ.
Với diện tích vườn đồi còn rộng anh Hải dự định sẽ mở rộng thêm quy mô trang trại với các giống cây, con mới hiệu quả kinh tế cao. Đánh giá về mô hình này, ông Lê Đức Mĩ - Phó Chủ tịch UBND phường Mai Hùng cho biết: “Mặc dù mới đi vào hoạt động hơn 1 năm, nhưng mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh Hải đã phát huy hiệu quả, cho thu nhập ổn định. Phường khuyến khích bà con tham quan, học hỏi để nhân rộng mô hình”.
Từ nơi đô hội lên núi nuôi lợn rừng
Anh Bùi Văn Hùng, ở thị trấn Cầu Giát (huyện Quỳnh Lưu) đã quyết định mua lại vùng đất đồi ở xã miền núi Ngọc Sơn để mở trang trại chăn nuôi lợn rừng và vịt trời. Mỗi năm trang trại của anh cho thu nhập gần 500 triệu đồng.
Với số vốn tích lũy được sau nhiều năm đi xuất khẩu lao động, năm 2010, anh Bùi Văn Hùng đã quyết định lên vùng đất đồi núi hoang sơ ở vùng đập Khe Gang, xã Ngọc Sơn để phát triển kinh tế. Với diện tích 3 ha, anh thuê máy, công nhân san ủi mặt bằng để xây dựng chuồng trại, khoanh vùng chăn nuôi.
Anh Bùi Văn Hùng trồng hơn 200 gốc nhãn đang cho ra quả mỗi vụ đạt 100 triệu đồng/năm.
Thăm dò thị trường và nhận thấy nuôi giống lợn rừng có giá trị kinh tế cao gấp 2 - 3 lần giống lợn thường, anh đã mạnh dạn ra các tỉnh phía Bắc để mua giống lợn rừng về nuôi. Ban đầu, anh mua 10 đôi lợn rừng nái để nhân giống. Sau 1 năm nuôi, đàn lợn bắt đầu sinh sản. Hiện nay, anh đang chăn nuôi 100 con lợn rừng, trong đó có 10 con sinh sản.
Theo anh Hùng, trung bình một năm, lợn rừng sinh sản 2 lứa, mỗi lứa khoảng 7 - 8 con. Khi lợn con được 3 tháng sẽ tách đàn nuôi riêng. Thức ăn của lợn rừng ngoài cám, ngô có thể tận dụng các nguồn thức ăn tại chỗ khác như bèo, rau, cỏ, sắn, khoai...
“Nuôi lợn rừng nhìn có vẻ đơn giản nhưng nếu không nắm rõ kỹ thuật chăm sóc, chu kỳ sinh trưởng của chúng để chủ động phòng bệnh, bổ sung thức ăn thì sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế. Ưu điểm của nuôi lợn rừng là hiệu quả kinh tế cao, giá thành từ 120.000 - 130.000 đồng/kg” - anh Hùng chia sẻ. Từ chăn nuôi lợn rừng thành công gia đình anh có thu nhập khoảng 350 triệu đồng/năm.
Đàn vịt trời của anh Hùng.
Bên cạnh chăn nuôi lợn rừng, năm 2014 anh Hùng tiếp tục nuôi vịt trời thương phẩm với quy mô 2.000 - 2.500 con/năm. Mỗi lứa nuôi khoảng 4 tháng xuất bán, bình quân trọng lượng từ 1 - 1,5kg/con, với giá trung bình 100.000 đồng/con. Từ chăn nuôi vịt trời, mỗi năm anh có thêm thu nhập gần 200 triệu đồng. Anh Hùng chia sẻ: “Nuôi vịt trời cần phải có điều kiện đất đai rộng rãi, do vịt trời có đặc tính bay xa nên khi chăn nuôi cần phải giăng lưới xung quanh.
Vịt trời tuy là loài hoang dã, nhưng khi biết đặc tính của chúng thì không sợ vịt bay mất, đây cũng là loại đặc sản được người dân ưa chuộng”. Trong khu vực trang trại, anh Hùng còn trồng thêm 200 gốc nhãn, hiện nhãn đang vào mùa thu hoạch, bình quân mỗi vụ đạt 100 triệu đồng/năm.
Từ vùng đất đồi hoang sơ, anh Bùi Văn Hùng đã biến nơi đây thành vùng đất sinh lãi với nguồn thu nhập từ làm trang trại đạt khoảng 500 triệu đồng/năm. Mô hình của anh còn tạo việc làm ổn định cho 4 - 5 lao động ở địa phương với nguồn thu nhập khá.
Thanh Thủy - Việt Hùng - Thanh Nhàn
Báo Nghệ An
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;