Anh Trần Bá Nghĩa cho biết: Cách đây 2 năm, được sự giới thiệu của người anh tại TP. Hồ Chí Minh, anh Nghĩa có dịp đến thăm mô hình trồng nấm tại huyện Củ Chi. Qua nghiên cứu, tìm hiểu, anh biết được đây là mô hình trồng nấm hiệu quả, mang lại lợi nhuận rất cao cho người trồng, nhưng vốn đầu tư rất lớn.
Sau khi suy nghĩ, tính toán kỹ lưỡng, anh Nghĩa quyết định đầu tư gần 4 tỷ đồng để phát triển mô hình trồng các loại nấm đắt tiền. Trước tiên, anh chuyển nhượng gần 3.000m2 đất sản xuất ở xã Hòa Nghĩa và thị trấn Chợ Lách để xây dựng nhà xưởng, giàn phun nước tự động và mua mụn từ cây cao su ở các tỉnh miền Đông về để sản xuất meo và phôi, cung ứng cho các tỉnh, thành trong khu vực cùng các địa phương trong huyện.
Nhờ chịu khó học hỏi, nghiên cứu các mô hình trồng nấm hiệu quả trên các kênh thông tin truyền thông, cộng với việc tham quan thực tế để áp dụng vào sản xuất, mô hình trồng nấm của anh Nghĩa bước đầu đem lại kết quả khả quan. Hiện anh Nghĩa đang sản xuất 4 loại nấm chính là hồng chi, xích chi, vân chi và bào ngư. Trong đó, chỉ có nấm bào ngư là có giá bình dân từ 32 - 35 ngàn đồng/kg; riêng các loại hồng chi, xích chi và vân chi, sau khi qua sơ chế bán có giá từ 500 ngàn đồng - 1,5 triệu đồng/kg.
Anh Nghĩa chia sẻ, để trồng nấm đạt hiệu quả cao, nhà trồng nấm phải bảo đảm sạch sẽ, thông thoáng, có mái chống mưa dột và chủ động được các điều kiện sinh thái như: nhiệt độ, độ ẩm không khí, ánh sáng khuếch tán, đặc biệt là kín gió. Khi thu hoạch đợt đầu nên dùng dao hoặc kéo sắc cắt chân nấm sát bề mặt túi. Khi thu hái hết đợt 1, tiến hành chăm sóc như lúc ban đầu để tận thu đợt 2. Khi kết thúc đợt nuôi trồng cần phải vệ sinh và thanh trùng nhà xưởng.
Trung bình mỗi năm, anh Nghĩa thu hoạch khoảng 4 tấn nấm thành phẩm, sau khi trừ chi phí còn lợi nhuận trên 50%. Ngoài ra, mô hình của anh Nghĩa còn góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, gắn kết với với địa phương trong việc cung ứng meo và phôi loại nấm bào ngư cho các hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình. “Thời gian tới, cơ sở sẽ gắn kết với chính quyền địa phương để cung ứng phôi giống nấm bào ngư cho các hộ nghèo sản xuất với giá ưu đãi; đồng thời, bao tiêu sản phẩm làm ra theo giá cả thị trường. Cơ sở cũng sẽ mở rộng thêm nhà xưởng để đầu tư công nghệ phục vụ cho việc sản xuất rượu và trà từ nấm” - anh Nghĩa cho biết.
Ông Lê Phạm Đình Vĩnh Nghi - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Nghĩa đánh giá, mô hình trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao so với các loại cây trồng khác và không tốn nhiều diện tích đất. Hiện nay, nghề trồng nấm trên địa bàn xã bắt đầu có xu hướng phát triển. Thời gian tới, địa phương sẽ thành lập tổ hợp tác trồng nấm để hỗ trợ người trồng về kỹ thuật, cũng như đầu ra cho sản phẩm.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;