Học tập đạo đức HCM

Chú trọng SX gắn với thị trường

Thứ hai - 13/10/2014 04:45
Cuối tuần qua, tại TP.HCM, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội nghị sơ kết sản xuất lúa ở Nam bộ năm 2014 và triển khai vụ đông xuân 2014 - 2015.

Hội nghị này đã chú trọng nhiều hơn tới sản xuất gắn với nhu cầu thị trường.

Khuyến cáo các giống có thị trường

So với những vụ ĐX trước đây, vụ ĐX này, yếu tố sản xuất gắn với tiêu thụ, với nhu cầu của nhà XK, đã được quan tâm nhiều hơn. Bởi ở ngay phần đầu của Hội nghị, đã có những thông tin cụ thể từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) về các giống lúa cần tập trung gieo trồng để đáp ứng nhu cầu XK trong năm 2015.

Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch VFA, cho hay, nhìn lại XK gạo trong 6 tháng đầu năm 2014 (dùng chủ yếu gạo từ vụ ĐX) có thể thấy gạo trắng thông thường (chủ yếu từ giống IR 50404) vẫn chiếm tỷ lệ cao. Nguyên nhân là do điều kiện sản xuất vụ ĐX vẫn thích hợp với giống lúa này và đáp ứng nhu cầu gạo phẩm cấp trung bình trên thế giới.

Gạo trắng chất lượng cao, hạt dài, chủ yếu sản xuất từ các giống OM đang ngày càng tăng để đáp ứng nhu cầu của các thị trường cao cấp. Gạo thơm (nhất là giống Jasmine) từ chỗ chỉ chiếm tỷ lệ thấp, nay đã đứng vào hàng thứ ba trong cơ cấu gạo XK nhờ tính cạnh tranh cao, phù hợp với sản xuất vụ ĐX. Nếp tuy chiếm tỷ lệ thấp so với các loại gạo thông thường nhưng lại có thị trường ổn định và tăng đáng kể trong thời gian qua.

Trên cơ sở đó, trong vụ ĐX 2014/2015, VFA đề xuất cơ cấu giống lúa như sau: Nhóm giống lúa thông thường chủ lực là IR 50404 lá xanh; nhóm giống lúa chất lượng cao gồm OM 6976, OM 5451, OM 4218 và OM 4900; nhóm giống lúa thơm và đặc sản gồm Jasmine 85, VD 20, ST 5-20, Tài nguyên và Nàng Hoa 9; nếp dùng các giống hiện đang sản xuất và XK.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh: Các phong trào “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, IPM... trong sản xuất lúa ở Nam bộ có vẻ đang “nguội” đi. Hiện nay, năng suất lúa của chúng ta đã gần như tới trần. Muốn tăng hiệu quả sản xuất lúa cho nông dân, chỉ còn cách giảm chi phí đầu vào. Vì thế, cần phải đẩy mạnh các phong trào “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, IPM... Ngành nông nghiệp cũng cần phải tìm cơ chế để đẩy mạnh việc gia tăng tỷ lệ giống lúa xác nhận trong sản xuất lúa ở Nam bộ.

Ngoài ra, giống lúa hạt tròn Japonica cũng cần được chú trọng phát triển, bởi gạo hạt tròn có nhu cầu từ nhiều thị trường châu Á.

Theo ông Phạm Văn Bảy, ngoài việc khuyến cáo các địa phương và nông dân sản xuất các giống đáp ứng nhu cầu thị trường, Bộ NN-PTNT cần xem xét lại tiêu chuẩn với gạo XK, bởi tiêu chuẩn hiện nay có nhiều quy định không còn phù hợp.

Cũng liên quan đến vấn đề chất lượng, ông Đoàn Ngọc Phả, PGĐ Sở NN-PTNT An Giang, cho biết, Cty Gentraco đã đặt hàng ở An Giang tới vài ngàn ha lúa IR 50404 để XK sang châu Âu làm bánh snack. Yêu cầu của khách hàng châu Âu với Gentraco chủ yếu là về dư lượng thuốc BVTV.

Bởi thế, cần sớm có những quy định cụ thể tiêu chí về dư lượng thuốc BVTV trong gạo XK nhằm tạo điều kiện cho các DN trong việc tìm kiếm những đơn hàng mà nhà NK chủ yếu quan tâm tới vấn đề dư lượng.

Riêng về giống lúa IR 50404, đang có băn khoăn không nhỏ từ nhiều địa phương và các doanh nghiệp khi mà nhu cầu XK gạo từ giống lúa này vẫn cao, trong khi Bộ NN-PTNT lại khuyến cáo không sản xuất giống lúa này vượt quá 20% diện tích.

Về vấn đề này, ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Trồng trọt, cho rằng, nếu có các đơn hàng XK, thì vẫn có thể tổ chức sản xuất giống IR 50404 với diện tích cao hơn so với khuyến cáo. Tuy nhiên, dứt khoát phải có hợp đồng XK thì mới nên trồng giống IR 50404 vượt diện tích khuyến cáo.

Đề phòng sâu bệnh, hạn mặn

Trong năm 2014, khu vùng Nam bộ đã gieo trồng tổng cộng 4,711 triệu ha lúa, đạt năng suất bình quân 5,89 tấn/ha, sản lượng 27,776 triệu tấn lúa. So với năm 2013, diện tích gieo trồng giảm 26.940 ha, nhưng năng suất bình quân tăng 0,227 tấn/ha, thành ra tổng sản lượng lúa vẫn tăng 916.365 tấn. Năm 2015, dự kiến sản xuất lúa ở Nam bộ là 4,716 triệu ha gieo trồng, sản lượng 28,057 triệu tấn.

Theo Trung tâm BVTV phía Nam, khi xuống giống vụ ĐX 2014/2015, các tỉnh cần lưu ý 2 đợt rầy lưu trú vào tháng 11 và 12/2014, vì thời điểm này trùng với thu hoạch rộ lúa thu đông và mùa, nên mật số rầy vào đèn có thể từ trung bình đến cao.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp các tỉnh cũng cần lưu ý các dịch hại phổ biến khác như đạo ôn, ốc bươu vàng, bạc lá...

Còn theo Tổng cục Thủy lợi, sản xuất lúa vụ ĐX 2014/2015 sẽ gặp nhiều yếu tố bất lợi về thời tiết, nguồn nước... Lượng mưa ở Nam bộ trong các tháng 8 và 9/2014 phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN); các tháng 10 đến 12/2014 khả năng ở mức xấp xỉ dưới so với TBNN cùng thời kỳ.

Nhiều khả năng mùa mưa ở Nam bộ và Tây Nguyên sẽ kết thúc sớm hơn bình thường. Lượng mưa mùa khô 2014/2015 có khả năng thiếu hụt so với TBNN cùng thời kỳ. Do đó, các địa phương cần đề phòng khả năng khô hạn trên diện rộng ở phạm vi toàn quốc trong các tháng đầu năm 2015.

Tình trạng xâm nhập mặn sẽ có khả năng xuất hiện sớm và sâu hơn vào nội đồng từ 40-50 km. Khả năng khô hạn xảy ra trên diện rộng ở Đông Nam bộ. Tình trạng thiếu nước, khô hạn có khả năng xảy ra trên diện rộng vào mùa khô 2014/2015 ở Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ, có khả năng tương đương như năm 1986-1986 hay 2002-2003.

Theo nongnghiep.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập388
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm387
  • Hôm nay52,085
  • Tháng hiện tại827,363
  • Tổng lượt truy cập92,001,092
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây