Học tập đạo đức HCM

Vĩnh Long nhân rộng mô hình sản xuất nông sản sạch

Thứ năm - 18/08/2016 10:40
Mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Long là từng bước giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng giá trị ngành chăn nuôi, dịch vụ và thủy sản; đồng thời nhân rộng các mô hình sản xuất nông sản sạch, đạt chứng nhận tiêu chuẩn hàng hóa để hội nhập quốc tế.
Ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Sản xuất hàng hóa tập trung

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liêm cho biết, những năm qua ngành nông nghiệp tỉnh đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ và ấn tượng. Mặc dù chăn nuôi và thủy sản có ưu thế về lợi nhuận cao, nhưng trọng tâm vẫn là trồng trọt. Năm 2015, lần đầu sản lượng lúa của tỉnh đạt một triệu tấn. Tổng giá trị ngành nông nghiệp đạt 20 nghìn tỷ đồng, thì trồng trọt chiếm 12 nghìn tỷ đồng. Trong đó, hiệu quả từ những cánh đồng mẫu lớn khá rõ rệt. Được triển khai thực hiện từ nửa cuối năm 2011, đến nay, cánh đồng mẫu lớn đã thật sự lớn với diện tích hơn 13 nghìn 500 ha, có gần 13 nghìn hộ dân tham gia sản xuất. Hiệu quả thấy rõ là năng suất tăng, chi phí sản xuất giảm và lợi nhuận sản xuất vụ lúa đông xuân hằng năm hơn 260 tỷ đồng, cao hơn 100 tỷ đồng so với mô hình sản xuất thông thường trên cùng diện tích canh tác.

Chúng tôi về xã Tân Long, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, một trong những nơi triển khai sớm và đạt hiệu quả cao về mô hình cánh đồng mẫu lớn từ năm 2011. Cánh đồng lúa xanh rì, chạy dài tít tắp như tấm thảm xanh khổng lồ đón ánh ban mai, khác hẳn những mảnh ruộng nhỏ chi chít bờ đê giữ nước trước khi cánh đồng mẫu lớn được triển khai. Gặp lão nông Út Ngay đi thăm đồng sớm, hỏi chuyện mần ăn, lão nhiệt tình thổ lộ: “Mần ruộng bây giờ khỏe hơn hồi trước cả chục lần. Từ hồi tham gia sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, nông dân được hỗ trợ 50% chi phí mua giống xác nhận vụ đông xuân; được tập huấn kỹ thuật theo các quy trình canh tác “3 giảm – 3 tăng”, “1 phải – 5 giảm” và còn được hỗ trợ vay ưu đãi mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Với cách làm ứng dụng khoa học – kỹ thuật như vậy vừa giảm chi phí sản xuất, mà năng suất cao hơn cho nên tiền lãi cũng tăng lên đáng kể”.

Bên cạnh cánh đồng mẫu lớn, các hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh cũng đang phát huy tốt hiệu quả. Trong đó Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Tiến, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, là mô hình hoạt động tốt. Xã viên trong hợp tác xã đóng góp bằng diện tích đất sản xuất tạo nên một cánh đồng sản xuất giống lúa xác nhận chất lượng cao kiểu mẫu; đồng thời làm dịch vụ nông nghiệp từ khâu làm đất, gieo sạ đến thu hoạch. Chủ ruộng bây giờ chỉ cần ngồi ở nhà “a-lô” cho Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Tiến ngay từ đầu vụ rồi đợi ngày “đếm tiền” bán lúa, mà không cần bước chân ra ruộng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Trần Hoàng Tựu cho rằng, các mô hình cánh đồng mẫu lớn, hợp tác xã, tổ hợp tác dịch vụ nông nghiệp hiện nay không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế, làm lợi cho nông dân mà còn phù hợp chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 10. Đó là quy hoạch đất nông nghiệp theo hướng tích tụ, tập trung ruộng đất bảo đảm cho sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, diện tích cánh đồng mẫu lớn có 30 nghìn ha sản xuất giống lúa xác nhận chất lượng cao. Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, cải thiện và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của nông dân.

