Ở Việt Nam, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã đưa hạt giống mắc ca về thử nghiệm từ năm 1993. Nó được trồng ở nhiều nơi. Chỉ có một vài đơn vị làm nghiêm túc và nhận ra rằng, mắc ca có triển vọng trồng được ở Việt Nam.
Được tin ở Thanh Hóa trồng được mắc ca nên chúng tôi vào thăm. Đó là nhà anh Tú ở xã Thanh Mỹ, huyện Thạch Thành. Anh trồng 500 cây. Năm qua, anh cho biết đã thu được gần 3 tấn quả. Thật là một con số hấp dẫn. Nó hấp dẫn vì mắc ca rất đắt. Với năng suất ấy, bà con ta ở miền núi có cơ làm giàu.
Cùng tới tham quan có cả lãnh đạo Sở Nông nghiệp tỉnh và chủ tịch các huyện Cẩm Thủy và Thường Xuân. Mọi người đều rất phấn khởi. Bí thư huyện Thạch Thành vui ra mặt. Họ đang trăn trở để tìm hướng chuyển đổi cây trồng. Nay có cây mắc ca, anh khẳng định, đó là hướng tiến mới của huyện.
Tôi nhìn trên bản đồ, cả một vùng mênh mông ở phía tây các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An rất có thể đưa được mắc ca vào trồng. Nếu vậy, đó sẽ là một cuộc cách mạng, một bước ngoặt ngoạn mục cho người nghèo. Hy vọng, cây mắc ca sẽ hoàn thành được sứ mệnh này.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn Lê Văn Tam mời tôi vào làm việc. Người Anh hùng Lao động ấy đã từng cứu vớt cả triệu người ở miền Tây Thanh Hóa thoát đói nghèo bằng nghề trồng mía. Lam Sơn vươn lên thành ngọn cờ đầu để cả nước noi theo.
Tới nay, sau 20 năm phát triển, ông cho rằng phải có những đổi mới. Chúng ta cần nâng cao năng suất và chất lượng của cây mía. Vì vậy, ông chủ trương chuyển một phần diện tích trồng mía trên đồi gò (không chủ động được việc tưới) sang trồng các cây khác.
Một trong những đối tượng được ông quan tâm là cây mắc ca. Ông dự định sẽ trồng cả nghìn hécta mắc ca. Ông đưa tôi lên đồi cao để quan sát cả một vùng rộng lớn mà công ty đang trong đà chuyển đổi...
Chúng ta hy vọng, mắc ca sẽ sớm trở thành một cây trồng chính ở nhiều vùng trên đất nước.
Theo danviet.vn