Đón đầu những cơ hội mà sản xuất rau, củ, quả an toàn theo chuẩn VietGAP mang lại, đầu năm 2019, gia đình anh Phạm Văn Quỳnh, xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc đã mạnh dạn đầu tư hơn 1,6 tỷ đồng để cải tạo trang trại mua hơn 2.000 gốc nho Hạ đen về trồng thử nghiệm, với diện tích 7.000 m2. Từ kiến thực học hỏi qua Youtube, sách, báo và và tham quan thực tế các mô hình trồng nho Hạ đen thực tế, anh Quỳnh đã đầu tư căng giàn ngang và giàn hình chữ Y theo dọc luống, bên trên làm mái vòm nilon trong suốt để hạn chế mưa, sương, gió. Đồng thời, sử dụng bạt đen che toàn bộ phần gốc bên dưới, đào các tuyến mương trữ, thoát nước và lắp hệ thống tưới nhỏ giọt bán tự động để tưới nước, bón phân. Đặc biệt, để quả nho có độ ngọt và an toàn tuyệt đối, anh tự ủ cá trộn với men vi sinh và mật mía để làm phân hữu cơ vi sinh.
Với cách làm này, năm 2020, vườn nho cho thu hoạch 2 vụ quả, với khoảng 8 tấn/năm. Dự kiến từ năm 2021 trở đi, vườn nho có thể đạt sản lượng hơn 14 tấn/năm, tương ứng 20 tấn/ha/năm. Với giá bán tại vườn là 150.000 đồng/kg, cây nho Hạ đen đang là hướng phát triển kinh tế có triển vọng. Đặc biệt, từ hiệu kinh tế mang lại, vườn nho Hạ đen của gia đình anh Quỳnh đang thu hút rất nhiều khách trong, ngoài tỉnh tới tham quan, học tập kinh nghiệm, nhất là sau khi mô hình được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP.
Cũng hướng tới sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuẩn VietGAP, đầu năm 2018, được hỗ trợ chi phí mua giống măng tây của Trung tâm kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng đất và vật tư nông nghiệp, gia đình ông Nguyễn Hải Hà, thôn Vườn Tràng, xã Xuân Lôi, huyện Lập Thạch đã cải tạo lại đất, trồng trên 2.500 cây măng tây xanh. Để cây sinh trưởng tốt và tạo ra sản phẩm măng tây xanh an toàn cho người tiêu dùng, ông Hà đầu tư 60 triệu đồng đào giếng khơi ngay tại ruộng và sử dụng nguồn nước sạch từ hệ thống cấp nước sạch tại địa phương cung cấp cho hệ thống tưới nhỏ giọt; làm giá đỡ, nilon phủ chống cỏ dại mọc, dùng phân ủ hoại mục bón cho cây, không sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ mà vừa thu hoạch măng, vừa nhỏ cỏ, bắt sâu bằng phương pháp thủ công. Với cách làm này, gia đình ông Hà đã được thu hoạch lứa măng tây đầu tiên vào dịp Tết nguyên đán năm 2019 với sản lượng 5 - 7 kg/ngày, bán với giá khoảng 80.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên đến 90.000 -100.000 đồng/kg, trừ chi phí cho thu lãi từ 13-15 triệu đồng/tháng.
Theo ông Hà, thời gian tới, gia đình ông sẽ mở rộng diện tích trồng măng tây xanh vì đây là loại cây dễ trồng, kỹ thuật chăm sóc khá đơn giản nhưng lại có giá trị dinh dưỡng cao và áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng, giá bán ổn định và cao hơn so với nhiều loại cây trồng truyền thống.
Để khuyến khích, có thêm nhiều mô hình sản xuất rau, củ, quả, hoa an toàn theo quy trình VietGAP, năm 2020, Trung tâm Kiểm nghiệm, chứng nhận đất và vật tư nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp Viện Kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công ty Cổ phần ISOQ Việt Nam cùng đánh giá giám sát, đánh giá lần đầu và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm được sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt VietGAP cho 6 mô hình sản xuất nông nghiệp trong tỉnh và 1 mô hình sản xuất của tỉnh Hòa Bình. Đó là 2 mô hình trồng nho ở Tam Hồng, Yên Lạc và Trung Mỹ, Bình Xuyên; 2 mô hình trồng bưởi ở Sơn Lôi, Lập Thạch và Vĩnh Ninh, Vĩnh Tường; mô hình trồng măng tây ở Văn Tiến, Yên Lạc và mô hình trồng đậu cove ở Kim Bôi, Hòa Bình. Đồng thời, tập trung đánh giá, giám sát để cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP cho mô hình sản xuất nấm ở Hợp Châu, Tam Đảo; mô hình sản xuất dưa chuột tại xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên và mô hình sản xuất lá tía tô xanh tại huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.
Theo thống kê của Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, đến nay, Chi cục đã phối hợp với các đơn vị liên quan cấp 121 giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP cho các cơ sở. Riêng trong năm 2020, Trung tâm đã lựa chọn 48 cơ sở nông, lâm nghiệp đủ điều kiện để triển khai hỗ trợ áp dụng quy trình VietGAP. Tham gia mô hình, các cơ sở được tổ chức tập huấn hướng dẫn sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; sử dụng thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật theo các quy định trong quy trình VietGAP. Hiện Trung tâm đang đánh giá việc áp dụng quy trình VietGap của từng cơ sở để cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn cho các cơ sở đủ điều kiện trong cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2020, bảo đảm thuận lợi cho quá trình theo dõi và truy nguyên nguồn gốc khi cần thiết.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất theo chuẩn VietGAP đang mang lại rất nhiều lợi ích, giúp người sản xuất giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến an toàn, vệ sinh thực phẩm thông qua việc kiểm soát sản xuất trong các khâu làm đất, chăn nuôi cho đến khi thu hoạch, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, ổn định. Người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và có thể truy nguyên nguồn gốc xuất xứ, góp phần khẳng định thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh nói riêng, của Việt Nam nói chung nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp.
Đức Thiện/vinhphuc.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã