Thời điểm này, củ ấu đã được người dân các xã như Chuế Lưu, Lâm Lợi, Động Lâm, Hiền Lương, Quân Khê thu hoạch và bày bán ở ven đường. Từ nhiều năm nay, cây ấu được người dân đưa vào trồng trên diện tích ruộng trũng, khó có thể cấy lúa. Vì thế, người dân đã duy trì giống và trồng đúng vụ.
Trồng củ ấu nếp trên chân ruộng trũng đã mang lại nguồn thu nhập không hề nhỏ cho nhiều hộ nông dân vùng ven sông Thao.
Hàng chục ha ruộng trũng, lầy lâu năm đã được nông dân ở các xã vùng ven sông Thao chuyển đổi thành diện tích trồng ấu để tránh bỏ không, lãng phí ruộng. Tại các diện tích ruộng trũng, nhờ lượng nước dồi dào từ sông Thao chảy vào mang theo lượng lớn phù sa nên tạo nguồn dinh dưỡng tốt cho ấu phát triển.
Các hộ nông dân ở các xã lâu nay đã chọn giống ấu nếp để trồng trên diện tích ruộng nhà mình. Ấu nếp củ to, đều, được mùa và ăn ngọt, thơm, được thị trường ưa chuộng. Nhờ thế, hầu hết các diện tích ấu của người dân trồng rất ít khi bị mất mùa. Bà Nguyễn Thị Thuận ở khu 4 xã Động Lâm chia sẻ: “Cây ấu rất dễ trồng và ít khi mất mùa. Nhưng muốn ấu có nhiều củ cần phải dày công chăm sóc”.
Bắt đầu từ tháng ba, tháng tư dương lịch, người dân bắt đầu gieo cấy ấu. Khi đó, để ấu giống lên mầm, bén rễ, người dân đã rút nước và để săm sắp, khi ấu mọc thành cây người trồng ấu mới dẫn nước về tạo cho ấu phát triển. Cây ấu có thời gian sinh trưởng và phát triển khá dài. Muốn có một mùa ấu bội thu, người nông dân ở các xã ven sông Thao của huyện Hạ Hòa đã dày công chăm sóc ấu ngay từ khi mới gieo trồng. |
Trước đó, người trồng ấu phải trải qua khâu làm ruộng, tức là phải dọn sạch cỏ, rong rêu để tạo mặt bằng cho ấu mọc cây. Khi ruộng được làm xong, người ta phải lội xuống bùn sâu để cắm từng củ ấu giống xuống bùn với độ sâu vừa phải, đều trên toàn diện tích ruộng.
Quá trình trồng và chăm sóc ấu tuy đơn giản hơn so với các loại hoa màu khác nhưng nếu không biết kỹ thuật hay đặc tính sinh học của cây ấu sẽ khó lòng thu được củ ấu khi mùa vụ đến.
Những ngày ấu đơm hoa, ra củ và buông những chùm củ đỏ au dưới bùn nước là những tín hiệu mừng của người trồng ấu để có được một mùa ấu như mong đợi. Nhưng đây cũng là thời điểm mà chuột bọ phá hoại mùa màng nhiều nhất.
Sau khi người ta gặt lúa, lũ chuột đồng không có thức ăn nên đã kéo nhau xuống để oanh tạc ruộng ấu. Mặc dù vào thời điểm ấu mọc củ, nuôi củ, cần kích ruộng nước đầy nhưng chuột đều bơi từ bờ ruộng ra những cụm ấu to để ăn củ ngay tại chỗ. Vì thế, công việc phòng trừ chuột, bọ phá hoại ấu được người dân thường xuyên quan tâm.
Củ ấu thu hoạch từ ruộng được người dân mang ra ven đường lộ để bán cho khách qua lại.
Trong những năm gần đây, cây ấu được nhiều hộ gia đình vùng ven sông Thao đầu tư trồng và mang lại thu nhập cao cho người nông dân vùng này. Hằng năm, cứ cuối thu, chớm đông là mùa ấu chín, thời điểm này, người dân bắt đầu xuống đồng hái ấu.
Công việc hái ấu khá vất vả vì phải lội bùn sâu, dùng tay mò xuống bùn để tìm những củ ấu đã rụng hoặc hái những củ vẫn còn treo trên gốc. Nếu ruộng lầy thụt phải lướt theo thuyền nan. Những năm trước đây, ấu tuy được mùa nhưng bán ra không được giá cao, chỉ dao động từ 8 đến 12 ngàn đồng. Vì thế, tuy vất vả trong chăm sóc và thu hoạch nhưng thu nhập của các hộ nông dân không đáng là bao.
Ba năm gần đây, đặc biệt là năm 2017, cây ấu đã cho mùa bội thu trên diện tích các hộ gia đình trồng. Ước tính mỗi sào ấu cho sản lượng từ 2 tạ đến 2,2 tạ. Giá bán ấu năm nay tăng vọt, từ 18 đến 20.000 đồng/kg. Nhờ thế, mỗi sào ấu mang lại thu nhập từ 3,5 đến 4 triệu đồng cho các hộ nông dân.
Điều thuận lợi ở chỗ, những năm gần đây, thị trường gần xa có nhu cầu cao về củ ấu. Vì thế, khi bắt đầu thu hoạch ấu, đã có khách buôn đến hỏi mua với khối lượng lớn ngay trên đồng ruộng. Số củ ấu còn lại, được người dân bày bán ngay trên ven đường. Do giá ấu tăng nhanh nên các hộ nông dân nơi đây có thêm động lực để đầu tư trồng ấu với diện tích lớn. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;