Hướng đến nông nghiệp sạch

Từ thành công của việc thực hiện cánh đồng mẫu lớn trên cây lúa, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện thí điểm thành công mô hình cánh đồng mẫu lớn trên các loại cây trồng khác như: Cánh đồng mẫu lớn khoai lang ở huyện Bình Tân, cánh đồng mẫu lớn khoai mỡ ở huyện Mang Thít. Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liêm cho biết, theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, diện tích trồng lúa sẽ giảm dần để chuyển sang trồng các loại rau màu có hiệu quả kinh tế cao, trồng cây ăn trái, từng bước tăng diện tích nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi. “Hiện nay, diện tích trồng lúa của tỉnh hằng năm là 180 nghìn ha, sẽ giảm chỉ còn 131 nghìn ha. Mỗi năm chỉ sản xuất hai vụ lúa. Ở những nơi có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, đê bao, thủy lợi thuận lợi, bảo đảm cho năng suất, chất lượng cao thì mới sản xuất ba vụ”, ông Nguyễn Văn Liêm cho biết. Theo kế hoạch, mỗi năm diện tích trồng lúa giảm từ 1.000 đến 2.000 ha để luân canh cây màu, có thể trồng hai vụ lúa – một vụ màu hoặc hai vụ màu – một vụ lúa; trồng cây công nghiệp ngắn ngày. Đến nay diện tích trồng màu cả tỉnh lên đến hơn 50 nghìn ha, trong đó có vùng chuyên canh rau sạch, cung ứng cho các siêu thị trên cả nước. Chỉ riêng diện tích trồng khoai lang đã lên đến hơn 10 nghìn ha, từng bước mở rộng cánh đồng mẫu khoai lang và hướng tới xây dựng thương hiệu Khoai lang Bình Tân – Vĩnh Long.

Vĩnh Long chủ trương giảm dần diện tích trồng lúa hằng năm để chuyển sang trồng hoa màu có giá trị cao.
Vĩnh Long chủ trương giảm dần diện tích trồng lúa hằng năm để chuyển sang trồng hoa màu có giá trị cao.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Trần Hoàng Tựu, chủ trương của tỉnh là đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo chiều sâu bằng cách nâng cao chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đủ điều kiện tham gia chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh với nông sản cùng loại ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Từ đó thí điểm xây dựng mô hình một số vùng sản xuất nông nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay, toàn tỉnh đã có năm cánh đồng lúa sạch theo tiêu chuẩn VietGap, tổng diện tích 180 ha ở các xã Long A (huyện Long Hồ), Tân An Luông (huyện Vũng Liêm), Tân Long (huyện Mang Thít), Mỹ Lộc (huyện Tam Bình) và Xuân Hiệp (huyện Trà Ôn). Sản xuất lúa sạch bằng phân bón sinh học, hữu cơ, giống lúa xác nhận đã đem lại hiệu quả bước đầu, và theo các chuyên gia nông nghiệp, hiệu quả về lâu dài của mô hình này là khá lớn. Từ việc ghi chép nhật ký đồng ruộng, nông dân dễ dàng tính toán được chi phí sản xuất để biết hiệu quả, lãi lỗ sau khi thu hoạch, chứ không còn kiểu “ước chừng”, “ước lượng” như trước. Nhưng đáng nói nhất là việc bón phân sinh học, hữu cơ có tác dụng phục hồi và cải tạo đất hiệu quả, bảo đảm nông sản làm ra không tồn dư thuốc hóa học, bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân.

Theo Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liêm, mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP đã được triển khai thực hiện trên cây ăn trái của tỉnh từ năm 2010. Đến nay có nhiều loại cây ăn trái đặc sản của Vĩnh Long đạt mới và tái chứng nhận GlobalGap (tiêu chuẩn toàn cầu về chất lượng, vệ sinh và truy nguyên nguồn gốc) như: bưởi Năm Roi (56 ha), chôm chôm Java Tân Khánh, xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn (24 ha), chôm chôm Bình Hòa Phước (17 ha), cam sành…

“Để nhân rộng và phát triển mô hình trồng cây ăn quả đạt tiêu chuẩn GAP, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long tập trung xây dựng liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở được chứng nhận tiêu chuẩn GAP với thị trường tiêu thụ, hình thành kênh tiêu thụ riêng để giá bán ổn định và phân biệt với các sản phẩm thông thường khác. Tăng cường quảng bá vùng sản xuất và sản phẩm đến các doanh nghiệp chế biến, các siêu thị, trung tâm thương mại, xây dựng hợp tác giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp để bảo đảm cung ứng hàng hóa theo nhu cầu thị trường. Sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn chất lượng là định hướng đúng đắn và phù hợp xu hướng phát triển của thị trường khi hội nhập quốc tế”, ông Nguyễn Văn Liêm cho biết thêm.

Theo Môi trường và Đời sống

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập251
  • Hôm nay28,602
  • Tháng hiện tại984,130
  • Tổng lượt truy cập93,361,794
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây