Ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng Lâm nghiệp |
Theo ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đánh giá, Việt Nam ít xác suất bùng phát bệnh "chết héo" trên cây keo thành dịch trên quy mô lớn, song cũng không thể lơ là bởi nếu để dịch bùng phát sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn gỗ nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Bệnh "chết héo" trên các loài cây, đặc biệt là cây keo đã bùng phát trở thành đại dịch tại nhiều quốc gia trên thế giới như Indonesia, Malaysia... gây ra hậu quả khôn lường. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về mức độ thiệt hại mà căn bệnh này gây ra?
Ông Phạm Văn Điển: Bệnh "chết héo" trên cây không chỉ xảy ra trên cây keo mà xuất hiện với các loài cây khác nhau. Bệnh này ghi nhận lần đầu tiên năm 1900, gây bệnh nghiêm trọng với cây cà phê ở đảo Java (Indonesia).
Từ trước đến nay, bệnh này đã xuất hiện ở cả 5 châu lục trên nhiều loại cây, kể cả giống cây nội địa cũng như cây nhập nội. Ví dụ, bệnh xuất hiện trên cây bạch đàn hay cây keo tại Australia đều là giống cây bản địa của Australia; cây sồi hay cây dẻ là cây bản địa của châu Âu.
Về mặt thiệt hại, tại Indonesia, từ năm 2010 đến năm 2017, bệnh này gây chết khoảng 1 triệu ha rừng. Tại Malaysia từ năm 2015 đến năm 2017, 2018, con số thiệt hại là khoảng 300.000 ha. Nếu như năm 2009, Indonesia có 1,6 triệu ha rừng keo thì đến nay con số này chỉ còn lại 0,6 triệu ha. Đáng chú ý, diện tích keo bị chết tại Indonesia, Malaysia... sau khi được trồng lại bằng cây mới là bạch đàn thì đến nay cũng đã bị nhiễm bệnh.
Tình hình bệnh "chết héo" trên cây keo diễn biến cụ thể ở Việt Nam như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Văn Điển: Ở Việt Nam, bệnh này phát hiện năm 2008 trên cây keo tai tượng. Việt Nam có 4 loài keo là keo tai tượng, keo lá tràm, keo lá liềm và keo lai giữa keo tai tượng và keo lá tràm. Hiện nay, trừ loài keo lá liềm, bệnh phát hiện có nhiễm chủ yếu trên 3 loài còn lại. Một số rừng keo tai tượng, keo lá tràm và keo lai đã bị chết bởi bệnh này.
Cũng phải nói thêm rằng, năm 2008 Việt Nam phát hiện bệnh "chết héo" trên cây keo, song khi đó chưa xuất hiện cây chết. Đến năm 2015, có 2.000 ha rừng keo bị nhiễm. Bị nhiễm là bệnh mới ở giai đoạn đầu, còn bị bệnh là mức độ bị hại cao hơn. Tỉ lệ cây bị bệnh trong tổng số 2.000 ha là dưới 15%. Có những chỗ, tỉ lệ cây bị bệnh cao hơn là khoảng 30-40%.
Năm 2015, diện tích keo mắc bệnh bị chết khoảng 100 ha, phân bố rải rác tại nhiều địa phương. Tại thời điểm đó, bệnh "chết héo" trên keo được phát hiện ở 17 tỉnh trên cả nước. Đến nay, bệnh này đã lây lan ra 21 tỉnh trên cả nước, song diện tích không tăng so với năm 2015, nghĩa là vẫn khoảng 2.000 ha. Bệnh gây chết rải rác ở các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái... với tổng số trên 90 ha.
Nếu đặt trường hợp bệnh này bùng phát trở thành dịch như câu chuyện tại Indonesia hay Malaysia sẽ gây ra những ảnh hưởng như thế nào tới ngành chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam, thưa ông?
Ông Phạm Văn Điển: "Chết héo" là bệnh nguy hiểm, nếu bùng phát thành dịch sẽ gây tổn hại khá lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu gỗ.
Hiện nay, Việt Nam có diện tích keo nhiều. Rừng keo thuộc diện rừng sản xuất để cung cấp gỗ cho chế biến, xuất khẩu gỗ khoảng 1,6 triệu ha. Ngoài ra, Việt Nam còn có khoảng 300.000-400.000 ha rừng keo khác như loại rừng đặc dụng. Tổng số diện tích keo của Việt Nam là 2 triệu ha.
Ở góc độ xuất khẩu, trong tổng số nguồn cung gỗ nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu gỗ, keo chiếm tỉ lệ trên 50%; 26% là từ gỗ cao su, gỗ cây phân tán... và khoảng 24% là từ nguồn gỗ nhập khẩu.
Nhận định của các nhà khoa học Việt Nam cũng như của Tổng cục Lâm nghiệp, của các viện, trường, Việt Nam rất ít xác suất bùng phát bệnh "chết héo" thành dịch trên quy mô lớn. Tuy nhiên, bệnh này không thể chủ quan bởi dù bệnh có gây chết 100 ha hay 200 ha rừng phân bố rải rác trên toàn quốc thì cũng là gây thiệt hại đáng kể.
Ngăn chặn bệnh này để hướng tới quản lý rừng trồng bền vững, tiến tới cấp chứng chỉ rừng, ổn định lâu dài bảo vệ sản xuất, xuất khẩu. Xét cho tới cùng, một trong những điểm bảo vệ xuất khẩu chính là phải gắn liền bảo vệ khâu nguyên liệu.
Việt Nam đang tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong nhiều lĩnh vực. Nếu thiếu nguyên liệu, khó khăn về nguyên liệu đương nhiên Việt Nam sẽ không bị loại ngay ra khỏi chuỗi, song chắc chắn dẫn tới gián đoạn trong việc tham gia vào chuỗi.
Xin ông cho biết, thời gian tới, ngành lâm nghiệp sẽ triển khai những giải pháp cụ thể, quyết liệt ra sao để kiểm soát tốt bệnh "chết héo" trên cây keo, tránh để bùng phát thành dịch?
Ông Phạm Văn Điển: Một quy trình tạm thời để phòng chống bệnh "chết héo" ở keo sẽ được ban hành trong quý III tới. Quy trình tạm thời là quy trình tổng hợp từ khâu chọn giống tốt, không bị nhiễm bệnh để trồng đến xử lý đất để đảm bảo triệt tiêu mầm bệnh, rồi đến kỹ thuật trồng, chăm sóc nuôi dưỡng bảo vệ rừng...
Bên cạnh đó, Tổng cục Lâm nghiệp cũng khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp, chủ rừng.. chủ động phòng chống bệnh này. Cụ thể khuyến cáo như, phân biệt ra trồng chỗ rừng đã bị dịch phải xử lý khoanh vùng, phát hiện, chặt bỏ theo hướng dẫn; khuyến cáo trong khâu xử lý thực bì và đất...
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, phải phòng xa khi tỉ lệ số cây bị bệnh còn thấp, thường là dưới 15% tổng số cây bị nhiễm thì sẽ xử lý được. Nếu để số cây bị bệnh vượt qua 15%, ví dụ lên mức 30-45% với cấp độ bị hại tăng lên cấp 3, cấp 4 (bệnh có 4 cấp độ-PV), việc chữa trị sẽ rất tốn kém, khó xử lý...
Xin cảm ơn ông!
Đỗ Hương (Thực hiện)
Nguồn tin: chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;