Chị Lê Thị Trang hướng dẫn các em nhỏ tìm hiểu về thiên nhiên - Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Chị Lê Thị Trang tâm sự: “Mình yêu môi trường, động vật từ khi còn nhỏ. Lớn lên, đăng ký thi vào Khoa Môi trường, Đại học Bách khoa Đà Nẵng để thỏa sức nghiên cứu, tìm hiểu thế giới sinh vật. Tại đây, mình đã tự đứng ra thành lập một câu lạc bộ về môi trường để bảo vệ các loài động vật hoang dã”.
Sau khi tốt nghiệp, chị Trang làm việc trong nhóm dự án Mac Arthur khu vực miền Trung-Tây Nguyên của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), phụ trách khu vực từ Quảng Trị đến Gia Lai, nghiên cứu các hoạt động săn bắt, buôn bán động vật hoang dã và kết hợp với cơ quan chức năng tổ chức các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng.
Với mong muốn góp công sức và kinh nghiệm để phát triển các chiến lược truyền thông bảo tồn đa dạng sinh học trong khu vực, từ tháng 4/2013, chị Trang về làm việc tại Trung tâm GreenViet. Tại đây, chị đã cùng các cộng sự xây dựng nhiều kế hoạch, thực hiện các chương trình truyền thông cho cộng đồng trong việc thay đổi, nâng cao nhận thức để cùng người dân bảo vệ thiên nhiên.
CEPF là chương trình toàn cầu do Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN) điều phối thực hiện. Cứ 5 năm một lần, CEPF lựa chọn ra những cá nhân, tổ chức để vinh danh. Những người được vinh danh là “anh hùng” đều có những đóng góp nổi bật trong việc bảo tồn các điểm nóng.
Danh hiệu “Anh hùng điểm nóng đa dạng sinh học” (Hotspot Heroes) năm 2020 được CEPF công bố nhân Ngày Đa dạng sinh học thế giới cho 10 nhà bảo tồn đến từ các khu vực điểm nóng đa dạng sinh học (gồm Việt Nam, Jamaica, Brazil, Liberia, Fiji, Kenya, Indonesia, Mauritius, Pháp, Colombia). Những anh hùng này được lựa chọn từ hàng trăm tổ chức xã hội tại các vùng điểm nóng đa dạng sinh học toàn cầu. |
Trong gần 7 năm qua, nhiều chương trình đã được thực hiện, chuyển tải các thông điệp kêu gọi bảo vệ môi trường, thiên nhiên, không nuôi nhốt, sử dụng thịt động vật hoang dã; tổ chức các giờ học ngoại khóa cho học sinh, sinh viên; triển lãm tranh, ảnh; trải nghiệm thực tế trên Bán đảo Sơn Trà để người dân trên địa bàn được hiểu rõ và tận mắt nhìn thấy những giá trị về môi trường, động vật hoang dã mà thiên nhiên đang mang lại cho chính nơi các cư dân sinh sống.
Một số chương trình tiêu biểu chị đã tham gia thực hiện như “Hành trình Tôi yêu Sơn Trà” hay “Hiệp sĩ rừng Sơn Trà”- những chương trình trải nghiệm thiên nhiên đã góp phần thay đổi nhận thức cho người dân, nhất là các em nhỏ về vẻ đẹp và các giá trị của Bán đảo Sơn Trà cũng như loài voọc chà vá chân nâu quý hiếm.
Không chỉ ở Sơn Trà, bước chân chị Lê Thị Trang còn “in dấu” trên từng ngõ rừng, góc núi ở Quảng Nam và Kon Tum, những nơi có loài linh trưởng quý hiếm là voọc chà vá chân xám đang cần được bảo vệ.
Giám đốc điều hành CEPF, ông Olivier Langrand, chia sẻ, chuyên gia Lê Thị Trang và tổ chức GreenViet đã thúc đẩy hành động của cộng đồng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và thân thiện môi trường, kêu gọi Chính phủ và các doanh nghiệp cùng chung tay bảo vệ các hệ sinh thái bởi vì bảo tồn đa dạng sinh học chính là chìa khóa để phát triển bền vững.
Chia sẻ về giải thưởng này, chị Trang khiêm tốn cho biết, đây là nỗ lực của rất nhiều người, chị chỉ đóng vai trò thúc đẩy, kết nối các bên để cả cộng đồng bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học.
"Việc được vinh danh “Anh hùng điểm nóng đa dạng sinh học” không chỉ là niềm vui mà còn là sự khích lệ lớn lao trong nỗ lực hoạt động bảo tồn, lan tỏa tinh thần bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng và truyền cảm hứng đến bạn trẻ việc bảo vệ các quần thể động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.
Thời gian tới, tôi vẫn sẽ tiếp tục các hoạt động thay đổi thái độ, hành vi của người dân, du khách tham gia vào công tác bảo vệ rừng khi đến với Sơn Trà, khiến cho Sơn Trà trở thành niềm tự hào và động lực để khuyến khích các cộng đồng địa phương tương tự bảo vệ khu bảo tồn của mình", chị Lê Thị Trang chia sẻ.
Lưu Hương/chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;