Thay đổi cách nghĩ
Sản xuất nông nghiệp tại Điện Bàn chịu sự tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, thiên tai thường xuyên xảy ra, vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi giá cả còn cao, khó kiểm soát được chất lượng. Hơn nữa, tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa thường xuyên xảy ra. Bên cạnh đó, việc sản xuất nông nghiệp ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún chưa được khắc phục, một bộ phận nông dân còn hạn chế trong nhận thức về phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm có uy tín và đảm bảo an toàn thực phẩm. Phần lớn nông dân chưa mạnh dạn ứng dụng, đầu tư công nghệ mới cho chế biến nông sản hàng hóa, liên kết chặt chẽ “3 nhà” để thực hiện ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh và dịch vụ… Chính vì thế, việc tìm đầu ra cho các sản phẩm của nông dân là việc làm cần thiết, góp phần làm thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp của người dân.
Theo ông Nguyễn Văn Thừa - Chủ tịch Hội nông dân Điện Bàn, thời gian qua, địa phương luôn tạo điều kiện cho các cấp hội triển khai thực hiện các chính sách về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; trọng tâm là tìm kiếm, liên kết các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân luôn là yêu cầu bức thiết với các cấp Hội Nông dân của thị xã. Vì vậy, Hội Nông dân Điện Bàn luôn quan tâm chỉ đạo việc liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của nhân dân. Đồng hành với nông dân các xã phường, Hội Nông dân Điện Bàn thực hiện tốt chương trình vay vốn đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách. Để thay đổi cách nghĩ của nông dân, hội phối hợp tổ chức, dạy nghề, hỗ trợ việc làm, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp nông dân ứng dụng rộng rãi vào sản xuất, tăng thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội. Qua đó đã phát huy vai trò chủ thể nòng cốt của nông dân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Liên kết với doanh nghiệp
Tại xã Điện Quang, Hội Nông dân xã đã hỗ trợ nông dân ký hợp đồng với Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Quang bao tiêu sản phẩm cây đậu phụng phục vụ chế biến dầu phụng Đất Quảng. Nhà máy chế biến dầu phụng sạch do hợp tác xã đầu tư theo công nghệ tiên tiến. Ông Phan Hữu Nguyên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Điện Quang cho biết: “Mục tiêu của hợp tác xã hướng đến là tạo ra loại dầu phụng sạch, không lẫn tạp chất, đáp ứng tốt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và giá trị dinh dưỡng cho người tiêu dùng. Giá 1 lít dầu phụng qua chế biến là hơn 100 nghìn đồng, cao hơn gấp 2 lần so với dầu công nghiệp hiện nay, thế nhưng trong bếp ăn của người tiêu dùng thì dầu phụng nguyên chất vẫn rất được ưa chuộng”. Tại xã Điện Thắng Nam, Hội Nông dân xã đã ký kết hợp đồng với trại nấm Điện Ngọc nhằm bao tiêu sản phẩm nấm rơm, nấm sò. Cùng với đó, hội hỗ trợ ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Hòa Thắng bao tiêu lúa thương phẩm của nông dân Chi hội Nông dân thôn Phong Lục Tây.
Đầu năm 2018, Hội Nông dân xã Điện Trung đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Hai Mũi Tên Đỏ (TP.Hồ Chí Minh) sản xuất và bao tiêu 2ha giống đậu xanh, hiện nay nông dân của xã đang sản xuất. Hội Nông dân xã và công ty cam kết thực hiện thí điểm trên 2ha để nghiên cứu đầu ra cho sản phẩm đảm bảo chất lượng với yêu cầu của thị trường. Đối với đậu xanh, hiện nay nông dân chỉ trồng mỗi năm 1 vụ, sản lượng đem lại là 3 tấn/ha, với mức giá dao động từ 24 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó sau khi thu hoạch xong vụ đậu xanh, nông dân có thể trồng thêm đậu cô ve và đậu đũa… Việc thực hiện như vậy sẽ tạo ra những cánh đồng chuyên canh, tạo nên năng suất cao đối với nông dân của xã. Ông Hồ Đắc Sáu - Chủ tịch Hội Nông dân xã phấn khởi nói: “Sau khi thí điểm trong năm 2018 xong, Hội Nông dân xã sẽ phối hợp cùng UBND xã khảo sát diện tích đất để những năm tiếp theo sẽ nhân rộng lên 10ha”.
Với mô hình rau sạch, nhiều nông dân đang đầu tư quy mô lớn, Hội Nông dân phường Điện Ngọc đã tổ chức ký hợp đồng bao tiêu rau sạch khối phố Viêm Đông và khối phố Viêm Minh nhằm cung cấp cho thị trường khu vực Đà Nẵng, TP.Hội An. Đây cũng là mô hình của Hội Nông dân Điện Nam Bắc ký kết hợp đồng với Công ty Thực phẩm Võ Quang tiêu thụ sản phẩm rau an toàn trên địa bàn phường. Còn tại Điện Hồng, mới đây, Hội Nông dân xã đã hướng dẫn nông dân Lê Ngọc Phúc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm lúa giống với Công ty DKT Thái Bình. “Hoạt động bao tiêu, tìm đầu ra cho sản phẩm là việc làm cần thiết và cụ thể của các cấp Hội Nông dân trên địa bàn thị xã. Có như thế, nông dân mới an tâm trong sản xuất và đem lại thu nhập ổn định!” - ông Nguyễn Văn Thừa, Chủ tịch Hội Nông dân Điện Bàn cho biết thêm.
NHƯ TRANG - HỒNG HOA/baoquangnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;