Ông Hồ Văn Tạo ở ấp Quốc Phú, xã Quốc Thái, huyện An Phú (An Giang), giáo viên dạy Hóa học, Trường THCS Quốc Thái sáng tạo cách nuôi ong trong bọng dừa đem lại thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng.
Trước đây ông Tạo nuôi ong lấy mật trong khuôn gỗ. Năm 2013, ông sáng kiến nuôi ong tầng (ong mật) trong bọng dừa theo hình thức nuôi tự nhiên để lấy mật. Ban đầu nuôi chỉ 1 - 2 ụ đến nay ông đã phát triển 30 ụ.
Dù bận rộn với công việc dạy học nhưng ông Tạo vẫn tranh thủ thời gian để chăm sóc đàn ong. Từ việc quan sát được tập tính sinh sống của ong trong trụ điện bên đường, ông đã nảy sinh sáng kiến nuôi ong trong bọng dừa.
Ông bộc bạch: “Lúc đầu tôi không biết cách bắt ong chúa. Nhớ lại hồi học đại học có người bạn học cùng chuyên nuôi ong lấy mật trong nhà nên đã liên hệ nhờ chỉ cách nhận dạng và bắt ong chúa.
Tôi tìm trụ điện có ong xây tổ, hun khói chờ khi ong chúa bay ra là bắt, bỏ vào nón chùm lại khoảng 15 - 20 phút để ong thợ xúm lại. Sau đó lấy thùng đựng đem về. Ban đầu chẳng biết cách xây tổ nên sử dụng thùng đựng mì chứa ong chúa, ong thợ treo lên cây, ít lâu sau ra kiểm tra thì thấy tổ ong đã có mật”.
Cách làm của người thầy giáo này nghe qua chẳng có gì đặc biệt nhưng khi tận mắt quan sát, tiếp xúc mới thấy được cái hay của mô hình.
Để có được đàn ong giống, ông đã vất vả đi bắt từng tổ. Nói về cách nuôi ong, ông Tạo chia sẻ: "Trước khi thả ong vào trong bọng dừa thì cho ong chúa trong lò xo làm bằng dây chì. Sau đó thả, vài ngày sau kiểm tra tổ thấy ong xây kèo thì tiến hành thả ong chúa cùng với đàn".
Ông Tạo so sánh: “Nuôi ong theo kiểu truyền thống trong khuôn gỗ chi phí đầu tư cao gấp nhiều lần so với nuôi trong bọng dừa. Vì thế tôi tận dụng những cây dừa thoái hóa để nuôi ong. Vốn đầu tư ban đầu cho 30 ụ dừa khoảng 300.000 đồng. Nuôi ong hiệu quả cao do không tốn đất, chỉ tận dụng đất xung quanh nhà đặt những ụ dừa”.
Để xây tổ nuôi ong nên chọn những cây dừa thẳng, sau đó tiến hành cưa với chiều dài mỗi đoạn khoảng 0,6 m. Tiếp đến, đục đoạn dừa vừa cưa và đem phơi nắng. Trong quá trình đục phải tạo rãnh trên đầu của mỗi đoạn để đặt những thanh tre cho ong xây tổ và dễ dàng thu hoạch mật.
Bên dưới khoét 1 cái lỗ bằng ngón tay cái cho ong bay ra vào để lấy phấn hoa về xây tổ. Mỗi ụ dừa trước khi đặt phải kê lên cao khoảng 0,5 m để tránh ngập nước. Trên mỗi đoạn dừa phải đậy giấy bìa cứng và bọc bằng túi nylon để tránh mưa ướt.
Là người rất am hiểu về tập tính của ong, ông Tạo cho biết, thường thì ong đi lấy phấn hoa rất sớm nhưng hoạt động nhiều nhất từ 8 giờ sáng, khi trời sập tối là cả đàn bay về tổ. Ong cho mật nhiều vào tháng 11 đến tháng 5 năm sau, vì mật nhiều hay ít là phụ thuộc vào lượng hoa.
Dù có kinh nghiệm nhưng ông Tạo luôn rất cẩn thận để thu hoạch mật không ảnh hưởng đến đàn. Khi lấy mật phải nhẹ nhàng và hun khói vì theo ông ong sẽ hiền hơn. Chỉ cần vài cây nhang là hun khói dễ dàng.
Hàng ngày đi dạy học về, ông thường đục đoạn dừa để nuôi ong. Ông Tạo kể: “Việc đục đoạn dừa cưa không khó, chỉ cần 1 cây cưa nhỏ, 1 chiếc đục là có thể tạo ra một cái tổ cho ong. Dù được nuôi nhưng ong vẫn mang tính hoang dã, để gần nhau chúng sẽ cắn nhau. Do vậy, phải đặt ụ dừa này cách ụ dừa kia từ 2 - 3 m và đặt ở những nơi có nhiều cây”.
Là thầy giáo dạy cấp 2 nên đồng lương chỉ đủ để nuôi sống gia đình. Từ khi nuôi ong thì cuộc sống của gia đình ông Tạo khấm khá hơn. Nuôi thử nghiệm cách đây 2 năm, với 1 ụ dừa ban đầu nay tăng lên 30 ụ.
Ông Tạo cho biết thêm, trung bình từ 20 - 25 ngày sẽ thu hoạch mật 1 lần, ong nuôi chủ yếu hoàn toàn tự nhiên nên bán rất chạy, với giá bán 800.000 đ/lít. 30 ụ dừa của ông bình quân sẽ cho thu hoạch khoảng 10 lít mật. Mỗi tháng cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng.
Để nâng cao năng suất, chất lượng mật ong, ông Tạo không ngừng học tập và phát huy sức sáng tạo. Khát vọng của thầy giáo này không chỉ là mở rộng thêm khoảng 100 ụ dừa nuôi ong để tăng thêm thu nhập và tạo việc làm cho lao động địa phương.
Theo NNVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;