Mới đây, đàn lợn 11 con của hộ gia đình ông Hoàng Đình Thi, tổ 9, phường Đề Thám, TP. Cao Bằng xuất hiện nhiều dấu hiệu của bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), mẫu bệnh phẩm gửi đi cho kết quả dương tính.
Ông Thi buồn rầu tâm sự: Năm 2019 khi dịch DTLCP bùng phát, gia đình tôi cũng bị tiêu hủy mấy tạ lợn. Đến cuối năm 2020 khi dịch lắng xuống mới dám mua con lợn nái về nuôi gây giống. Lứa đầu được 7 con, nhưng khi đàn lợn thịt đạt trọng lượng khoảng 80 kg/con gần xuất chuồng lại mắc bệnh. Gia đình tôi hàng năm chỉ trông chờ vào trồng rau, nuôi lợn nên hoàn cảnh khá khó khăn khi đàn lợn lại bị tiêu hủy vì dịch.
Còn bà Hoàng Thị Phượng, tổ 9, phường Đề Thám vừa mới vay ngân hàng 100 triệu đồng để đầu tư xây chuồng trại, mua lợn nái, lợn thịt về nuôi, nay cả đàn bị tiêu hủy cũng đang lao đao vì khoản nợ.
Bà Phượng chia sẻ, hơn 1 năm năy bà mới dám vay vốn ngân hàng để tái đàn lợn. Vậy mà vừa nuôi được mấy tháng 4 con lợn nái chuẩn bị phối, 8 con lợn thịt đều mắc bệnh phải tiêu hủy. Hiện còn duy nhất 1 con lợn thịt còn khỏe mạnh bà vẫn đang tiếp tục nuôi mà chưa biết có qua nổi hay không.
Theo số liệu của Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Cao Bằng, trong tháng 5/2021, dịch TLCP tiếp tục phát sinh thêm 7 ổ dịch mới tại các xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc, thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Hòa); xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình; xã Lê Lai, Thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An; phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng; xã Hồng Việt, huyện Hòa An.
Lợn mắc bệnh rải rác tại các huyện, thành phố với tổng số bị buộc tiêu hủy là 463 con các loại (211 con lợn nái và 342 con lợn thịt), trọng lượng hơn 24 tấn. So với tháng trước, số lợn mắc bệnh và buộc tiêu hủy tăng 356 con với trọng lượng lợn tiêu hủy tăng hơn 21 tấn.
Tính từ đầu năm 2021 đến nay, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 63 thôn, xóm/30 xã, phường, thị trấn/10 huyện, thành phố của tỉnh Cao Bằng làm mắc và buộc tiêu hủy 878 con lợn các loại (174 con lợn nái, 704 con lợn thịt) của 144 hộ chăn nuôi với tổng trọng lượng hơn 38 tấn.
Ông Hoàng Minh Đạt, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Cao Bằng cho biết: Chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu theo phương thức nhỏ lẻ, hộ gia đình nên việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học vào trong chăn nuôi còn hạn chế, do vậy gây khó khăn cho việc xử lý, khoanh vùng, khống chế dịch bệnh. Một số nơi, dịch bệnh xảy ra nhưng người dân giấu dịch, không báo đến cơ quan chức năng mà tranh thủ bán chạy hoặc giết mổ.
Hệ thống thú y viên ở cơ sở tại các địa phương còn thiếu, phụ cấp thấp, một số làm công tác kiêm nhiệm không có chuyên môn về thú y, do vậy ảnh hưởng lớn đến công tác giám sát, cập nhật số liệu và báo cáo dịch bệnh theo quy định.
Trong khi hiện vẫn chưa có vacxin phòng và thuốc điều trị dịch DTLCP, công tác tiêu độc khử trùng tại các hộ thực hiện chưa tốt, đặc biệt tại những vùng đã xảy ra dịch bệnh. Do đó, nguy cơ tái bùng phát bệnh dịch tả lợn châu Phi ra các địa phương trong thời gian tới là rất lớn.
Để ngăn chặn các ổ dịch lây lan, Sở NN-PTNT đã đề nghị các địa phương khẩn trương khoanh vùng ổ dịch trong phạm vi cấp xóm, xã. Rà soát, thống kê toàn bộ đàn lợn tại vùng ổ dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm. Công bố dịch bệnh theo quy định, tiêu hủy ngay số lợn mắc bệnh, dập dịch, không để lan rộng ổ dịch.
Theo Công Hải/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã