Đây là khẳng định được nêu trong Kết luận điều tra cuối cùng của Cơ quan điều tra (CQĐT), thuộc Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), liên quan đến vụ điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan. Mã vụ việc: AD13-AS01.
Kết luận điều tra cuối cùng này cũng là cơ sở để Bộ Công Thương ra quyết định chính thức về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, có hiệu lực từ hôm nay, ngày 16/6.
Trong hồ sơ điều tra, đại diện ngành sản xuất trong nước cáo buộc rằng: Có tồn tại yếu tố thị trường đặc biệt đối với mía nguyên liệu của Thái Lan.
Sau khi xác minh làm rõ, CQĐT xác định rằng:
Chính sách của Chính phủ Thái Lan, cụ thể là Ủy ban Mía đường Thái Lan (OCSB) đã can thiệp rất sâu vào giá mía mà các nhà máy đường phải trả cho người nông dân.
Giá mía không được quyết định bởi các yếu tố cung cầu của thị trường mà được xác định theo một tỷ lệ nhất định của doanh thu do Chính phủ quy định.
Doanh nghiệp sản xuất mía lẫn người nông dân trồng mía không quyết định mức giá.
Giá mía là do Chính phủ quyết định chứ không phải doanh nghiệp và người trồng mía, thông qua các thông báo ấn định giá mía đầu vụ và cuối vụ.
Ngay cả khi giá được ấn định, Chính phủ Thái Lan vẫn có chính sách trợ cấp để bù đắp cho các nhà máy khi có sự chênh lệch giữa giá ấn định đầu vụ và giá ấn định cuối vụ.
Theo CQĐT, giá mía danh nghĩa mà nhà máy thanh toán cho nông dân cũng không phản ánh được giá thực tế mà nhà máy phái trả. Bởi vì, phần thanh toán tiền hoàn trả của việc sản xuất và phân phối đường không được tính vào giá.
Như thế, thông qua chính sách của mình, giá mía, nguyên liệu đầu vào chủ yếu cho sản xuất đường tại Thái Lan đã bị làm lệch lạc, không còn phản ánh chính xác mối quan hệ cung cầu của thị trường.
Ngoài việc kiểm soát giá mía nguyên liệu, OCSB còn thực hiện kiểm soát cả hoạt động sản xuất của các nhà máy đường. Đã vậy còn quy định luôn giá bán tối thiểu các sản phẩm đường trên thị trường Thái Lan.
Hàng năm, OCSB căn cứ vào giá bán mía, giá nguyên liệu của năm trước để tính toán và ấn định giá bán tối thiểu sản phẩm đường tinh luyện và đường trắng trên thị trường nội địa.
Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đường phải bán đường trên mức giá tối thiểu được quy định bởi OCSB.
Chính sách hạn chế số lượng đối với nguồn cung đường trong nước và nguồn cung đường nhập khẩu của Chính phủ Thái Lan cũng làm sai lệch quan hệ cung cầu về đường tại thị trường nội địa Thái Lan.
Việc Thái Lan duy trì hạn chế lượng cung đường nội địa, lại còn quy định luôn mức giá tối thiểu khiến giá đường trong nước luôn ở mức cao.
Điều này đảm bảo cho các nhà máy đường có đủ lợi nhuận để tài trợ cho hoạt động xuất khẩu.
Từ đó gia tăng được sản lượng đường sản xuất và tiêu thụ hết sản lượng mía mà người nông dân Thái Lan canh tác.
Với nguồn cung đường nhập khẩu, Chính phủ Thái Lan hạn chế bằng cách tiếp tục duy trì chế độ hạn ngạch thuế quan với đường nhập khẩu.
Lượng hạn ngạch nhập khẩu chỉ có 13.760 tấn. Thuế suất trong hạn ngạch là 65%, thuế suất ngoài hạn ngạch là 95%.
Trên thực tế, CQĐT cho biết, trong suốt các niên vụ từ 2017 đến nay, Thái Lan không nhập khẩu bất kỳ lượng đường nào vào thị trường nội địa.
Chính sách này đã hạn chế gần như hoàn toàn việc nhập khẩu đường có giá cạnh tranh từ Brazil, Ấn Độ, Australia...
"Thái Lan đã tạo ra sự hạn chế cạnh tranh, cũng như hạn chế các yếu tố thị trường có thể vận động tự do trên thị trường đường nội địa Thái Lan", CQĐT nêu rõ.
CQĐT ghi nhận có 2 nguyên nhân dẫn đến việc suy giảm sản lượng trong các kỳ điều tra.
Thứ nhất, diện tích trồng mía liên tục thu hẹp trong những năm gần đây. Thứ hai là do không thể cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ từ Thái Lan.
Sản lượng đường trong nước không chỉ thấp nhất trong thời kỳ điều tra, mà thậm chí còn thấp nhất trong gần 20 năm của ngành đường Việt Nam.
Còn theo Hiệp hội Mía Đường Việt Nam (VSSA), đa số doanh nghiệp sản xuất trong nước luôn coi đường sản xuất từ mía là sản phẩm chủ đạo. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước luôn trong tình trạng thiếu mía nguyên liệu. Các nhà máy sẵn sàng thu mua tất cả lượng mía của nông dân để đưa vào sản xuất.
Theo VSSA, trong niên vụ 2019-2020, ngành mía đường đã đóng cửa 11 nhà máy. Và dự kiến có 5 nhà máy sẽ tiếp tục đóng cửa trong niên vụ tới do không đủ nguyên liệu. Sản xuất xong lại không thể cạnh tranh với đường của Thái Lan trên thị trường.
Tính đến cuối tháng 4/2021, hầu hết các nhà máy mía của ngành đường Việt Nam đã hoàn thành vụ mía 2020-2021. Toàn ngành đã ép được hơn 6,2 triệu tấn mía; sản xuất được hơn 661.000 tấn đường.
Ước tính sản lượng đường của vụ 2020-2021 sẽ đạt khoảng dưới 700.000 tấn, thấp hơn vụ trước 2019-2020.
VSSA cho rằng, số liệu sản xuất vừa nêu đã bộc lộ thiệt hại vô cùng nghiêm trọng mà ngành đường Việt Nam phải gánh chịu trước sự tàn phá của nguồn đường phá giá có nguồn gốc nhập khẩu trong nhiều năm liên tiếp.
Theo Nguyên Vỹ/danviet.vn
https://danviet.vn/thai-lan-da-can-thiep-nghiem-trong-vao-thi-truong-mia-duong-nhu-the-nao-20210616120827478.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã