Nhờ chính sách hỗ trợ của tỉnh, ông có điều kiện mở rộng trang trại, hiện có thu 300-500 triệu đồng/năm. Ông là một trong những tấm gương điển hình trong phong trào thi đua yêu nước, được Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh về thăm và động viên.
Gian nan hành trình hái quả ngọt
Đứng giữa bạt ngàn gốc bưởi Diễn, gà lai Hồ, vườn rau, ao cá…, ông Minh cho chúng tôi biết, ông và gia đình đã qua thời kỳ gian nan và phải trả giá đắt khi chinh phục đồng đất bạc màu như thế nào.
Số là, vào những năm 1977 - 1980, khi xuất ngũ, ông được điều động về công tác tại Văn phòng Đảng ủy xã Việt Đoàn; sau đó một thời gian, ông xin nghỉ. Năm 1994, ông và gia đình chính thức ra khu Cầu Mới, xa khu dân cư, để khai hoang, phát triển kinh tế. Buổi đầu lập nghiệp, thấy nơi đây đất cằn cỗi, khó có cây gì sống được, ông trồng thử trên 1.000 gốc bạch đàn. Nhưng khi cây lớn, đến kỳ thu hoạch, không có đầu ra, ông mới nhận thấy sai lầm do đầu tư cây giá trị kinh tế thấp, đành cho bà con chặt về làm củi.
Thay thế cây bạch đàn, ông Minh trồng 300 gốc nhãn, cứ tưởng thế là ổn, có thêm thu nhập nuôi 4 con ăn học. Song, một lần nữa, vận may không “mỉm cười” với ông, nhãn thu hoạch bấp bênh, mùa được, mùa không, do mua phải cây giống trôi nổi và thiếu kiến thức về chăm sóc. Đời sống vẫn khó khăn và phải mất 15 năm nữa, ông Minh mới chặt bỏ hết nhãn, chuyển sang trồng bưởi Diễn như ngày nay.
Sau nhiều thất bại, năm 2006, ông Minh thận trọng hơn khi lựa chọn đầu tư và nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ cây bưởi Diễn, ông từng bước mở rộng quy mô. Đây cũng là lúc Bắc Ninh có chính sách dồn điền đổi thửa, nên ông thuê thêm đất, nâng diện tích trang trại lên 4ha. Đến nay, vườn bưởi đã có trên 1.000 gốc; mỗi cây cho 30 - 40 quả/năm, giá bán 20.000 - 22.000 đồng/quả.
Trong vườn bưởi, ông Minh còn kết hợp nuôi 1.000 con gà sạch lai Hồ, giá bán tại chuồng 90.000 đồng/kg (mỗi con có trọng lượng 3,2 - 3,5kg/con).
Đặc biệt là, các loại cây, con trong trang trại của ông đều là sản phẩm sạch, không sử dụng thức ăn công nghiệp, phân hóa học. Trang trại được bố trí khoa học: trồng ổi làm hàng rào chắn gió, ngăn chặn sâu bệnh gây vàng lá gân xanh ở bưởi. Thức ăn cho cây là khô đậu tương, phân vi sinh tự chế từ đu đủ chín, ngâm với ruột cá và rỉ mật mía (công thức do Học viện Nông nghiệp Việt Nam cung cấp), vì vậy, bưởi có vị ngọt tự nhiên, đậm đà. Thức ăn cho gà, cá là cám mảnh, bột ngô, bã bia, rau và thóc ủ mầm.
Không dừng lại ở đó, năm 2016, ông Minh còn thành lập hợp tác xã (HTX) kiểu mới, với 7 thành viên; làm dịch vụ cây giống ăn quả: bưởi, cam Vinh, mỗi năm cung cấp ra thị trường 3.000 – 4.000 cây giống các loại; giá tại vườn 20.000 đồng/cây. Hiện, vợ chồng ông có thu 300-500 triệu đồng/năm từ trang trại; lương cơ bản của các thành viên HTX bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2017, ông Minh gia nhập Câu lạc bộ Trang trại Bắc Ninh để có điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm phát triển, quản lý trang trại, nối vòng tay với bạn bè trên nhiều tỉnh thành của đất nước.
Chính sách hỗ trợ thiết thực
Để giúp người dân phát triển kinh tế nông nghiệp, chính quyền tỉnh Bắc Ninh đã đề ra các chính sách cụ thể, thiết thực.
Theo đó, Bắc Ninh đã hỗ trợ kinh phí cho bà con khi chuyển từ ruộng trũng sang nuôi trồng thủy sản; thực hiện dồn đổi ruộng đất giai đoạn 2009 - 2011… Đặc biệt là, tỉnh có nhiều quyết sách về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninhcũng có văn bản hướng dẫn cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại; hướng dẫn hoàn thiện phương án sản xuất, kinh doanh và thủ tục hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho diện tích đất làm kinh tế trang trại, để bà con yên tâm đầu tư.
Những chính sách thiết thực như: đất đai, thuế, đầu tư, tín dụng; chính sách lao động, khoa học, công nghệ, môi trường, thị trường và hỗ trợ xây dựng hạ tầng nông thôn đã khuyến khích các chủ trang trại, người dân tích tụ ruộng đất, đầu tư vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh, làm giàu cho gia đình, quê hương.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Hội Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh, ông Nguyễn Xuân Vững, cho biết: “Kinh tế trang trại, gia trại ở Bắc Ninh là hình thức tổ chức sản xuất hàng hóa chủ yếu trong nông nghiệp và dựa vào hộ gia đình để mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả sản xuất, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Chú trọng kinh tế trang trại, gia trại nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, đưa mảng nông nghiệp phát triển bền vững. Mặt khác, còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; khuyến khích làm giàu đi đôi với xóa đói, giảm nghèo, phân bố lại lao động, dân cư và xây dựng nông thôn mới”.
Theo ông Vững, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tích tụ ruộng đất để hình thành trang trại, gia trại gắn liền với việc phân công lại lao động nông thôn; từng bước dịch chuyển lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Đây cũng chính là quá trình thúc đẩy công nghiệp hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Bắc Ninh.
“Các huyện thuần nông phát triển kinh tế trang trại, gia trại theo hướng đa dạng hóa loại hình trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và mô hình tổng hợp, hướng tới sản xuất sạch. Ở những nơi dự kiến là đô thị lõi thì phát triển kinh tế trang trại công nghệ cao, trang trại sinh thái theo hướng nông nghiệp đô thị”, ông Vững nhấn mạnh.
Bắc Ninh hiện có 198 trang trại đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và PTNT; 200 trang trại còn thiếu tiêu chí diện tích; 2.448 gia trại. Tổng số lao động thường xuyên của trang trại, gia trại 6.521 người; trong đó, lao động của hộ chủ trang trại, gia trại 4.060 người; lao động thuê ngoài 2.461 người. |